| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng cây gai xanh

Thứ Sáu 14/05/2021 , 08:49 (GMT+7)

Gai xanh là cây trồng một lần có thể thu hoạch trên 10 năm, mỗi năm từ 4 - 5 lứa; chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha.

Năm 2021, UBND huyện Cẩm Khê(Phú Thọ) phối hợp với Công ty An Phước (Hà Nội) đã tổ chức trồng cây gai xanh AP1 tại xã Phượng Vỹ. Các hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn thành lập HTX Cây gai Tân Hợp. Đây là loại cây mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, hứa hẹn mang đến sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Văn Toản ở khu Trại Cụ, thành viên HTX Cây gai Tân Hợp đã mạnh dạn trồng 4 sào cây gai xanh, thay thế dần các cây hoa màu kém hiệu quả khác. Đến nay, cây gai của gia đình ông và của các thành viên trong HTX phát triển tốt.

Cây gai xanh đang phát triển rất tốt tại xã Phượng Vỹ (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Ảnh: Mạnh Thuần.

Cây gai xanh đang phát triển rất tốt tại xã Phượng Vỹ (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Ảnh: Mạnh Thuần.

Ông Toản phấn khởi cho biết: Do trồng một số cây hoa màu hiệu quả kinh tế không cao nên năm 2020, khi có mô hình trồng cây gai xanh, gia đình đã tham khảo, học hỏi tư vấn, trồng một số diện tích thí điểm và sẽ mở rộng thêm diện tích trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Chủ, khu Xóm Đạt (xã Phượng Vỹ) sau khi được đi tập huấn, giới thiệu và tìm hiểu thêm trên sách, báo về cây gai xanh, được biết loài cây này có nhiều đặc tính tốt, giá trị sử dụng cao như: Thân vỏ có thể sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt, lá được sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm...

Nhận thấy đây là mô hình mới, phù hợp với đất đai và khí hậu của địa phương, ông đã trao đổi với chính quyền địa phương phối hợp với Công ty An Phước trồng cây gai xanh, thành lập HTX với 7 thành viên do ông làm giám đốc.

Để thực hiện mô hình, các thành viên trong HTX chú trọng ngay từ khâu cải tạo đất, cây giống, kỹ thuật trồng chăm sóc và được Công ty An Phước hướng dẫn cụ thể, ký hợp đồng đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Chủ cho biết: Trồng cây gai xanh cho thu nhập gấp 4 lần so với cây ngô, khoai, sắn, phù hợp với chất đất địa phương. Từ đó, HTX đã bàn chính quyền địa phương và Phòng Nông nghiệp huyện để hỗ trợ phát triển cây gai xanh. Hiện HTX mới trồng 3 ha, và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích từ nay đến cuối năm 2021, với kế hoạch đạt 7 đến 10 ha.

Gai xanh là cây trồng một lần có thể thu hoạch trên 10 năm, mỗi năm từ 4 - 5 lứa; chịu hạn tốt, thời gian thu hoạch từ 45-50 ngày/lứa, ít sâu bệnh. Do đó, bà con có thể tiết kiệm được chi phí cây giống và công chăm sóc.

Hiện nay, cây gai xanh đang phát triển tốt tại địa bàn xã Phượng Vỹ, chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên. Dự kiến, năng suất trung bình đạt khoảng 18 tạ/ha, với giá trị thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha.

Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, thay đổi canh tác nông nghiệp truyền thống tại địa phương, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.