Chuyện về những người công nhân “ươm mầm xanh” đó đã trở thành giai thoại và được nhiều thế hệ con cháu kể lại như một niềm tự hào, khâm phục.
Măng Đen ngày nay nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái bởi vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh và rừng thông bạt ngàn tít tắp. Cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2” nơi cực Bắc Tây Nguyên.
Rừng thông tuyệt đẹp trên Măng Đen do chính tay những người công nhân năm xưa trồng. |
Nhưng ít ai biết rằng, Măng Đen của hơn 30 năm trước là nơi cùng lộ, hoang vu giữa núi rừng, ở đó nắng ít mưa nhiều và là nơi được mệnh danh “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen!”
Những người “ươm mầm xanh” cho vùng cực Bắc Tây Nguyên
Trong một dịp ghé thăm TP. Kon Tum, chúng tôi tình cơ gặp được ông Nguyễn Như Tạng, nguyên giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông (giai đoạn 1979 - 1986), người đặt nền móng cho việc trồng rừng thông vốn đã trở thành biểu tượng ở Măng Đen. Ông Tạng năm nay đã 82 tuổi, trí nhớ dù không còn minh mẫn nhưng khi chúng tôi nhắc về những người trồng rừng năm xưa thì ký ức của ông lại ùa về.
Ông Tạng kể, sau khi giải phóng thống nhất đất nước, Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông được thành lập với nhiệm vụ trồng thông trên các quả đồi xung quanh Măng Đen. Ngày ấy, Măng Đen chưa quy hoạch thành trung tâm huyện như bây giờ, hoang vắng không một bóng người, giao thông bị chia cắt, chỉ có những con đường mòn nhỏ đi lên rừng.
Để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, ông Tạng đi khắp nơi tuyển công nhân, ông về quê hương Hà Tĩnh lôi kéo những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ và khỏe vào vùng đất Măng Đen. Lúc đầu chỉ khoảng hơn 20 người tham gia trồng rừng, sau đó con số lớn dần lên 60 người.
Ông Tạng cho biết, do chưa có đường đi nên công việc trồng thông vô cùng cực nhọc, công nhân phải đi bộ vài cây số đường rừng để trồng từng cây thông. Thậm chí có những ngọn núi cao, nhiều công nhân đưa được cây giống lên đến nơi thì sức đã kiệt. Bản thân ông Tạng là giám đốc cũng phải vác từng thùng cây giống đi trồng.
“Những ngày ở Măng Đen, sáng công nhân đầu tắt mặt tối đi trồng rừng, đêm về cũng chỉ dành được ít thời gian sinh hoạt cùng nhau rồi lại lo ngủ sớm để sáng có sức đi làm” – ông Tạng nói và cho biết, Măng Đen đã lấy đi tuổi thanh xuân của những người trồng rừng nơi đây.
Để khắc họa rõ nét về cuộc sống của những người trồng rừng năm ấy, chúng tôi đã tìm đến nhà bà Lê Thị Xuân Thu, công nhân thế hệ đầu tiên tham gia trồng rừng. Bất ngờ khi có người đến hỏi về cuộc sống của những người trồng rừng năm xưa, bà Thu nghẹn ngào cho biết: “Những người trồng rừng như chúng tôi tường đã bị rơi vào quên lãng, vậy mà vẫy có người nhớ đến”.
Bà Thu bồi hồi kể lại, ngày đó quá cực khổ, ăn cơm không thể nuốt nổi vì hôi dầu, thức ăn chỉ là những hột muốn trắng hoặc mắm ruốc. Ngồi ăn mà nước mắt cứ chảy vì thương cho số phận mình. Nhiều lúc đói quá, mọi người phải đi hái sim rừng, ổi về ăn. Trời thì mưa, ẩm ướt, nên đồi núi toàn vắt, ruồi vàng cắn nát cả chân tay. Những lúc đó, anh chị em công nhân như muốn ngã quỵ, nhưng lại nghĩ nhiệm vụ cao cả đang chờ nên chỉ biết tự động viên nhau phải hoàn thành.
Cuộc sống đã thiếu thốn lại thêm nỗi lo bị thú dữ ăn thịt. Nhắc lại câu chuyện thú dữ bà Thu vẫn còn cảm giác lạnh sống lưng: “Khi chúng tôi đưa cây giống lên đồi thì bất ngờ có 2 con hổ đang đứng ở phía trước cách đó không xa. Lúc đó mọi người như chết lặng, chân run bần bật. Sau đó mọi người nín thở, rồi bước nhẹ cho đến lúc khuất tầm mắt của con hổ rồi ba chân bốn cẳng chạy một mạch thoát thân. Về đến khu tập thể chúng tôi mới vỡ òa sung sướng”.
Trong công cuộc trồng rừng, Bà Thu được nhận huân chương lao động hạng Ba. |
Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông tồn tại 7 năm thì hoàn thành sứ mệnh trồng rừng. “Trong 7 năm xí nghiệp tồn tại, đơn vị chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là trồng rừng. Gần 80 ngàn ha rừng thông đã được chúng tôi ươm trồng thành công và giao lại cho tỉnh quản lý” – ông Tạng tự hào cho biết.
Tình yêu nảy nở giữa núi rừng
Nhạc sỹ Ngọc Tường trong một lần lên Măng Đen sáng tác, được nghe những lời tâm sự về nỗi nhớ nhà, tâm sự của những người tuổi trẻ yêu nhau giữa chốn hoang vắng… Để rồi sau đó nhạc sỹ đã xúc động sáng tác thành những ca từ mãi không quên cho đến ngày nay.
Măng Đen có thể lấy đi tuổi thanh xuân của nhiều người, nhưng nơi đây cũng đã ươm mần tình yêu cho rất nhiều cặp đôi để sau đó họ nên duyên vợ chồng.
Bà Thu và ông Nguyễn Khắc Quyền (hiện 63 tuổi) đã nên duyên vợ chồng từ mối tình ngày ấy. Bà Thu nhớ lại, lúc bấy giờ xí nghiệp phần lớn là đàn ông và cũng rất nhiều người để ý đến mình. Nhưng bà đã nhận lời ông Quyền bởi tính nết thật thà, tốt bụng.
Bà Thu nhớ lại: “Ngày đó mới gặp tôi, ông Bằng đã thẳng thắn hỏi: Em có thương anh không? Nếu thương, anh cưới em làm vợ. Nhưng nhà anh nghèo lắm không có tiền làm lễ cưới hỏi đâu nha. Sau đó dù hơi ngỡ ngàng nhưng tôi đã đồng ý và nói lại rằng, giàu nghèo không thành vấn đề đâu anh, quan trọng mình sống hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” là em mãn nguyện rồi”.
Do điều kiện khó khăn nên lúc ông bà cưới nhau, lãnh đạo xí nghiệp đứng lên thông báo cho mọi người biết, kề từ nay 2 người chính thức trở thành vợ chồng. Mọi người trong xí nghiệp phải giúp đỡ, vun đắp cho cặp vợ chồng được hạnh phúc.
Đến tết, ông Bằng đưa bà Thu về Tây Sơn, Bình Định ra mắt gia đình. Lúc bấy giờ gia đình quá nghèo nên chỉ làm mâm cơm cúng gia tiên thay cho lễ cưới. Mâm cơm gồm đĩa đậu co ve xào, 2 quả trứng vịt tráng, thêm đĩa rau thế là ông bà nên duyên vợ chồng.
Khi những hạt mầm cây thông đầu tiên mọc lên cũng là lúc bà Thu hạ sinh được một bé trai và đặt tên là Thông. Hiện nay cây thông thế hệ đầu tiên cũng đã có tuổi đời 40 năm. Anh Thông hiện cũng đang công tác trong đội bảo vệ rừng tại nơi bố mẹ sinh ra mình.
Tình yêu cũng ươm mầm cho ông Nguyễn Văn Bằng và bà Đào Thị Hương nên duyên vợ chồng. Ông Bằng cho biết, do đồng cảm vì cùng quê hương hà Tĩnh, cùng cảnh nghèo khổ nên chúng tôi đã nảy sinh tình cảm.
“Tình cảm của chúng tôi có thể là một câu chuyện tình đẹp mà có lẽ thời điểm hiện tại không thể có được. Ban ngày đi trồng rừng xong, chúng tôi lại đi bộ hàng chục km để ra gặp nhau, chia sẻ những đắng cay ngọt bùi. Rồi gặp nhau được chốc lát lại về ngủ để mai tiếp tục công việc trồng thông” – ông Bằng tâm sự.
Trong lần đến Măng Đen tìm tài liệu về những người trồng thông hơn 30 năm trước thì tình cờ gặp cô gái trẻ Nguyễn Thị Thùy Trang – chủ Công ty Du lịch Măng Đen Đại ngàn. Gặp tôi, Thùy Trang giới thiệu với niềm tự hào: “Em là người sinh cùng năm, cùng tuổi với bài hát Tình ca Măng Đen”. Bố mẹ Thùy Trang chính là ông Bằng, bà Hương nằm trong nhóm những cặp đôi yêu nhau đã tạo nên xúc cảm cho nhạc sĩ Ngọc Tường sáng tác bài hát Tình ca Măng Đen.
Thùy Trang cho biết mình mở công ty du lịch với mong muốn quảng bá hình ảnh của măng Đen đến với du khách, đặc biệt là những rừng thông đại ngàn do chính bố mẹ ươm mầm, chăm sóc.
Nói về các cặp đôi nên duyên vợ chồng ông Tạng cho biết, lúc bấy giờ đã có ít nhất 10 cặp công nhân yêu nhau rồi kết duyên vợ chồng. Khi họ đồng ý cười nhau, xí nghiệp đứng ra tổ chức, tiệc chỉ những con chim con chuột bắt về làm thịt, còn không là những ly nước trà.
Ông Tạng, nguyên giám đốc xí nghiệp lâm nghiệp Kon Plông, nay đã 82 tuổi. |
“Nói là tổ chức đám cưới nhưng thực chất xí nghiệp chỉ đứng ra làm chứng cho họ nên duyện vợ chồng. Dù không có đăng ký kết hôn nhưng các cặp đôi vẫn sống hạnh phúc cho đến ngày hôm nay” – ông Tạng kể lại.