| Hotline: 0983.970.780

Trông trời, canh nước để cấy lúa, gieo ngô

Thứ Sáu 14/06/2024 , 05:30 (GMT+7)

LÀO CAI Huyện Mường Khương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ kết hợp vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi đảm bảo sản xuất nông nghiệp.

Chủ động chống hạn 

Những năm gần đây tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Mường Khương nói riêng diễn biến phức tạp, các hiện tượng thiên tai như: khô hạn, rét đậm, rét hại kèm theo mưa tuyết, mưa lũ, gió lốc liên tục xảy ra. 

Kết quả theo dõi hàng năm cho thấy, từ trung tuần tháng 12 đến hết tháng 2 tình hình khô hạn trên địa bàn huyện kéo dài, lượng nước trên các ao, hồ, sông, suối có xu hướng giảm nhanh. Từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4, nếu không có mưa bổ sung thì tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân sẽ rất nghiêm trọng, bên cạnh đó nhiều thôn vùng cao sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Chính vì vậy, UBND huyện Mường Khương đã lên phương án chủ động đối phó với khô hạn. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra nguồn nước thực tế ở các sông suối, ao hồ, nguồn trữ ở các công trình thủy lợi tại các xã, thị trấn để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ. 

Công trình thủy lợi giúp người dân có đủ nước để cấy lúa. Ảnh: Hải Đăng.

Công trình thủy lợi giúp người dân có đủ nước để cấy lúa. Ảnh: Hải Đăng.

Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước đặc biệt là các ao hồ chứa nước. Có biện pháp sử dụng nước hợp lý và chuẩn bị máy móc để chống hạn. Huy động nhân dân tham gia làm thủy lợi, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi để tăng khả năng giữ nước và cấp nước của công trình. Chỉ đạo nhân dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước vào các ao, hồ, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý.

Đặc biệt, những khu vực không chủ động được nguồn nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, gieo trồng các cây trồng phù hợp đảm bảo hiệu quả sản xuất.

“Căn cứ vào diện tích, thời vụ gieo cấy và dự báo tình hình hạn hán có thể xảy ra, chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật gieo, cấy rải vụ, lùi thời vụ để chờ mưa, sử dụng những giống ngắn ngày, khắc phục bằng các hình thức bơm, tát để tận dụng cấy tối đa diện tích trong điều kiện có thể. Đối với những diện tích không thể thực hiện cấy lúa chuyển đổi sang trồng ngô song phải đảm bảo kịp thời vụ cho sản xuất lúa mùa”, ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết.

Đối với diện tích ngô xuân sử dụng những giống ngô lai có khả năng chịu hạn tốt, tranh thủ thời tiết làm đất gieo trồng tối đa diện tích trong vụ xuân.

Căn cứ vào tình hình thời tiết, điều kiện đất đai sớm có quyết định chuyển đổi diện tích trồng ngô tại khu vực dự báo hạn sang trồng đậu tương. Do cây đậu tương có thời vụ trồng sớm hơn sẽ tranh thủ độ ẩm của đất ở thời kỳ đầu của hạn.

Những diện tích không thể thực hiện gieo trồng được trong vụ xuân do hạn, chuyển sang trồng ngô lai vụ hè thu để bù đắp sản lượng bị thiếu hụt.

Ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để đảm bảo được lượng nước tưới cho cây trồng, trong năm 2024, huyện cần sửa chữa là 21 công trình thủy lợi với vốn khoảng 11,2 tỷ đồng.

Quản lý, phát huy hiệu quả thủy lợi

Công trình đập đầu mối Đồng Căm trên địa bàn xã Lùng Vai tưới cho 34 ha lúa 2 vụ khu vực thôn Đồng Căm A, B. UBND xã Lùng Vai giao cho tổ thủy nông thôn quản lý đập đầu mối thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả.

Tại xã Pha Long, việc quản lý vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn xã cũng được chính quyền quan tâm. Hiện xã có 16 mương thủy lợi, tổng chiều dài gần 19 km. Đặc biệt, 100% tuyến kênh mương thủy lợi đã được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho hơn 200 ha lúa vụ mùa, 11 ha rau màu. UBND xã Pha Long còn thành lập tổ quản lý chung các công trình trên địa bàn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương, toàn huyện hiện có 213 công trình thủy lợi với trên 461 km mương, trong đó, 424 km mương kiên cố, số còn lại vẫn là mương đất; 337 đập dâng, 14 hồ thủy lợi. Các công trình thủy lợi giúp chủ động điều tiết nước cho gần 3.046 ha, trong đó diện lích lúa xuân trên 454 ha; lúa mùa 1.832 ha và rau màu 537 ha...

Bà con nông dân duy tu, bảo dưỡng kênh mương thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con nông dân duy tu, bảo dưỡng kênh mương thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng. Ảnh: Hải Đăng.

Để quản lý hiệu quả công trình thủy lợi trên địa bàn, UBND huyện Mường Khương chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban quản lý công trình hạ tầng cấp xã, các tổ chức quản lý thủy lợi cơ sở. 

16 ban quản lý công trình hạ tầng cấp xã, 17 đơn vị quản lý thủy lợi cơ sở, với 368 người có nhiệm vụ trực tiếp tham gia quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi. 

Các tổ quản lý thực hiện duy tu, nạo vét kênh mương 2 lần mỗi năm đối với lúa 1 vụ và 4 lần mỗi năm đối với diện tích lúa 2 vụ. Các ban quản lý công trình hạ tầng cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các mương nhằm sửa chữa kịp thời.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương, cùng với nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thì giải pháp quan trọng là huy động sự vào cuộc của người dân. Các công trình được quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa kịp thời sẽ giúp khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, phát huy hiệu quả đầu tư.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.