| Hotline: 0983.970.780

Trồng củ cải trắng làm xá bấu

Thứ Tư 31/01/2024 , 06:30 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Củ cải trắng sau khi được nhổ lên, người trồng chọn ra những củ đẹp, rửa sạch, đem muối làm xá bấu, tiêu thụ khắp cả nước, nông dân có thu nhập ổn định.

Nhắc đến thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) ngoài hành tím là cây trồng chủ lực tạo nên danh tiếng cho vùng đất này, vài năm gần đây, bà con đồng bào dân tộc Khmer nơi đây lựa chọn củ cải trắng để phát triển sản xuất.

Thị xã Vĩnh Châu nổi tiếng với nghề trồng củ cải trắng, thời vụ thích hợp nhất vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Ảnh: Kim Anh.

Thị xã Vĩnh Châu nổi tiếng với nghề trồng củ cải trắng, thời vụ thích hợp nhất vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Ảnh: Kim Anh.

Do đặc tính không chịu được mưa, củ cải trắng phù hợp trồng ở vùng đất xốp. Thời vụ trồng thích hợp nhất vào các mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch). Khi gieo hạt, bà con nông dân phủ rơm lên mặt đất để giữ ẩm, đồng thời tránh ảnh hưởng khi trời mưa hoặc hay hạt bị trồi lên mặt đất khi tưới.

Nằm trải dọc trên các tuyến hương lộ 29, hương lộ 30 thuộc địa bàn các xã Lạc Hòa, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước… (thị xã Vĩnh Châu), những ngày này, những cánh đồng bạt ngàn củ cải trắng nằm phơi mình giữa nắng cát, chờ tới lượt thu hoạch.

Củ cải trắng thuộc nhóm rau màu ngắn ngày, trung bình từ thời điểm trồng đến thu hoạch dao động từ 45 – 55 ngày. Thời gian đầu, nông dân Vĩnh Châu chỉ trồng xen canh củ cải trắng khi vụ hành tím kết thúc. Dần dần nhận thấy đầu ra ổn định, lợi nhuận tương đối khá, bà con bắt đầu chuyên canh củ cải trắng, mỗi năm 2 – 3 vụ, thay vì chỉ trồng được 1 vụ như hành tím.

Củ cải trắng dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, mỗi năm canh tác được 2 – 3 vụ. Lợi nhuận trung bình từ 15 – 20 triệu đồng/công/vụ. Ảnh: Kim Anh.

Củ cải trắng dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, mỗi năm canh tác được 2 – 3 vụ. Lợi nhuận trung bình từ 15 – 20 triệu đồng/công/vụ. Ảnh: Kim Anh.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, củ cải trắng dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm chính vụ thu hoạch rộ. Những ngày này, bà con nông dân đều tất bật ngoài đồng, cắt lá, nhổ củ. Một hố sâu sẽ được đào lên ngay tại ruộng, trải bạt, đổ muối sẵn sàng cho công đoạn phơi củ cải trắng để làm xá bấu (củ cải muối) ngay tại ruộng. Hiện giá củ cải trắng tươi dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, giá xá bấu cũng nằm ở mức cao từ 5.000 – 9.000 đồng/kg.

Người dân nơi đây cho biết, mỗi công đất trồng củ cải trắng sau khi trừ chi phí đầu tư cho lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng, tạo động lực để bà con an tâm chuyển đổi và phát triển sản xuất.

Vụ mùa 2023 – 2024, tỉnh Sóc Trăng xuống giống trên 1.300ha củ cải trắng, tổng sản lượng thu hoạch gần 60.000 tấn. Ảnh: Kim Anh.

Vụ mùa 2023 – 2024, tỉnh Sóc Trăng xuống giống trên 1.300ha củ cải trắng, tổng sản lượng thu hoạch gần 60.000 tấn. Ảnh: Kim Anh.

Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh có diện tích trồng củ cải trắng lớn của vùng ĐBSCL. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ mùa 2023 – 2024, toàn tỉnh xuống giống 1.318ha củ cải trắng, tổng sản lượng thu hoạch gần 60.000 tấn. Trong đó, thị xã Vĩnh Châu chiếm diện tích lớn nhất tỉnh với khoảng 1.000ha.

Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đã giúp cây cải củ phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 8 - 10 tấn/công (1.000m2).

Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, nghề trồng củ cải trắng cũng đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương từ việc nhổ và vận chuyển củ cải với thu nhập 170.000 đồng/ngày/người.

Thông thường khi thu hoạch nếu củ cải trắng có giá tốt, bà con sẽ bán củ tươi ngay tại ruộng. Trường hợp giá sụt giảm, nông dân sẽ linh hoạt dự trữ lại, phơi khô để làm xá bấu.

Củ cải trắng sau khi được nhổ lên, bà con nông dân vận chuyển về vị trí ủ đã được đào hố, trải bạt sẵn để bắt đầu công đoạn ủ, phơi làm xá bấu. Ảnh: Kim Anh.

Củ cải trắng sau khi được nhổ lên, bà con nông dân vận chuyển về vị trí ủ đã được đào hố, trải bạt sẵn để bắt đầu công đoạn ủ, phơi làm xá bấu. Ảnh: Kim Anh.

Gia đình chị Thạch Thị Tý vụ này chỉ canh tác khoảng 1.300m2 củ cải trắng, toàn bộ số củ cải này được chị sử dụng làm nguyên liệu để làm xá bấu. Chị cho biết, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xá bấu hầu như quanh năm và tăng cao dịp Tết. Nhờ nghề này, thời gian qua gia đình chị cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trong vùng ổn định cuộc sống, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, trở nên khấm khá hơn.

Nói về nghề làm xá bấu, chị Tý đánh giá là khá đơn giản, 1 tấn củ cải trắng tươi sẽ cho ra khoảng 600kg xá bấu. Củ cải trắng được chọn làm xá bấu không cần to, nhưng suôn và chắc. Củ cải phải được phơi qua 3 đợt nắng, muối theo cách thức một lớp củ cải xen với một lớp muối hột.

Không riêng tại thị xã Vĩnh Châu, hiện nay làm xá bấu đã phát triển rộng ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, tạo thành một nghề độc đáo cho Sóc Trăng.

Xá bấu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ trồng củ cải trắng lấy củ, nhiều hộ gia đình đã vươn lên có cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Ảnh: Kim Anh.

Xá bấu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ trồng củ cải trắng lấy củ, nhiều hộ gia đình đã vươn lên có cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Ảnh: Kim Anh.

Hiện trên sàn thương mại điện tử Sóc Trăng (thuộc Sở Công Thương tỉnh) đã có 5 thương hiệu xá bấu của các cơ sở đăng ký quảng bá sản phẩm Với nhiều hương vị đa dạng như bá bấu mặn, xá bấu ngọt, xá bấu cắt tròn, xá bấu sợi, xá bấu chua ngọt…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.