Thời tiết nắng nóng, khô hanh tiếp tục kéo dài ở ĐBSCL, nhiệt độ có lúc tăng lên đến 38-41°C làm cho cây cối khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy, cùng với nạn bất cẩn trong việc sử dụng lửa làm xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các khu rừng ở vùng Bảy Núi – An Giang.
Tuy diện tích rừng ở tỉnh An Giang không lớn so với hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nhưng rừng Bảy Núi nơi đây được xem là "lá phổi xanh" quan trọng của vùng ĐBSCL.
An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.820 ha, tập trung chủ yếu ở Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn… gồm rừng đặc dụng trên 1.832 ha, rừng phòng hộ diện tích trên 11.445 ha, rừng sản xuất 3.542 ha. Rừng ở An Giang có địa hình nhiều đồi dốc cao, khô hạn, thiếu nước thường xuyên và xuất hiện nhiều đầu đạn sót lại trong chiến tranh. Do vậy, khi xảy ra cháy rừng và thực hiện công tác chữa cháy rừng rất khó khăn và đòi hỏi phải thận trọng, kiên trì mới dập tắt được “giặc lửa”. Điển hình gần đây nhất, đã xảy ra các vụ cháy rừng làm thiệt hại hàng chục hecta ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.
Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Do thời tiết nắng nóng, hanh khô nên thời gian qua, ở khu vực núi Tô và cặp chân núi Dài ở huyện Tri Tôn xuất hiện một số vụ cháy rừng hết sức nguy hiểm. Mỗi khu vực cháy đều có khó khăn khác nhau, khiến cho công tác chữa cháy rất vất vả. Điển hình như vụ cháy tại khu vực đồi 400 (thuộc núi Dài, ấp An Thành, xã Lương Phi), được phát hiện vào chiều 24/4. Khu vực cháy có địa hình dốc, đá lớn, lò ảng, trong đám cháy có nhiều tiếng nổ... khiến lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận. Sau nhiều ngày vất vả, các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, dân quân cùng chính quyền địa phương mới khống chế được đám cháy. Nhưng trong lúc tiếp cận để chữa cháy lực lượng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy đó là tiếng nổ đầu đạn, không thể tiếp cận chữa khối ngún, phải rút quân theo dõi.
Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn cho biết, thời tiết khô hanh kèm gió lớn khiến một số điểm cháy ở khu vực đồi 400 bùng phát trở lại. Trước diễn biến phức tạp, các lực lượng đã dùng máy thổi chuyên dùng, máy sạ lúa mở rộng đường băng đón đầu đám cháy từ trên đồi 400 xuống, phun nước tưới ướt, ngăn lửa cháy vượt qua đường băng xuống khu dân cư ấp An Thành. Phải mất nhiều giờ đám cháy mới được khống chế, không còn ảnh hưởng đến khu dân cư, nhưng các khu vực hốc đá, lò ảng, lửa vẫn còn cháy ngún âm ỉ.
Chỉ riêng vụ cháy trên đồi 400, có gần 300 người tham gia chữa cháy, huy động 10 xe bán tải, 5 xe chở bồn nước, 5 xe tải chở dụng cụ, máy móc, trên 100 xe gắn máy, 3 máy thổi gió, 40 máy chữa cháy đeo vai, 1 máy chữa cháy đồi núi, 673 can nước... nhưng phải mất đến 4 ngày mới có thể dập tắt đám cháy.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác dập tắt lửa trong các khu rừng tại vùng Bảy Núi vào thời điểm nắng nóng, nhưng đến nay các lực lượng đã cơ bản khống chế được đám cháy. Hiện nay, các lực lượng chức năng tiếp tục kiên trì bám sát địa bàn, theo sát tình hình, tiếp tục triển khai các biện pháp chữa cháy để nhằm dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để đám cháy có cơ hội bùng phát trở lại.
Trước diễn biến báo động cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm như hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã đến kiểm tra thực tế vụ cháy rừng ở khu tại khu vực Bảy Núi để đưa ra định hướng chỉ đạo chữa cháy và phòng chống cháy rừng trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận định, khu vực cháy vừa qua có địa hình phức tạp, ở trên đồi núi cao, dốc đứng, không có nhà dân, chủ yếu là cỏ, dây leo, rừng cây tạp, tre, tầm vông. Các lực lượng chức năng phải tiếp tục bám sát địa bàn, theo sát tình hình, tiếp tục triển khai các biện pháp chữa cháy nhằm dập tắt hoàn toàn đám cháy.
“Trong thời điểm này các ngành chức năng trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan, cần tiếp tục tập trung huy động lực lượng và các phương tiện dập tắt triệt để đám cháy, không để bùng phát trở lại và lan rộng thêm. Trong quá trình chữa cháy, cần khoanh khu vực cháy không cho người dân hiếu kỳ vào khu vực cháy, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia chữa cháy và nhân dân. Huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận, để tránh gây hoang mang trong nhân dân. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cản trở công tác chữa cháy và tạo tin đồn thất thiệt, không chính xác gây hoang mang dư luận”, ông Lê Hồng Quang lưu ý.
UBND tỉnh An Giang vừa ra công văn, yêu cầu các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng chống, chữa cháy rừng và tăng cường kiểm tra, giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các ngành, địa phương bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nghiêm cấm hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.