| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng phòng hộ bằng cây trẩu

Thứ Hai 30/05/2011 , 11:01 (GMT+7)

Để giúp người dân có cuộc sống ổn định và tạo nguồn sinh thủy, theo nguyện vọng của người dân từ năm 2010 huyện Mường Khương quyết định trồng trẩu trên diện tích rừng phòng hộ...

Huyện Mường Khương (Lào Cai) hiện còn gần 4.000 ha đất trống đồi núi trọc, nằm tập trung ở các huyện dọc biên giới Việt- Trung như Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu… đều là những xã vùng cao đặc biệt khó khăn.

Do độ dốc lớn, lại trải qua nhiều năm canh tác nên đất ở đây bị rửa trôi mạnh, quá trình sa mạc hóa diễn ra rất nhanh. Cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây vô cùng khó khăn, từ nhiều năm nay không chỉ thiếu nước sản xuất mà còn thiếu nước sinh hoạt, một bộ phận dân cư buộc phải di cư tự do và di cư có qui hoạch, đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của đồng bào.

Mặc dù mấy năm gần đây huyện Mường Khương đã nâng mức khoán bảo vệ rừng lên 200.000 đ/ha cho những xã thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, nguồn thu nhập của người dân được nâng lên, nhưng mức sống của đại bộ phận dân số các xã vùng cao đều rất thấp. Xã Tả Gia Khâu tỷ lệ đói nghèo hiện đang chiếm 71%, nhiều thôn bản gần 100% hộ thuộc diện đói nghèo, đang là áp lực lớn đối với tình hình an ninh biên giới với nhiều vấn đề phức tạp.

Để giúp người dân có cuộc sống ổn định và tạo nguồn sinh thủy, theo nguyện vọng của người dân từ năm 2010 huyện Mường Khương quyết định trồng trẩu trên diện tích rừng phòng hộ ở hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin. Ông Nguyễn Thế Anh - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương cho biết: Cây trẩu không phải là cây bản địa, nhưng cách đây khoảng 15 năm, bà con một số thôn bản ở các xã vùng cao đã lấy hạt về trồng. Ưu điểm của cây trẩu lớn nhanh, thích ứng với mọi điều kiện thổ nhưỡng, chịu được hạn hán, nhất là chịu được rét. Hai đợt rét kéo dài của mùa đông 2007 - 2008 và 2010 - 2011 không cây nào bị chết rét, sau rét cây lại lên xanh, nhất là cây trẩu hiện đang giúp cho người dân có nguồn thu nhập từ việc bán quả…

Ông Sùng Seo Sóa thôn Tả Gia Khâu cho hay: Cây trẩu được bà con lấy hạt về trồng ở khắp nơi, chỗ nào cây cũng sống được. Mới đầu trồng để lấy củi, làm chuồng trâu, bờ rào…, mấy năm nay người Trung Quốc sang thu mua hạt. Giá hạt cả vỏ 6.000 đ/kg, hạt đã bóc vỏ giá 12.000 đ/kg… Ông Sóa hiện là trưởng nhóm trồng rừng ở thôn Tả Gia Khâu, diện tích nhóm của ông đã trồng là 9 ha. Thôn Tả Gia Khâu có 25 hộ, thì gần như cả thôn đều tham gia dự án, nhiều hộ tham gia trồng 4-5 ha như gia đình Sùng Seo Lành trồng 4,2 ha. Lành cho biết: Năm nay nếu Ban Quản lý rừng phòng hộ cho trồng thì gia đình mình trồng khoảng 5 ha nữa.

Năm 2010 hai xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu đã trồng 300 ha, đơn giá 10 triệu/ha/4 năm. Xã Tả Gia khâu có 12 thôn bản, năm 2010 có 7 thôn tham gia trồng trẩu, năm 2011 toàn bộ 5 thôn còn lại sẽ tham gia trồng. Do trồng trẩu có nguồn thu nhập, đã giúp cho nhiều hộ gia đình đỡ khó khăn hơn.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam, doanh nghiệp được phân công giúp đỡ huyện Mường Khương, năm 2010 triển khai trồng 50 ha trẩu trên diện tích nương rẫy bạc màu kém hiệu quả ở hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin, mức hỗ trợ 700 kg gạo/ha/năm, thời gian hỗ trợ 7 năm. Sau khi trẩu đã thành rừng người dân được hưởng lợi từ thu nhặt quả, tỉa thưa để tái tạo rừng. Nhiều hộ đã tự nguyện chuyển đổi từ đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng trẩu, nếu thành công thì diện tích trẩu sẽ được mở rộng ra nhiều xã khác.

Kế hoạch năm 2011 huyện Mường Khương sẽ trồng tiếp 100 ha rừng phòng hộ bằng cây trẩu ở hai xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin. Đây là dự án có lợi ích kép, đang được người dân nhiệt tình tham gia.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.