Năm 2021, nhận thấy mô hình trồng cây phúc bồn tử (còn gọi là cây mâm xôi) mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông Vũ Văn Minh (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã chuyển đổi 1ha cây trồng kém hiệu quả qua phát triển loại cây này.
Gia đình ông Minh đã cải tạo đất, xây dựng khu nhà kính công nghệ cao và nhập các loại giống phúc bồn tử đen, hồng, đỏ từ Israel về trồng. Với tổng đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đến nay cây phúc bồn tử đã đạt kết quả khả quan. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên cây sinh trưởng nhanh, có độ đồng đều cao.
Hiện nay, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, gia đình ông Minh tổ chức sản xuất phúc bồn tử theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ. Theo đó, nông dân này chú trọng sử dụng các biện pháp diệt côn trùng, sâu gây hại bằng phương pháp vật lý. Đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại. Đối với phân bón, gia đình ông Minh cũng chú trọng sử dụng các loại phân bón vi sinh, hữu cơ.
Về kỹ thuật sản xuất, ông Minh chia sẻ: Phúc bồn tử trồng tại địa phương chỉ xuất hiện một số loại sâu, bệnh hại vào đầu mùa mưa và việc phòng trừ cũng đơn giản. Về tốc độ phát triển, sau khi đặt cây giống khoảng từ 5 - 6 tháng là có thể thu hoạch trái chín.
“Với 1ha phúc bồn tử, hiện mỗi tháng gia đình thu hoạch từ 600 - 700kg trái chín, bán ra với mức giá 150.000 đến 250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng gần 70 triệu đồng”, ông Vũ Văn Minh thổ lộ.
Hiện gia đình ông Minh cũng đã thành lập Công ty Cổ phần GV Việt Nam chuyên sản xuất các dòng sản phẩm từ phúc bồn tử để cung ứng ra thị trường. Theo đó, cùng với việc phát triển sản phẩm quả phúc bồn tử ăn tươi, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để chế biến thành các sản phẩm từ cây phúc bồn tử như trà, nước cốt, rượu.
Về quy trình sản xuất nước cốt và rượu phúc bồn tử, ông Minh cho biết: Quả chín sau khi thu hoạch được chuyển đến công đoạn sơ chế để lựa chọn, rửa sạch và sau đó chuyển đến khu vực chế biến. Trung bình 1kg quả phúc bồn tử sẽ cho ra 0,8 lít nước cốt. Đối với sản phẩm nước cốt và rượu phúc bồn tử, gia đình ông Minh đang bán ra thị trường với giá từ 300.000 - 380.000 đồng/lít.
Cùng với nước cốt và rượu, gia đình ông Minh cũng tổ chức chọn lọc và sản xuất trà phúc bồn tử. Đối với sản phẩm trà, nguồn nguyên liệu là lá, cành và phần cuống trái. Việc sản xuất trà được gia đình ông Minh thực hiện tỉ mỉ, mỗi tháng sản xuất khoảng 100kg trà.
Theo chủ vườn, trà phúc bồn tử có vị ngọt và là loại thảo dược rất tốt cho hệ tiêu hóa, thần kinh, tim mạch. Hiện nay, trà phúc bồn tử của gia đình ông Minh được bán với giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg.
“Hiện gia đình đã lập wesite để quảng bá, bán sản phẩm. Các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, các sàn thương mại điện tử cũng được gia đình tập trung phát triển để phục vụ việc bán hàng”, ông Vũ Văn Minh nói và cho biết thêm, tất cả các dòng sản phẩm hiện nay của gia đình được khách hàng ở nhiều địa phương trên cả nước quan tâm, sử dụng.
Vị chủ vườn cho biết, cây phúc bồn tử đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác ở địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến có giá trị cao và có cơ hội phát triển, cạnh tranh trên thị trường. Từ những hiệu quả ban đầu, gia đình ông Minh dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chế biến trong thời gian tới.
Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, mô hình sản xuất phúc bồn tử và đa dạng hóa sản phẩm từ phúc bồn tử của gia đình ông Minh rất hiệu quả, mở ra cơ hội làm giàu. Tuy nhiên, ông Châu cũng khuyến cáo đây là cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao nhưng người trồng cần cẩn trọng. Trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình cần nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển thị trường hoặc liên kết sản xuất để tránh rủi ro.