| Hotline: 0983.970.780

Trồng dưa lê Hàn Quốc, dưa leo baby tiêu thụ ổn định

Thứ Bảy 02/01/2021 , 13:36 (GMT+7)

Dưa lê Hàn Quốc và dưa leo baby Hà Lan là 2 giống dưa chủ lực được anh Vũ Văn Khá (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) sản xuất trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Vũ Văn Khá giới thiệu về dưa leo baby Hà Lan. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Vũ Văn Khá giới thiệu về dưa leo baby Hà Lan. Ảnh: Mai Chiến.

Chàng thanh niên 33 tuổi ở khu 8, thị trấn Quỹ Nhất là người đầu tiên ở huyện Nghĩa Hưng thành công với mô hình trồng dưa trong nhà kính. Không chỉ làm cho riêng mình, anh còn giúp đỡ một số thanh niên khác có cùng chí hướng khởi nghiệp, đến nay họ cũng đã và đang thành công.

Với dáng người nhỏ thó, anh Khá rất nhanh nhẹn và linh loạt trong mọi công việc. Tâm sự với chúng tôi, anh Khá cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010, anh bám trụ ở lại thành phố và xin vào làm việc trong khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi.

Đến năm 2012, anh trở về địa phương công tác tại quê nhà, phụ trách mảng nông nghiệp của thị trấn Quỹ Nhất. Nhận thấy quê hương có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong khi đó bà con nông dân vẫn chủ yếu vẫn canh tác theo kiểu truyền thống nên dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, mà hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2019, anh Khá xuất bán khoảng 5 tấn quả dưa lê Hàn Quốc ra ngoài thị trường. Ảnh: Mai Chiến.

Năm 2019, anh Khá xuất bán khoảng 5 tấn quả dưa lê Hàn Quốc ra ngoài thị trường. Ảnh: Mai Chiến.

Với mong muốn tạo ra các nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe để cung cấp cho người dân, cộng với vốn kinh nghiệm sẵn có khi còn làm trong khu nông nghiệp công nghệ cao nên anh Khá đã quyết định đầu tư, xây dựng nhà kính để sản xuất nông sản sạch.

Dưa lê Hàn Quốc, dưa leo baby Hà Lan, cà chua, súp lơ là 4 sản phẩm được anh Khá chọn để canh tác trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó chủ lực vẫn là dưa lê Hàn Quốc và dưa leo baby Hà Lan. Thời gian đầu bắt tay vào xây dựng mô hình, anh gặp vô vàn khó khăn.

“Năm 2015, tôi bắt đầu thuê đất, xây dựng nhà kính với diện tích 200m2 để trồng dưa, cà chua, súp lơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Nói thật, ý tưởng vẽ ra thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp không ít khó khăn như nguồn giống khó tiếp cận; kinh nghiệm ít ỏi; mô hình mới lạ, còn nhiều bỡ ngỡ…, không những thế còn bị người ngoài bàn tán xôn xao, nói những lời khó nghe”, anh Khá nhớ lại.

Bỏ ngoài tai những điều không hay, anh Khá tập trung nhiều vào công việc; say sưa tìm hiểu, nghiên cứu thêm tài liệu, kĩ thuật chăm sóc… Và, rồi những khó khăn trước mắt cũng qua đi, trái ngọt bắt đầu hé nở.

Anh Khá ăn trực tiếp dưa leo trong nhà kính để chứng minh nông sản luôn sạch, đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Khá ăn trực tiếp dưa leo trong nhà kính để chứng minh nông sản luôn sạch, đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Mai Chiến.

Thành công ở vụ trồng đầu tiên, giúp anh có tinh thần thoải mái, ý chí hơn. Thực hiện phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, anh Khá dần dần mở rộng diện tích; từ 200m2 ban đầu đến nay anh đã có trong tay 5 nhà kính sản xuất nông sản sạch với tổng diện tích 2.500m2, được chia làm 3 khu.

Toàn bộ các nhà kính được thiết kế chắc chắn, chịu được bão gió cấp lớn. Bên trong nhà kính có lắp đặt hệ thống camera theo dõi; hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Israel.

Anh Khá chia sẻ, trồng dưa trong nhà kính đòi hỏi quy trình sản xuất khắt khe hơn so với cách trồng truyền thống, song lại có những ưu điểm nổi bật. Theo đó, không bị tác động bởi thời tiết; phòng chống được côn trùng xâm nhập, gây bệnh. Năng suất cao, chất lượng tốt; mẫu mã quả đẹp và hoàn toàn sạch sẽ so với trồng ở ngoài…

Để chứng minh dưa trồng trong nhà kính hoàn toàn sạch, đảm bảo sức khỏe, anh Khá dùng tay ngắt 1 quả dưa leo, chẳng cần lau qua, anh đưa thẳng vào mồm nhai ngấu nghiến, rất ngon miệng. Anh không quên, ngắt 1 quả mời tôi ăn cùng.

Dưa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mai Chiến.

Dưa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mai Chiến.

Theo anh Khá, thời gian sinh trưởng của dưa lê Hàn Quốc kéo dài từ 75 - 80 ngày là cho thu hoạch vào mùa hè, 100 ngày vào mùa đông. Còn dưa leo baby Hà Lan khoảng 80 ngày ở cả 2 mùa hè - đông. “Hiện nay, dưa lê Hàn Quốc tôi trồng 3 vụ/năm; dưa leo baby Hà Lan trồng 3,5 vụ/năm”, anh Khá nói.

Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng của dưa, anh Khá cực kì quan tâm đến cách chọn quả khi còn xanh, cách tỉa cành tránh. Anh bảo, đối với dưa lê Hàn Quốc, mỗi gốc chỉ để lại 2 - 3 quả có mẫu mã đẹp nhất, còn lại ngắt bỏ hết; đối với dưa leo thì tập trung cắt tỉa cành tránh, hoa đậu quả bao nhiêu để bấy nhiêu.

“Với diện tích 2.500m2, năm 2019 tôi thu được khoảng 5 tấn quả dưa lê Hàn Quốc, trọng lượng 4 - 5 lạng/quả, với giá bán 45.000đ/kg; hơn 15 tấn dưa leo baby Hà Lan với giá bán 20.000 - 25.000đ/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, tôi lãi gần 200 triệu đồng”, anh Khá bật mí.

Dưa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên rất dễ bán, thị trường ổn định. Đến nay, dưa lê, dưa leo của gia đình anh Khá đã có mặt trên các sạp ở các cửa hàng chuyên bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, cung không đủ cầu, bởi nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn.

“Sau mỗi vụ thu hoạch, đất trồng được cày xới lại để hả hơi và xử lý sạch bằng vôi bột. Tiếp đến, trộn lẫn với phân bón ủ hoai mục và kéo luống rồi xuống giống. Theo đó, luống cách luống 1,4m; cây cách cây 30cm để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây”, anh Khá chia sẻ về kĩ thuật trồng dưa trong nhà kính.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm