| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gọi chim về

Thứ Ba 21/01/2020 , 07:10 (GMT+7)

Trời mờ sáng, từng đàn cò trắng tỏa ra khắp cánh đồng kiếm ăn. Chiều xuống, chúng kéo nhau về quần thảo giữa đám rừng tràm tìm nơi trú ngụ.

07-35-24_2chieu_xuong_chung_keo_nhu_ve_qun_tho_giu_dm_rung_trm_tim_noi_tru_ngu_voi_so_luong_len_den_hng_trm_ngn_con_2
Chiều xuống, đàn cò kéo nhau về quần thảo giữa đám rừng tràm tìm nơi trú ngụ, với số lượng lên đến hàng trăm ngàn con.

Với số lượng lên đến hàng trăm ngàn con, ken đặc các ngọn cây, cả khu rừng như được phủ lên lớp bông màu trắng xóa, âm thanh gọi bầy ríu rít không nguôi.
 

Khu sinh thái ngàn hecta

Đó là hình ảnh đồng quê thanh bình diễn ra hàng ngày tại khu rừng tràm nguyên sinh khoảng hơn 20ha, đã được mở rộng lên 60ha, thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao Trung An, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.

Những ngày đầu xuân 2020, tôi lấy xe máy rong ruổi trên tuyến quốc lộ 80, đến gần trụ sở UBND xã Bình Giang, thấy bến đò Xóm Đạo thì dừng lại. Chờ phà để vượt qua kênh Rạch Giá - Hà Tiên, đi tiếp theo đường giao thông nông thôn khoảng 10km nữa là đến cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh Trung An.

Đón tôi trước cổng vào, anh Lương Đình Thi, Phó đội trưởng Đội bảo vệ vui vẻ nói: “Trong khu rừng thì chim, cò lúc nào cũng có, cả ngàn con non chưa bay ra khỏi tổ, chờ bố mẹ tha mồi về. Chờ xế chiều chúng tụ tập về rất đông, tha hồ mà ngắm, chụp hình, quay phim. Qua đây uống ly nước cho mát rồi hãy vào rừng”.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Trung An vốn là trang trại mía rộng khoảng ngàn hecta, được trồng ngay dưới mặt ruộng theo mô hình nông trại của Úc. Để trồng được mía ở nơi trũng thấp, nằm giữa vùng Tứ giác Long Xuyên, mỗi năm lại bị mấy tháng ngập sâu mùa nước nổi cũng không đơn giản, người ta phải lên đê bao khép kín chung quanh, xẻ nhiều đường mương thoát nước.

07-35-39_6o_khu_rung_ny_dn_chim_co_duoc_bo_ve_rt_tot_thuong_xuyen_co_nguoi_chi_nhu_di_tun_theo_c_khong_cho_nguoi_l_xm_nhp_1
Trên tuyến đê bao đơn vị đã trồng hơn 11 ngàn cây dừa, hiện nhiều cây đã bắt đầu cho trái.

Hệ thống bơm điện loại lớn được lắp đặt, nước trong các đường mương luôn được hút cạn để làm khô mặt ruộng. Cách trồng mía này tận dụng được tối đa diện tích và lưu gốc qua nhiều vụ, khác hẳn kiểu trồng mía của nông dân ĐBSCL là đào mương, lên liếp, tốn rất nhiều đất. Nhưng rồi, liên tục nhiều năm cây mía đường mang vị đắng, giá rớt thê thảm, trang trại mía bị bỏ bê.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho biết: “Đơn vị đã đầu tư mua lại khu trang trại này để chuyển sang trồng lúa. Trừ hệ thống đê bao, đường mương, diện tích quy hoạch còn lại khoảng 600ha để canh tác. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định không tham sản lượng mà cần chất lượng nên đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ”.

Theo ông Bình, toàn bộ diện tích của đơn vị hiện đã được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bơm tưới bằng điện, gieo cấy máy, phun thuốc bằng máy bay… Hiện công ty tập trung trồng lúa Nhật và lúa thơm để phục vụ chế biến xuất khẩu. Sản xuất theo quy trình “3 xanh, 3 vàng” tức là xanh 3 đợt bón phân, vàng 3 đợt siết nước, xả khô.

07-35-39_4tung_dn_co_noi_nhu_thng_cnh_by_ve_keo_di_nhu_nhung_net_ve_tren_nen_troi_vo_tn_2
Từng đàn cò nối nhau thẳng cánh bay về, kéo dài như những nét vẽ trên nền trời vô tận.

Lội ruộng nhưng không có cảnh chân lấm tay bùn, thậm chí có thể mang cả giày lội đi thăm, môi trường sinh thái được bảo vệ, không có sâu bệnh, cứng cây, rất thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa. Quy trình sản xuất hữu cơ, sản phẩm gạo đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic, vào tất cả thị trường khó tính trên thế giới. Khu vực này cũng đã được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận là vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Trên tuyến đê bao đơn vị đã trồng hơn 11 ngàn cây dừa, nhiều cây đã bắt đầu cho trái. Ngoài ra, còn trồng thêm mãng cầu ta, cam, bưởi và một số cây bản địa khác. Từ đó, hình thành nên khu sinh thái rộng mênh mông. Cá, tôm không bị tiêu diệt bởi chất độc hóa học trong quá trình sản xuất lúa, lại có môi trường thuận lợi nên sinh sản ngày càng nhiều. Chim, cò cũng tìm về kiếm ăn ngày một đông và trú ngụ lại ngay trên những ngọn cây nơi đây.
 

Dành đất cho chim

Tứ giác Long Xuyên thời còn hoang hóa vốn là vùng rừng tràm ngập nước bạt ngàn, xen lẫn lau sậy, là nơi trú ngụ của các loài chim, cò, bò sát, cá, tôm… Quá trình khai hoang phục hóa đã làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày bị thu hẹp dần. Muông thú không chỉ mất nơi sinh sống mà còn bị tiêu diệt bởi các loại hóa chất độc hại trong quá trình canh tác lúa.

Thấy được điều này, Trung An đã dành ra hơn 20ha rừng tràm ngập nước làm nơi trú ngụ cho chim, cò và các loài thủy sản. Nhưng chỉ một thời gian ngắn đã phải trồng thêm để mở rộng diện tích vì số lượng quá đông, không đủ chỗ cho chúng chen chúc đậu.

07-35-24_1trong_khu_rung_chim_co_luc_no_cung_co_c_ngn_con_non_chu_by_r_khoi_to_cho_bo_me_th_moi_ve_4
Trong khu rừng chim, cò lúc nào cũng có, cả ngàn con non chưa bay ra khỏi tổ, chờ bố mẹ tha mồi về.

“Bỏ ra 60ha đất là một tài sản lớn, mỗi năm 2 vụ, lúa hữu cơ năng suất cũng 4 - 5 tấn/ha, trị giá lên đến tiền tỷ. Thế nhưng, vì môi trường sinh thái, chúng tôi sẵn sàng dành đất trồng rừng để gọi chim, thú về trú ngụ, trả lại môi trường tự nhiên cho chúng”, ông Bình chia sẻ.

Bóng chiều đã ngả, tôi chạy xe máy trên đê len lỏi giữa những hàng dừa đã cao vút đầu người, theo chân anh Lương Đình Thi ra khu rừng. Từ xa đã nghe tiếng chim chóc ríu rít gọi nhau không ngớt. Dừng xe bên lề đường, chỉ vài bước chân, chúng tôi đã mất bóng trong khu rừng. Ngước nhìn, trên đọt tràm dày đặc tổ chim, cò. Anh Thi vừa chỉ tay vừa khẽ bảo: “Mùa này nhiều nhất là tổ cò sen, chúng đẻ khoảng tháng 9, tháng 10, giờ chuẩn bị ra ràng bay đi. Đây là giống cò rất to, con trưởng thành đạt trọng lượng cả ký. Mỗi tổ thường đẻ 3 đến 4 con, nhiều khi gẫy cả nhánh tràm”.

Khi mặt trời dần khuất bóng, từ bốn phía giữa cánh đồng lúa mênh mông, từng đàn cò nối nhau thẳng cánh bay về, kéo dài như những nét vẽ trên nền trời vô tận. Trước khi đậu xuống đám rừng ngủ qua đêm, đàn cò quần thảo, xoay tròn, cất tiếng cò quạc kêu vang. Chẳng mấy chốc, màu xanh của rừng tràm đã được phủ trắng.

07-35-24_1trong_khu_rung_chim_co_luc_no_cung_co_c_ngn_con_non_chu_by_r_khoi_to_cho_bo_me_th_moi_ve_1
Chẳng mấy chốc, màu xanh của rừng tràm đã được phủ trắng bởi chim, cò

Đứng trên tháp canh, dõi mắt nhìn về cánh rừng đầy chim, anh Thi nói với tôi như nói vào không trung: “Sợ nhất là đám cò đi tìm mồi ăn phải thuốc độc chết hay bị săn bắt. Chứ ở khu rừng này chúng được bảo vệ rất tốt. Đội chúng tôi có 9 người, có 4 chốt canh cố định ở 4 góc, còn lại chia nhau đi tuần theo ca, không cho người lạ xâm nhập. Chúng tôi cũng không đi tuần theo thời gian cố định, để tránh bị theo dõi”.

Trời đã nhá nhem tối, chúng tôi xuống khỏi tháp canh quay về. Dưới đường mương, tiếng cá đớp mồi òng ọc, quẫy đuôi sôi sục mặt nước. Trên đầu, từng đàn cò vẫn chưa ngớt bay về như những đám mây trắng đang trôi về núi. Gió thổi rì rào quanh những đọt dừa đang ngả bóng trên ruộng lúa mơn mởn thì con gái, phảng phất mùi thơm. Ở cánh rừng phía trong, tiếng chim cũng nhỏ dần và chìm vào bóng đêm. Để rồi khi hừng đông ló dạng, chúng lại tung cánh giữa vùng nông nghiệp sinh thái hữu cơ, vùng thôn quê thanh bình tràn đầy nhựa sống.

“Khu rừng là khu sinh thái hiện đang thu hút rất nhiều loài chim, thú đến trú ngụ.

Khảo sát cho thấy, nhiều nhất là các loại cò, như cò trắng, cò trâu, cò ruồi, cò sen, cò đen mỏ quắp, cò bợ lên đến hàng chục ngàn con.

Vạc dạ, vạc xám khoảng 3 ngàn con, sen cá, sen ốc khoảng 7 ngàn con. Trích cồ khoảng 2 ngàn con, vịt trời hàng ngàn con, còng cọc khoảng 4 ngàn con.

Ngoài ra, còn có bìm bịp, cuốc bèo, diệc xám và nhiều loại chim, sáo khác. Các loại bò sát như trăn, rắn, rùa, cá đồng trú ngụ dưới tán rừng cũng rất nhiều. Chúng tôi đang phải dành thêm đất, trồng thêm rừng mở rộng không gian sống”, ông Phạm Hữu Sáu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên khoảng 489 ngàn hecta, trải dài trên địa bàn của 3 tỉnh, thành Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ.

Nơi đây vốn là túi nước và rốn phèn của ĐBSCL, tràm nước và nhiều cây hoang dại mọc thành rừng. Chương trình đào kênh thoát lũ ra biển Tây của Chính phủ đã phần nào giải quyết tình trạng ngập lũ và rửa phèn, biến vùng đất này thành vựa lúa trù phú.

Chỉ tính riêng huyện Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang, mỗi năm đã sản xuất ra hơn 1 triệu tấn lúa. Nhưng quá trình nông nghiệp hóa, thâm canh tăng vụ đang dần phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên, làm nhiều loài biến mất.

Hiện toàn vùng chỉ còn sót lại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh tự nhiên Phú Mỹ (huyện Giang Thành, Kiên Giang) là sân chơi của loài sếu đầu đỏ quý hiếm.

Ngoài ra, còn một số ít diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất, là nơi trú ngụ, sinh sản của chim, thú, cá đồng…

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm