| Hotline: 0983.970.780

Nghe rừng rì rào nói chuyện

Thứ Hai 20/01/2020 , 14:10 (GMT+7)

Ông Nguyễn Xuân Thiết (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đón chúng tôi bên đường Hồ Chí Minh.

t-1-duong-ken-rung111644131
Đường lên rừng ông Thiết.

Từ đường đi vào chừng vài chục bước chân, là ngôi nhà rường làm nơi đón khách. Đi ra phía sau là vùng đồi nhấp nhô xanh ngút ngàn.
 

Trồng cây gây rừng

“Đó là thành quả của gần 20 năm lăn lộn với trồng rừng của tui. Bây giờ rừng đã nên hình nên vẻ rồi. Nhiều người cũng đã đến để xin được ghé thăm rừng”, ông thổ lộ.

Đứng ở bìa rừng lộng gió, ông Thiết mở lòng kể cho chúng tôi nghe ước mơ cháy lòng là làm sao có được những cánh rừng cho con cháu.

Năm 1978, vào tuổi ở tuổi đôi mươi, ông Thiết lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường K. Sau 5 năm binh nghiệp, ông trở về quê hương xây dựng gia đình và đảm nhận một số công tác ở địa phương…

Những năm tháng đó, Hương Hóa đau đầu vì nạn phá rừng. Xã vùng biên lại giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh nên lâm tặc tứ xứ đổ về cõng gùi lên rừng đốn gỗ đưa về xuôi. Con đường mòn ngày xưa trở thành tuyến đường vận chuyển gỗ của lâm tặc. Những lần đi lại trên đó, nhìn những cánh rừng dần bị mất và những ngọn đồi bát úp trơ trọi là lòng ông Thiết như thắt lại.

Khi có chủ trường giao đất rừng của nhà nước, ông như được thêm năng lượng để thực hiện ước mơ. Buổi sáng, ông bảo vợ làm cho nắm cơm thật to rồi vác rựa lên đồi sim. Vừa dùng rựa phát cây làm dấu, ông đi chéo lên vùng đồi, lại quành xuống réc nước.

Ăn hết gói cơm buổi trưa, vốc ngụm nước suối uống cho đã khát, ông lại đi ngược lên đồi cao để nhìn ra bốn bề. Thấy ưa mắt, ông chọn ba quả đồi để làm nơi gây dựng lại cánh rừng trong ý niệm.

“Hồi đó, chẳng cần biết được bao nhiêu diện tích. Chỉ lượng sức mình trồng gỗ quý hết 3 quả đồi này là được rồi”, ông cười sảng khoái nói.

t-2-mot-goc-rung111645372
Một góc rừng có nhiều cây gỗ quý.

“Bây giờ kể lại thì êm êm. Nhưng hồi cách đây gần 20 năm thì cũng gian khó lắm”, ông Thiết lại mở đầu câu chuyện mới. Ở cái tuổi xém 40, vừa gách vác việc xã hội, vừa tranh thủ lên vùng đồi phát cây, trồng rừng. Mỗi sáng, ông cùng vợ đùm cơm vắt chéo qua hông, can nước đeo lên vai lên vùng đồi.

Phát hết cây dại, lau lách phơi nắng, đến lúc khô lại đốt và đào hố đợi đến mùa mưa để trồng cây. Những khi phát lùm cây dại, phát hiện còn gốc cây gỗ quý mà có thể đâm chồi là ông mừng như bắt được vàng.

Ông Thiết bồi hồi nhớ: “Những lúc đó, thấy được gốc cây lim, cây huỵnh, cây sến, táu… là tui sướng lắm. Tui phát hết cây dại quanh đó, lấy lá khô ủ gốc để hy vọng cây lên mầm sống mới”. Vài tháng lên thăm, thấy gốc bật lên chồi non, ông cứ tưởng chẳng cần ăm cơm cũng thấy no.

Vào mùa mưa, là khi cây rừng dễ trồng, dễ sống, ông Thiết lại lặn lội đội mưa lên những vùng đồi khác tìm kiếm cây giống bản địa có giá trị đánh gốc đưa về trồng trên vùng đồi của mình.

Nhiều người thấy cảnh khổ cứ chép miệng: “Ôi dào, không biết ông này có sống được đến ngày thu hoạch cây rừng không mà khổ thân đến vậy. Nghe được, ông chỉ thầm cảm ơn họ vì kiểu nói này như cho thêm trong lòng ông một nghị lực lớn: Phải làm cho người ta thấy sau vài chục năm nữa.

t-4-ong-thiet111647517
Ông Thiết bên cây gỗ huỵnh nhỏ.
Những ý tưởng để “núi vàng” cho con cháu mai sau của ông còn xa xa lắm. Ông lại có được niềm vui khác mà ít người có được. Bây giờ, ông lại làm doanh nghiệp xây dựng, làm xưởng gỗ… Những khi công việc bộn bề cần chút thư giãn là ông lại lên rừng.

Không chỉ đi kiếm cây rừng, chỉ nghe tin ở đâu có bán cây giống lim, huỵnh… là ông tìm đến để mua về trồng. Chưa đâu có mô hình rừng trồng cây bản địa gỗ quý vào thời đó để ông học hỏi kinh nghiệm và tận mắt thấy kết quả vài chục năm sau.

Nhưng trong đầu ông vẫn nghĩ đến những cánh rừng gỗ quý được lớn dần, được khép tán trên vùng đất lau lách, bụi bờ này. Hết tiền cho việc trồng rừng.

Ông tìm kiếm công việc ở xa nhưng có thu nhập để mua cây giống. Khi có được chút tiền dằn túi, ông nhảy xe về quê, lại tất tả lên với rừng.

Chẳng phụ lòng người, rừng của ông bén rễ, lên chồi. Vùng đồi hoang hóa với cỏ tranh, với nham nhở rẫy thừa thẹo đã dần phủ một màu xanh nhạt. Màu xanh theo năm tháng đậm dần lên. Khi đó, trên đầu ông, tóc cũng đã nhuốm thành màu sương.
 

Để lại cho mai sau…

Ông hăng hái đi trước dẫn đường. Con đường mòn nhỏ vòng vèo qua các triền dốc, lượn qua những gốc cây gỗ lớn rồi chạy hun hút lên phía đỉnh đồi. Bên mé con suối cạn chảy giữa hai triền đồi, đứng bên hòn đá lớn, ông đưa tay khoát một vòng: “Ở vùng bình địa lưng chừng đồi trở xuống, tui trồng các loại cây bản địa gỗ quý hết. Những giống cây này thường hợp với đất có độ ẩm và mùn cao hơn. Phía trên đỉnh cao thì trồng các loại tràm, keo.

Cánh rừng bạt ngàn của ông rộng gần 35ha, được chia lô trồng những cây gỗ quý. Vạt rừng lim với vài ngàn cây cao đến 10m đang thi nhau vươn lên. Mé đồi bên kia là nơi gần chục ngàn cây huỵnh. Huỵnh nhanh lớn hơn, có đường kính đến 0,25m và cao vượt tầm cây lim. Còn nữa là bời lời, vàng tâm… cũng hơn chục ngàn cây đang lên bời bời.

t-5-ong-thiet-muon-nhieu-nguoi111643164
Ông Thiết muốn có nhiều người đến thăm rừng.
Ông bảo: “Cứ đi một vòng cho mướt mát mồ hôi thăm rừng rồi chọn một vạt rừng nào đó có gió thổi lồng lộng đứng lại mà hít thở, mà nhắm mắt lại nghe rừng rì rào nói chuyện. Khi đó, mọi mệt mỏi, lo âu trong lòng cứ như tan, như biến hết. Lại thấy khỏe hẳn ra, thấy lòng thư thái để về nhà vui vầy cùng con cháu”.

Khi hỏi về giá trị kinh tế cây rừng, ông cười vui lắm và bảo nếu trồng rừng cây bản địa gỗ quý thì chưa mong đến giá trị kinh tế được. Người ta trồng keo tràm thì 5 năm, 10 năm là tính đến chuyện thu hoạch, biết được tiền thu về bao nhiêu. Còn trồng rừng bản địa thì phải đợi đến năm, bảy mươi năm sau mới nói được chuyện này.

Ông làm phép tính đơn giản: “Tui năm nay trên 60 tuổi, trồng rồng rừng ngót 20 năm. Cháu nội, ngoại tui năm nay lên 10 tuổi. Nếu tui để rừng lại cho cháu thì vào đến tuổi thành ông bà như vậy mới khai thác.

Lúc đó, chỉ tính riêng rừng huỵnh đã có được độ tuổi 70 năm. Khi đó, trung bình mỗi cây cũng được vài khối gỗ. Bây giờ giá gỗ huỵnh lớn dùng đóng tàu biển được là 25 triệu/m3.

Lúc đó chắc còn có giá hơn. Mỗi cây cũng được năm, bảy chục triệu đồng. Cả mấy ngàn cây như vậy thì chắc chẳng phải là núi vàng đó sao”, ông lý giải thật lòng.

Chia tay ông ở bìa rừng, chúng tôi đã cảm nhận được suy nghĩ của ông về những cánh rừng bản địa, về những người muốn đến với rừng. Bắt tay ông Thiết thật chặt, tôi hẹn ông: “Ngày đó cũng tới gần rồi”.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.