| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng 30a lãi 5 triệu đồng/ha sau 5 năm chăm sóc, dân khóc ròng!

Thứ Năm 01/09/2016 , 13:30 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân trồng rừng theo dự án 30a tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang “khóc ròng” vì rừng trồng đến kỳ khai thác nhưng giá rẻ mạt. Sau 5 năm trồng rừng, trừ chi phí, chỉ còn lãi 5 triệu đồng/ha. Với mức thu này, không thể nào gọi là dự án xóa đói giảm nghèo cho người dân.

11-22-30_nh-1-bi-trong-rung-30-
Chán cảnh trồng keo, người dân tự ý chuyển đổi sang trồng sắn

 

Là huyện nghèo được nhà nước đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo nhanh theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ban hành cuối năm 2008, Đam Rông đã thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua việc giao đất để trồng rừng sản xuất (trồng keo). BQL Rừng phòng hộ Sêrêpốk là chủ đầu tư của dự án, bắt đầu thực hiện từ năm 2009.

Theo BQL Rừng phòng hộ Sêrêpốk, diện tích rừng trồng giai đoạn 2009 - 2014 trên địa bàn huyện Đam Rông là 2.706ha/2.497 hộ. Tính riêng trong hai năm 2009 và năm 2010, đạt hơn 1.400ha. Trữ lượng trung bình đạt 61,5 m3/ha. Đến nay, rừng keo này đã đến kỳ khai thác. Tuy nhiên diện tích khai thác chỉ đạt 446ha (trên 31%).

Thực hiện việc khảo sát tại diện tích đất lâm nghiệp được giao trồng rừng sản xuất theo Nghị quyết 30a tại xã Rô Men cho thấy, có không ít những đám rừng keo đã bị chặt bỏ hoặc quá kỳ khai thác nhưng bà con vẫn án binh bất động. Đây là tình trạng chung ở các xã trồng rừng 30a.

Ông Sùng A Tú - người dân xã Rô Men cho biết, cuối năm 2009 anh có nhận 3ha đất rừng để trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm khai thác thương lái tìm mọi cách ép giá, với giá thu mua rẻ mạt. Tính ra, sau 5 năm trồng và chăm sóc, mỗi ha keo nông dân chỉ còn lãi 5 triệu đồng/ha, không thể nào gọi là dự án xóa đói giảm nghèo cho người dân được.

Không riêng gì anh Tú, nhiều hộ nông dân trồng keo đã đến kỳ khai thác khác nhưng không buồn lên rẫy. Rất nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi diện tích đất rừng được giao khoán để chuyển sang trồng cà phê, sắn, bo bo …

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Cộng - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Rô Men, cho biết: “Diện tích keo đều nằm gần đường giao thông, thuận tiện cho việc vận chuyển, có giá từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Phần còn lại nằm ở những vị trí khó khăn, không có đường nên doanh nghiệp bắt buộc phải mở đường hay thuê máy cày trung chuyển. Trừ mọi chi phí, họ chỉ trả cho chủ rừng 5 triệu đồng/ha”.

11-22-30_nh-2-bi-trong-rung-30
Sau khi khai thác keo, đất rừng dự án bị người dân bỏ trống hoặc trồng cà phê

 

Đầu tháng 6/2016, UBND huyện Đam Rông đã có công văn kiểm tra tổng diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng 30a bị chuyển đổi sang trồng cây ngoài lâm nghiệp trên 90ha. Diện tích này hiện bà con trồng chủ yếu là cà phê và ngoài ra còn có các loại cây nông nghiệp như bắp, bo bo, mì…

Hầu hết bà con đều nhận thức rõ đây là diện tích đất lâm nghiệp và không được tự ý trồng cà phê hay các loại cây nông nghiệp. Tuy nhiên họ đều có cách lý giải chung rằng: Trồng cây lâm nghiệp không ai mua nên trồng cà phê, bo bo, sắn… sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn, việc mua bán cũng dễ dàng hơn nhiều.

Trước thực trạng đó, ông Bùi Văn Hởi - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan và các xã tiến hành vận động bà con tự nhổ bỏ cây cà phê và các loại cây nông nghiệp để trồng lại rừng. Nếu bà con không thực hiện, huyện sẽ kiên quyết nhổ bỏ, đồng thời cắt hợp đồng giao đất trồng rừng.

Năm 2016, Đam Rông vẫn tiếp tục triển khai trồng 100ha rừng theo Nghị quyết 30a, chăm sóc rừng trồng mới năm thứ 2 và thứ 3 với diện tích 200ha, kinh phí dự tính là 1,1 tỷ đồng. Dù Đam Rông xác định trồng rừng là một hướng đi mới mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, nhưng thực sự để người trồng rừng sống được nhờ rừng đang là câu chuyện khó.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.