| Hotline: 0983.970.780

Trồng nhãn hướng đến xuất khẩu

Thứ Ba 07/08/2018 , 14:05 (GMT+7)

Nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ có thu nhập khá nhờ phát triển trồng nhãn Ido, Thanh Nhãn, nhãn Mỹ, nhãn xuồng... Đây là những giống có khả năng kháng bệnh chổi rồng, cho năng suất cao, chất lượng trái ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

08-59-37_nh_2_ngnh_nong_tp_cn_tho_dng_pht_trien_trong_nhn_huong_den_xut_khu
TP Cần Thơ đang phát triển trồng nhãn hướng đến xuất khẩu

Nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan. Trái có vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm. Tại Cần Thơ, nhãn Ido được trồng khá phổ biến nhiều quận, huyện như Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai…

Thời gian qua, trái nhãn Ido không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước nên giá bán khá tốt. Gia đình ông Nguyễn Văn Hảo ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn có 1,8ha nhãn Ido, trong đó có khoảng 6 công cho trái cả bốn mùa.

Ông Hảo cho biết: “Mỗi công nhãn Ido cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng, tùy theo năm tuổi của cây. Những năm qua, nhờ cây nhãn Ido mà nhiều hộ dân phường Thới An đạt thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm. Riêng gia đình cũng có thu nhập ít nhất từ 300 - 400 triệu đồng, dự kiến tới đây thu còn tăng nhờ diện tích nhãn mới trồng tiếp tục cho trái”.

Nhãn Ido được đánh giá khá dễ trồng, giá cả đầu ra tốt và năng suất trái cao nhờ không bị bệnh chổi rồng như nhãn tiêu da bò. Do vậy, thời gian qua có rất nhiều hộ đã chặt bỏ các vườn nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng để chuyển sang trồng nhãn Ido.

Ông Đặng Văn Bảy ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An cho biết: "Nhãn Ido trồng chỉ khoảng 2 năm là cho trái và hầu như không bị nhiễm bệnh chổi rồng. Gia đình tôi mạnh dạn chặt bỏ nhãn tiêu da bò để trồng nhãn Ido mà có thu nhập nhập khá hơn trước".

Ba năm qua ông Lâm Văn Tính ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng mua 3.000 cây giống mới có tên Thanh Nhãn về trồng trên diện tích 4,5ha. Năm nay vườn nhãn chuẩn bị bước vào vụ trái thứ hai.

Ông Tính nói: “ Tôi có gần 35 năm trồng cây ăn trái, đặc biệt gắn bó với cây nhãn lâu nhất. Trước đây trồng nhãn tiêu da bò, nhãn Huế, long nhãn… thường bị bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015 chuyển sang trồng giống Thanh Nhãn (có nguồn gốc ở Bạc Liêu) cho trái to, bán giá cao, cây ít bệnh… Đợt đầu thu nhập cao gấp 2 - 3 lần với nhãn tiêu da bò".

Cũng theo ông Tính, Thanh Nhãn không chỉ trúng mùa mà giá bán thường xuyên ở mức cao, từ 70.000 - 140.000 đồng/kg (tùy mùa), lúc rẻ cũng trên 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhãn tiêu da bò chỉ ở mức 20.000 đồng/kg, lúc rẻ 5.000 - 6.000 đồng/kg nhưng khó tiêu thụ.

Ông Lâm Văn Tính chăm sóc giống Thanh Nhãn
Theo ông Thảo, toàn xã có 70ha nhãn, trong đó hơn 30ha giống Thanh Nhãn đang cho trái. Đặc điểm giống Thanh Nhãn cho trái to, cơm dầy, hạt nhỏ, ráo và ít nước, giá cao hơn gấp đôi so với các loại nhãn khác.

Tuy giống Thanh Nhãn mới đưa vào trồng chưa được bao lâu nhưng giúp cho nông dân có thu nhập tốt. Ông Đặng Hồng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng cho biết, ngành chức năng cùng Cty XNK Chánh Thu (Bến Tre) đã đến kiểm tra mẫu đất, nước và chất lượng của trái Thanh Nhãn, sau đó cấp mã code cho vùng trồng để xuất sang thị trường Mỹ với số lượng 1 tấn.

Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết, tại huyện Phong Điền, trước năm 2012 diện tích trồng nhãn Ido chỉ một vài công thì hiện đã đạt trên 500ha, trong đó hơn 177ha nhãn Ido, còn lại là nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng và long nhãn. Quận Thốt Nốt cũng có hơn 20/100ha nhãn Ido...

Cùng với việc hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhiều địa phương đã giúp nông dân liên kết, xây dựng các vùng trồng tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm... Tuy nhiên có nơi vẫn trồng tự phát không theo quy hoạch, thiếu liên kết... dễ phát sinh rủi ro về đầu ra do cung cầu không được kiểm soát tốt.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.