| Hotline: 0983.970.780

Cơ ngơi tiền tỷ trên đất cằn

Thứ Sáu 03/01/2020 , 07:15 (GMT+7)

Hai bàn tay trắng và mảnh đất khô cằn là điểm khởi đầu trên con đường làm giàu của một cựu binh già ở Quảng Nam.

09-28-23_1
Mỗi năm, ông Thành thu 50 tỷ đồng từ các xưởng gỗ, cơ sở khai thác đá và chăn nuôi.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố nhưng với ý chí quyết tâm đã đem lại cho ông một thành quả thực sự phi thường. Sau gần 30 năm, ông đã xây dựng cho mình được một cơ ngơi đồ sộ với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
 

Thất bại không nhụt chí

So với cái tuổi xấp xỉ thất tuần thì lão nông Nguyễn Ngọc Thành (68 tuổi, trú thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Tại vùng quê của mình, đi đâu chúng tôi cũng nghe mọi người nhắc tới ông với cả một sự kính phục. Mọi người kính trọng ông không chỉ vì nghị lực vượt khó làm giàu mà còn bởi tấm lòng nhân ái với bà con trên mảnh đất mình sinh ra.

Gặp chúng tôi, ông niềm nở kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Sinh ra trong thời điểm đất nước còn chìm trong chiến tranh, chứng kiến mảnh đất quê hương mình bị quân xâm lược tàn phá, năm 14 tuổi, ông đã tham gia vào đội du kích của xã. Suốt 12 năm sát cánh cùng anh, em đồng đội, ông đã lập nhiều chiến công, được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì cùng nhiều Bằng khen khác.

Sau giải phóng, ông trở lại quê hương cùng bà con nhân dân bắt đầu công cuộc kiến thiết đất nước. Năm 27 tuổi, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang. Với trách nhiệm nặng nề, ông luôn hết mình phấn đấu, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Trải qua hơn 10 năm công tác, ông quyết định về nghỉ hưu để dành thời gian chăm lo cho gia đình với 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

“Thời điểm đó, tiền lương hưu không được bao nhiêu, nhà thì chỉ có vài sào ruộng để canh tác nên cuộc sống gia đình luôn trong tình cảnh thiếu thốn. Đã có những lúc tôi nghĩ rằng không thể trụ vững được, hay là mình bán ruộng kiếm vốn vào Nam lập nghiệp. Nhưng rồi, tôi nhanh chóng từ bỏ ý định đó và quyết tâm tìm cách khởi nghiệp trên chính quê hương mình”, ông Thành tâm sự.

Suy nghĩ là vậy nhưng để thực hiện được thì cũng không phải là điều dễ dàng. Bởi, trong tay ông lúc đó không hề có chút vốn liếng gì ngoài 5 phân vàng cưới là tài sản giá trị nhất. Không những vậy, mảnh đất nơi ông đang sống cũng cọc cằn sỏi đá, không có gì gọi là tiềm năng để khai thác. Nhiều đêm trăn trở, cuối cùng ông quyết định bán miếng vàng cưới và vay mượn thêm tiền của người thân để xây dựng chuồng trại, khởi nghiệp từ nuôi gà.

“Tiền vốn ít nên quy mô trại nuôi gà của tôi hồi đó chỉ có vài chục con, thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Lợi nhuận chỉ đủ tiền để nuôi con ăn học và trang trải sinh hoạt trong nhà. Nhưng mọi chuyện cũng không hề đơn giản. Chỉ sau một trận dịch, bao nhiêu tài sản, công sức của tôi đã tiêu tan, gia đình lại lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần”, ông Thành chia sẻ.

Mang trong mình phẩm chất của người lính cụ Hồ bao nhiêu năm đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết trên chiến trường, những khó khăn này, vấp ngã này không thể làm ông khuất phục. Thất bại ban đầu càng khiến cho ý chí quyết tâm của ông thêm mạnh mẽ hơn. Ông Thành tiếp tục vay mượn thêm tiền để bắt đầu lại từ con số không. Lần này, rút kinh nghiệm trước đó và hạn chế rủi ro, ngoài xây dựng, mở rộng lại chuồng trại, ông đầu tư thêm lĩnh vực khác.

09-28-23_2
Ông Thành được vinh dự tặng nhiều bằng khen của Bộ, ngành với những cống hiến của mình cho quê hương.

“Thấy quê mình có đồi núi rộng lớn nhưng trước giờ chưa ai tận dụng nên tôi đã quyết định khai hoang để trồng rừng keo và mở thêm một cơ sở sản xuất bột đá. Những ngày đầu, mọi việc tương đối thuận lợi. Thu nhập từ các khoản trên cũng giúp tôi có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, đến giai đoạn khoảng năm 1996 - 2000, cơ sở làm ăn liên tục thua lỗ, có những lúc tưởng như sẽ phá sản.

Nhận thấy việc sản xuất theo cách thủ công truyền thống không còn hiệu quả nữa nên tôi đã thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc. Nhờ đó, chi phí lao động giảm đi đáng kể, năng suất tăng lên. Kinh tế ngày một ổn định hơn”, ông Thành kể.
 

Hoa nở rực trên đất cằn

Cuộc sống của gia đình ngày một khá giả hơn, từ chỗ thiếu thốn lúc ban đầu nay ông đã có của ăn, của để. Mặc dù vậy, ông vẫn chưa muốn dừng lại ở đây. Năm 2007, ông thành lập thêm Công ty TNHH MTV Hùng Thanh với ngành nghề chính là khai thác nông lâm sản, gia công hàng mộc dân dụng, trang trí nội thất... Từ kinh nghiệm nhiều năm làm kinh tế, ông đã xây dựng Cty phát triển từng bước vững chắc, ngày một lớn mạnh hơn, lợi nhuận thu được hàng năm không ngừng tăng lên.

Với những nỗ lực không ngừng đó, trải qua gần 30 năm, đến nay, ông Thành đang sở hữu một cơ ngơi vô cùng đồ sộ: Hơn 35 ha rừng keo lai, độ tuổi trồng 5 năm; xây dựng thêm 3 nhà xưởng chế biến đồ gỗ với diện tích mỗi xưởng 1.500 m2, chế biến mỗi năm từ 4.000 - 5.000 tấn nguyên liệu và 150.000 sản phẩm nội thất từ gỗ. Cty của ông còn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động và hơn 20 lao động thời vụ với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng/người.

09-28-23_3
Cơ sở của ông Thành tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động.
Với những gì đã làm được, ông Phạm Ngọc Thành đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 và nhiều bằng khen cấp bộ, tỉnh và cấp Hội… Ông Thành cũng chính là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” vinh dự được nhận bằng khen do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Đến năm 2016, để nâng cao lợi nhuận, ông Thành tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, áp dụng mô hình VAC khép kín có tổng diện tích xây dựng gần 4.000m2 với giá trị đầu tư khoảng 19 tỷ đồng; trong đó, có 2 khu chăn nuôi lợn thịt và 1 trại nuôi gà lấy trứng có diện tích gần 3.000m2.

“Để tăng thêm thu nhập cho bản thân cũng như người lao động, tôi cũng thường xuyên vận động công nhân góp vốn để mở rộng Cty. Cho nên việc kinh doanh của Cty luôn giữ vững ổn định và ngày càng phát triển hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết với các đơn vị khác để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của mình. Hiện nay, mỗi năm doanh thu từ các ngành nghề sản xuất của tôi khoảng trên 50 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 5 - 7 tỷ”, ông Thành nói.

Không chỉ giỏi trong làm ăn kinh tế, mà trong các hoạt động từ thiện của địa phương, ông Thành luôn là một trong những người đi đầu.

Suốt nhiều năm qua, năm nào ông cũng đóng góp từ 200 - 300 triệu đồng giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động từ thiện của đoàn thể, địa phương.

Đứng trước cơ ngơi mà mình đã dày công gây dựng, nhiều lúc ông cũng không tin được rằng mình có thể đến được thành công như ngày hôm nay. Nhưng không phải cái gì cũng tự nhiên có được dễ dàng. Hạnh phúc sẽ đơm hoa, quả ngọt sẽ kết trái từ những hạt mầm đầu tiên là mồ hôi và tâm huyết…

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.