Cty Trung An liên kết SX lúa Nhật |
Ông Ba Đạt, người có 20ha đất lúa ở kênh K4, xã Bình Giang rất vui khi nói tới giống lúa Nhật: Trong xã nhiều nông dân đã quen trồng, canh tác giống lúa này không khó. Do có DN bao tiêu nên bà con mạnh dạn trồng. Vụ ĐX vừa qua lúa Nhật ít sâu bệnh, trúng lắm, thu lúa tươi tại ruộng 1 - 1,2 tấn/công. Làm theo hợp đồng, DN bao tiêu 5.800 - 5.900 đ/kg. Đầu vụ đã có DN hợp đồng theo kiểu ứng trước 500 ngàn đồng/công, khi thu hoạch thu mua rồi trừ phần tiền cọc. Cũng có DN hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và thỏa thuận giá bao tiêu cuối vụ.
Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho biết trong xã có hơn 12.000ha đất trồng lúa, trong đó có 80% trồng lúa Nhật trong vụ HT 2018. Phần còn lại là trồng giống Đài Thơm 8 và lúa nếp, lúa trúng năng suất khoảng 1 - 1,1 tấn/ha, giá bán thị trường qua thương lái 6.000 - 6.100 đ/kg.
"Theo chủ trương của huyện, nông dân trồng lúa Nhật phải có DN hợp đồng bao tiêu để tránh rủi ro khi tiêu thụ. Hiện trên địa bàn xã có 3 DN tới đặt hàng nông dân. Hợp đồng bao tiêu ký kết 3 bản, có xã chứng thực", anh Hải nói.
Trong các DN thu mua lúa Nhật có Cty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). DN này vừa xây dựng tại đây vùng lúa nguyên liệu, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu gần 800ha; đồng thời liên kết với nông dân mở rộng SX.
Ông Phạm Thái Bình, GĐ Cty Trung An chia sẻ: Từ vụ lúa ĐX 2012-2013, Trung An liên kết với nông dân trồng thử và bao tiêu sản phẩm. Ban đầu từ vài trăm ha, đến nay tăng lên khoảng 2.000ha/vụ. Cy đầu tư lúa giống và vật tư nông nghiệp. Nông dân chịu trồng lúa Nhật do giá thu mua cao. Trung An đang nhắm vào thị trường tiêu thụ gạo trắng hạt tròn của Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Bình, sắp tới nhu cầu thị trường lúa Nhật và khả năng SX ở ĐBSCL có thể mở rộng tăng lên. Đó là giống không chỉ bám trụ ở vùng tứ giác Long Xuyên mà còn thích nghi trên đất An Giang, Đồng Tháp… Dự kiến diện tích trồng lúa Nhật ở ĐBSCL đạt trên 30.000ha.