| Hotline: 0983.970.780

Cây sâm có thể thay đổi diện mạo kinh tế lâm nghiệp Lai Châu

Thứ Tư 16/11/2022 , 08:30 (GMT+7)

Với lợi thế lớn về rừng, Lai Châu đang có cơ hội phát triển dược liệu dưới tán rừng, qua đó mang lại nguồn thu nhập cao, bền vững cho người dân địa phương.

z3727355764889_98671bff9b24df5de5c0b0336c8016cd

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng thăm vườn giống cây sâm Lai Châu. Ảnh: .

Triển vọng lớn nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng

Lai Châu là tỉnh đầu nguồn sông Đà, nơi điều tiết, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ lưu và đặc biệt là các công trình thủy điện quốc gia như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình... Do đó, diện tích rừng của Lai Châu ngoài có vai trò rất quan trọng trong quốc phòng, an ninh còn rất thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 520.000ha đất lâm nghiệp (chiếm 57% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Trong đó, rừng đặc rụng trên 41.000ha (chiếm 8%), rừng phòng hộ là 265.000ha (chiếm 51%), rừng sản xuất là trên 213.000ha (chiếm 41%)...

Tỉnh Lai Châu xác định, phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng từng năm của Lai Châu được nâng lên và đã đạt gần 51%. Nhờ đó, mang lại lợi ích lớn về môi trường, nguồn nước và kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, khi trên 70% số hộ tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng có nguồn thu nhập ổn định.

Tỉnh Lai Châu cũng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiều loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao được nhân dân bảo tồn và phát triển như: Sâm Lai Châu, cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất, đương quy, thảo quả, hà thủ ô... Có thể khẳng định, phát triển rừng và kinh tế rừng góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Lai Châu trong niều năm qua.

z2778806598971_9759334c279acb99446152b275abc1d5

Quả và hạt của cây sâm Lai Châu quý. Ảnh: BT.

Tận dụng tiềm năng trồng dược liệu quý

Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu cho biết, từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu triển khai đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu với đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây sâm Lai Châu” và đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài sâm Lai Châu, tam thất hoang ở các xã vùng cao huyện Mường Tè”.

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn đã chỉ ra, cây Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var, fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai) có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

Hàm lượng saponin trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23 - 27%, hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi. Đặc biệt, hàm lượng Majonosid - R2(MR2) chiếm 4 - 6%, đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp Bằng bảo hộ Giống cây trồng. Đây là loài cây bản địa, rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Lai Châu.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả nghiên cứu, để có chiến lược phát triển đúng đắn trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển.

Trong đó, Đề án hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống theo đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hỗ trợ trồng, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết…

Đến nay, Lai Châu đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, gây trồng được trên 15ha sâm Lai Châu tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Từ đây, tạo cơ hội giúp bà con, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cũng đề nghị với Chính phủ sớm phê duyệt Đề án thí điểm thuê dịch vụ môi trường rừng trồng dược liệu dưới tán rừng. Hiện Lai Châu đã được Bộ NN-PTNT dự kiến bố trí thực hiện thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu với quy mô trên 3.000ha rừng phòng hộ. Khi đề án thí điểm được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội, điều kiện để đồng bào các dân tộc vùng khó khăn thay đổi cuộc sống.

anh dung sam

Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý hiếm, đang được tỉnh Lai Châu bảo tồn và phát triển. Ảnh: .

Thu hút thành công doanh nghiệp đầu tư

Mường Tè là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Lai Châu với trên 267.000ha, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu. Do vậy, Mường Tè đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu và tạo thuận lợi cho người dân phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông Đào Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, sâm Lai Châu là cây trồng có giá trị kinh tế cao, sau 5 - 6 năm trồng có thể bán và mang lại lợi nhuận xứng đáng cho người trồng. Tuy vậy, để phát triển được diện tích lớn dược liệu cần thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trồng dược liệu đặc biệt là sâm Lai Châu.

Chính vì vậy, huyện Mường Tè luôn chú trọng tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn tạo điều kiện thuận lợi cũng như chính sách ưu đãi về thuê đất, giải phóng mặt bằng… để doanh nghiệp có thể triển khai đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, huyện Mường Tè đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổ giúp việc thực hiện các nghị quyết, chính sách theo đề án phát triển nông nghiệp của huyện. Tổ chức các hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và tìm hướng giải quyết, nhằm thúc đẩy phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn. Qua đó, cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè bước đầu được các doanh nghiệp biết đến và đầu tư phát triển loại cây này.

Hiện huyện Mường Tè tới nay đã có 9 doanh nghiệp đang khảo sát và xin chủ trương đầu tư trồng sâm Lai Châu; 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 30 hộ nông dân đang liên kết trồng cây dược liệu, trong đó, diện tích sâm Lai Châu đã phát triển được trên 5,6ha ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ và Pa Ủ…

Sâm Lai Châu là loài cây bản địa đặc hữu của "Mảnh đất cuối trời Tây Bắc" hiện phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung, các xã Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Sâm Lai Châu được các nhà khoa học đánh giá là cây thuốc quý hiếm với thành phần saponin phong phú, có công dụng phòng, điều trị nhiều loại bệnh và bồi bổ sức khỏe con người, có giá trị kinh tế cao đang là hướng đi được lãnh đạo tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát triển.

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.