| Hotline: 0983.970.780

Trồng và chế biến hoa cúc chi vàng làm dược liệu

Thứ Hai 28/11/2022 , 08:45 (GMT+7)

HƯNG YÊN Trồng và chế biến hoa cúc chi vàng làm dược liệu bằng lò điện, chị Nguyệt luôn có được đơn hàng bao tiêu với giá cao gấp 2 lần cách chế biến cúc truyền thống.

Empty

Hoa cúc chi vàng là một vị thuốc quý. Ảnh: Hải Tiến.

Là chủ hộ đầu tiên trồng và chế biến hoa cúc dược liệu ở thôn Nghĩa Trai, Văn Lâm (Hưng Yên), mỗi năm chị Cao Thị Minh Nguyệt cung ứng ra thị trường được trên 2 tấn dược liệu hoa cúc khô đảm bảo vệ sinh an toàn dược liệu. Chị Nguyệt cho biết, gia đình chị đã trải 6 đời trồng và chế biến các loại thuốc Nam, bao gồm cả cây cúc chi hoa vàng. Tuy nhiên chỉ từ năm 2016 đến nay, chị Nguyệt mới tiến hành sấy chế biến cúc dược liệu bằng điện máy.

Nguyên nhân hối thúc chị Nguyệt dùng lò/tủ điện cho chế biến dược liệu là bởi chị nhận được đơn hàng bao tiêu hoa cúc khô sạch, yêu cầu không dùng lưu huỳnh (diêm sinh) cho chế biến hoặc bảo quản. Mặt khác, việc chế biến hoa cúc theo cách làm cổ truyền, phải đốt diêm sinh lấy nhiệt làm chín hoa cúc tươi, trong quá trình lưu huỳnh cháy sẽ sinh ra khí dioxit sunfua (SO2), mùi khó chịu và rất hắc, nếu không có đồ bảo hộ lao động chu đáo, người hít phải sẽ bị hắt hơi, sổ mũi, ho sặc sụa hoặc nước mắt trào ra cay xè.

Ruộng hoa cúc chi vàng

Ruộng hoa cúc chi vàng dùng làm nguyên liệu cho chế biến dược liệu. Ảnh: Hải Tiến.

Xuất phát từ thực tế trên, chị Nguyệt đã quyết định xuống tiền 300 triệu đồng mua liền lúc 2 tủ điện cho sấy hoa cúc, công suất 125kg sản phẩm/lò. Theo đó, cứ vào mùa thu hoạch cúc chi, định kỳ 12h, chị Nguyệt lại có gần 28kg hoa cúc khô xuất lò. Ngoài việc chế biến hoa cúc theo kế hoạch của gia đình, chị Nguyệt còn làm dịch vụ sấy, chế biến hoa cúc chi cho các hộ khác trong làng.

Theo chị Nguyệt, so với cách làm truyền thống, việc dùng tủ điện sấy chế biến hoa cúc có ưu điểm nổi bật là không phụ thuộc vào thời tiết như chế biến hoa cúc phơi khô; rút ngắn được thời gian sấy từ 4 - 6 ngày xuống còn 1/2 ngày. Toàn bộ quy trình sấy chế biến hoa cúc khép kín trong tủ điện, giúp dược liệu không bị dính bụi từ không khí.

Đặc biệt, do không dùng diêm sinh đốt hấp chín cúc, nên tránh được nguy cơ mất vệ sinh an toàn dược liệu, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động trực tiếp. Ngoài ra, cúc sấy khô bằng điện cánh hoa không bị bết, không ngả màu, giữ nguyên được các dược tính quý và hương thơm đặc trưng của hoa cúc chi vàng.

 Tủ sấy, chế biến dược liệu cúc chi vàng

Tủ sấy, chế biến dược liệu hoa cúc chi vàng. Ảnh: Hải Tiến.

Do chế biến hoa cúc bằng điện máy, sản phẩm cúc chi vàng của chị Nguyệt đã được Sở Y tế Hưng Yên cấp chứng nhận “Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc – GDP”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bảo hộ quyền chỉ dẫn địa lý từ năm 2016. Nhờ đó, chị Nguyệt luôn được các doanh nghiệp trong nước tìm đến ký hợp đồng bao tiêu hoa cúc với giá thu mua cao gấp 2 lần (100%) so với sản phẩm cúc chi khô bán trên thị trường cùng thời điểm. Sau khi trừ các khoản chi tiền điện và khấu hao máy móc, lợi nhuận vẫn gia tăng 70% so với cách chế biến hoa cúc cổ truyền.

Để sản phẩm hoa cúc luôn đạt chuẩn GDP, hàng năm chị Nguyệt đều phải đặt hàng nguyên liệu cho chế biến từ các hộ sản xuất đạt chuẩn VietGAP, với giá mua tăng 30% so với các hộ khác tại thời điểm. Trong đó, không được sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, hạn chế bón đạm Urê, càng dùng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh càng được khuyến khích.

Hoa cúc chi vàng sau sấy khô

Hoa cúc chi vàng sau sấy khô. 

Chị Nguyệt bật mí, hoa cúc mua từ các ruộng bón nhiều phân hữu cơ, sau đưa vào chế biến tỷ lệ hao ngót thấp hơn rất đáng kể, chất lượng dược liệu cũng tốt hơn nhiều, bằng cảm quan cũng thấy, màu sắc hoa đẹp hơn, thơm hơn.

Chị Nguyệt kể, những năm còn dùng diêm sinh sấy chế biến hoa cúc, chỉ mong sao suốt mùa thu hoạch trời có nắng đều. Vì gặp thời tiết mưa, hái hoặc phơi hoa cúc không kịp thời, chất lượng sẽ bị giảm, rất khó bán. Những lúc đó, người lúc nào nóng cũng như ngồi trên đống lửa. Từ ngày chuyển sang sấy chế biến hoa cúc bằng điện, những lo lắng trên đã căn bản không còn. Kể cả hoa cúc hái gặp mưa hay chạy mưa, đưa vào chế biến máy điện vẫn đảm bảo được phẩm chất.       

Được biết, bên cạnh trồng và chế biến hoa cúc dược liệu, chị Nguyệt còn mua, chế biến và trung chuyển hơn 100 tấn Nam dược khác từ các địa phương trong nước như tía tô, kinh giới, hoắc hương, cốt khí, địa liền, xuyên tâm liên, cà gai leo, mã đề, đinh lăng, ngưu tất, cỏ ngọt, hoài sơn, nghệ đen...

Thấy chị Nguyệt chế biến hoa cúc dược liệu sạch, thu được lợi nhuận cao hơn, một số hộ trong làng cũng bắt đầu làm theo, thuê lại ruộng sản xuất từ các xã khác trong huyện để trồng cúc dược liệu, rồi đầu tư tủ điện sấy chế biến hoa cúc và các loại dược liệu khác theo hướng “Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc – GDP”.  

Một số sản phẩm Nam dược do gia đình chị Nguyệt chế biến

Một số sản phẩm Nam dược do gia đình chị Nguyệt chế biến. Ảnh: Hải Tiến.

Chị Nguyệt cho rằng, từ xa xưa, nhà nông nước ta vẫn sấy chế biến hoa cúc bằng diêm sinh, việc sử dụng chúng ảnh hưởng tới sức khỏe người thế nào đến nay vẫn chưa có khuyến cáo cụ thể. Nhưng việc chuyển từ công nghệ sấy truyền thống này sang sấy bằng điện sẽ hoàn toàn yên tâm về vấn đề vệ sinh an toàn cho dược liệu.

“Mô hình trồng, chế biến hoa cúc nói riêng, các cây dược liệu nói chung của gia đình chị Nguyệt không chỉ giúp 3 - 4 lao động trong làng có việc làm và thu nhập ổn định mà còn góp phần thúc đẩy làng nghề truyền thống thuốc Nam Nghĩa Trai phát triển ngày càng bền vững”, bà Cao Thị Lệ, Trưởng thôn Nghĩa Trai nhận xét.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.