| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa chất lượng cao giúp nông dân tăng thu nhập

Thứ Tư 13/11/2024 , 05:17 (GMT+7)

An Giang Nhằm phát huy thế mạnh cây lúa, huyện Tri Tôn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, diện tích gần 27 nghìn ha, tại 88 tiểu vùng sản xuất.

Huyện Tri Tôn tham gia Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích gần 27 nghìn ha, tại 88 tiểu vùng sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Huyện Tri Tôn tham gia Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích gần 27 nghìn ha, tại 88 tiểu vùng sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao

Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, từ lâu đã là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt huyện có diện tích đất trồng lúa lớn nhất tỉnh. Thời gian gần đây, Tri Tôn đã có những bước tiến vượt bậc trong việc triển khai Đề án “Phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” với sự tham gia tích cực từ các HTX, nông dân và các cấp chính quyền địa phương. Đề án không chỉ hứa hẹn nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết: Nhằm phát huy thế mạnh cây lúa, dựa trên nền tảng phát triển Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), huyện Tri Tôn đăng ký tham gia đề án trên với diện tích gần 27 nghìn ha, tại 88 tiểu vùng sản xuất. Thời gian qua huyện triển khai đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, HTX và nông dân. Để đảm bảo đề án được triển khai hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung vào việc quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật cho nông dân có thể áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Đề án không chỉ hứa hẹn nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề án không chỉ hứa hẹn nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ vào các khóa tập huấn từ Phòng NN-PTNT huyện, nông dân tại Tri Tôn đã nắm bắt được các kỹ thuật canh tác tiên tiến như sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước và giảm thiểu lượng thuốc BVTV. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận thị trường, nhằm đảm bảo sản phẩm lúa chất lượng cao và được tiêu thụ ổn định với giá trị cao.

Nông dân tham gia Đề án giúp tăng năng suất

Các HTX và nông dân là những đối tượng tham gia trực tiếp và hưởng lợi từ đề án này. Ông Đặng Thái Hiện, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Phát 1, ở xã Núi Voi, huyện Tri Tôn phấn khởi cho biết, nhờ vào sự hỗ trợ từ chính quyền và các chuyên gia nông nghiệp, các thành viên trong HTX đã dần chuyển sang các phương pháp canh tác bền vững. “Chúng tôi không chỉ giảm chi phí trong sản xuất lúa mà còn tăng năng suất và cải thiện được chất lượng lúa. Đặc biệt, việc sản xuất theo hướng giảm phát thải đã giúp sản phẩm của HTX chúng tôi có đầu ra ổn định hơn, thu hút nhiều đối tác quan tâm,” ông Hiện nói.

Không chỉ có các HTX, nông dân trực tiếp tham gia cũng bày tỏ sự hài lòng. Ông Trần Văn Thành, một nông dân trồng lúa lâu năm tại huyện Tri Tôn, chia sẻ: “Trước đây, việc canh tác lúa truyền thống khiến tôi gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ. Từ khi tham gia đề án, tôi không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn yên tâm vì có đầu ra ổn định hơn. Việc sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế thuốc BVTV cũng giúp đất trồng  lúa của gia đình ngày được cải thiện màu mỡ, lúa phát triển khỏe mạnh và ít sâu bệnh hơn”.

Thời gian qua huyện triển khai Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, HTX, nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời gian qua huyện triển khai Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, HTX, nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, đề án đã giúp nông dân ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong canh tác lúa. Ông Thành nhấn mạnh, việc giảm thiểu sử dụng hóa chất không chỉ tốt cho sức khỏe của người nông dân mà còn góp phần bảo vệ nguồn nước và đất đai trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, Tri Tôn không chỉ là mô hình tiêu biểu cho việc triển khai đề án mà còn có thể trở thành nguồn cảm hứng cho các địa phương khác trong tỉnh học hỏi và áp dụng. Thời gian qua Tri Tôn đã thể hiện sự sáng tạo và hiệu quả trong việc triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Thành công tại đây là minh chứng cho thấy việc hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững là con đường đúng đắn cho ĐBSCL.

Ngành nông nghiệp An Giang luôn tiếp sức và đồng hành cùng huyện Tri Tôn và các địa phương khác trong tỉnh để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đề án được triển khai nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững. Cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền, HTX và người nông dân, đề án này hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành lúa gạo An Giang.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.