| Hotline: 0983.970.780

Trông chờ thủy điện

Thứ Ba 31/03/2015 , 09:10 (GMT+7)

Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa làm việc với 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận bàn biện pháp xả nước từ hồ thủy điện phục vụ sinh hoạt và SX vụ HT.

Ông Phạm Văn Hường, GĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, Cty đang quản lý, khai thác 20 hồ thủy lợi. Do khô hạn kéo dài, toàn bộ lượng nước trong hồ chỉ còn lại 23 triệu m3/192 triệu m3, tương ứng với 12% dung tích thiết kế. Vụ ĐX 2014-2015 gần 20.000 ha lúa, ngô và các loại cây trồng khác cơ bản đảm bảo nước tưới (khoảng 6.000 ha đất lúa phải bỏ không do không có nước).

Theo ông Hường, trong vụ HT tới đây, lượng nước còn lại chỉ để phục vụ sinh hoạt và cho chăn nuôi, do vậy tỉnh lên kế hoạch gieo trồng 16.000 ha, giảm 10.299 ha so với vụ HT 2014.

Diện tích gieo trồng vụ HT phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn nước hồ thủy điện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông qua hệ thống đập dâng Đa Nhim, Lâm Cấm và Sông Pha.

"Ninh Thuận kiến nghị EVN tiếp tục xả nước với lưu lượng 17 - 18 m3/s từ ngày 1/5 đến tháng 8/2015, bởi hồ thủy điện Đơn Dương còn 97 triệu m3, cao hơn so với mọi năm và thông thường đến tháng 5 là Lâm Đồng có mưa, hồ được bổ sung nước”.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Lộc, Phó TGĐ Cty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, hồ Đơn Dương còn gần 100 triệu m3 nhưng thực tế lượng nước xả được chỉ khoảng 80 triệu m3, còn lại là mực nước chết và hao hụt khác. Dù lượng nước trong hồ cao hơn mọi năm nhưng nguồn nước sinh thủy bổ sung về hồ chỉ bằng 35% so với mọi năm.

"Với đề nghị của Ninh Thuận thì mỗi ngày xả hết 1,7 triệu m3 nước, nếu không có mưa thì chỉ xả được hơn 1 tháng là hồ hết nước, đó là chưa kể đến từ nay đến 15/4 Cty tiếp tục phải xả 17 - 18 m3/s mới đảm bảo nước tưới cho cây trồng vụ ĐX và từ 15/4 - 1/5 xả khoảng 10 m3/s thì trong tháng 4 cũng mất khoảng 30 triệu m3 nước", ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị EVN và Ninh Thuận có cuộc họp trong tháng 5 để chốt phương án xả nước. Ninh Thuận phải có phương án sử dụng nước hết sức tiết kiệm, ưu tiên cho sinh hoạt và chăn nuôi, sau đó mới tính toán cụ thể xuống giống nhiều hay ít, nếu không có mưa thì phải tiếp tục cắt giảm diện tích gieo trồng vụ HT, còn nguồn nước từ hồ Đơn Dương dồi dào thì có thể mở rộng thêm diện tích ở các vùng cuối kênh theo kế hoạch. Lưu ý rút ngắn thời gian xuống giống nhằm tiết kiệm nước.

Ông Vũ Xuân Khu, PGĐ Trung tâm điều độ điện Quốc gia (EVN) cho biết: "Chúng ta phải đặt ra kịch bản xấu nhất là mùa mưa đến muộn, nếu thời tiết giống như đợt khô hạn năm 2005 mà chúng ta xả nước như đề nghị của Ninh Thuận thì đến tháng 7 không còn nước để sinh hoạt chứ đừng nói đến SX.

Tuy nhiên nếu chúng ta giữ nước, xả quá ít mà mùa mưa đến đúng chu kỳ như mọi năm thì lại phải xả bỏ nước trong khi đó diện tích gieo trồng thu hẹp do sợ thiếu nước thì rất lãng phí. Bài toán chúng ta đặt ra là phải cân đối nhu cầu nước của địa phương để điều tiết cho hợp lý từng thời điểm khác nhau".

Ông Phan Quang Thựu, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận đề nghị EVN cho xả theo từng giai đoạn cụ thể, theo đó từ 15/4 - 15/5 xả với lưu lượng 8 - 10 m3/s phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi; từ 15/5 - 20/6 xả với lưu lượng 17 - 18 m3/s phục vụ làm đất, xuống giống, sau 20/6 tùy nguồn nước trong hồ mà xả nhiều hay ít nhưng tối thiểu từ 12 - 14 m3/s mới đảm bảo cho sinh hoạt và SX.

Tại Bình Thuận, các hồ chứa thủy lợi chỉ cấp khoảng 28% diện tích SX; còn nguồn nước từ hai nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận - Đa Mi cung cấp đến 72% diện tích. Đến 28/3, lượng nước hữu ích còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Bình Thuận còn khoảng 50 triệu m3, chỉ đạt 23%. Do vậy, vào lúc này việc điều tiết nguồn nước xả ra từ hai nhà máy thủy điện vào hệ thống thủy lợi trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo phương án đã thống nhất, nhà máy thủy điện Đại Ninh sẽ xả nước 2 giờ/ngày, trong tháng 4 công suất 9 m3/s; tháng 5 từ 12 - 15 m3/s; nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi sẽ xả nước 12 giờ/ngày: trong tháng 4 công suất 28 m3/s, tháng 5 từ 31 - 37 m3/s.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.