| Hotline: 0983.970.780

Trúng đậm mùa cá nổi

Thứ Ba 07/04/2020 , 08:19 (GMT+7)

Dù vụ cá Nam mới khởi động, tuy nhiên nhiều tàu hành nghề lưới vây, rê pha xúc ở các tỉnh Nam Trung bộ trúng luồng cá nổi như nục, ngân, cơm.

Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận trúng cá nục đầu vụ cá Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận trúng cá nục đầu vụ cá Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, toàn tỉnh có trên 5.000 tàu thuyền, trong đó gần 1.000 tàu có công suất 300CV trở lên. Sau tết do biển động nên nhiều tàu cá ở Bình Thuận neo đậu nhiều ở các bến. Tuy nhiên vào đầu tháng 3 bước sang vụ cá Nam biển bắt đầu êm, hàng loạt tàu cá ở tỉnh bắt đầu nhổ neo bám biển.

Theo ông Huy, so với cùng kỳ năm ngoái, vụ cá Nam năm nay thời tiết thuận lợi. Đầu mùa nhưng nhiều tàu hành nghề lưới vây, rê, pha xúc trúng cá nổi như cá nục, cá ngân…

Do đó, tính đến hết quý 1/2020, tổng sản lượng khai thác của tỉnh đạt gần 40 ngàn tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng cá nổi chiếm 70% tổng sản lượng. Đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu do ảnh hưởng Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên giá thu mua giảm từ 10-20%. Nhưng ngược lại các mặt hàng cá nổi dành tiêu thụ nội địa, giá bán vẫn giữ ổn định cùng kỳ, giá dầu lại đang rẻ, nhờ vậy các tàu đánh bắt có lãi khá.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, giá xăng dầu tác động rất lớn đến hoạt động đi biển của các tàu, vì chiếm tỉ lệ lớn trong chi phí đánh bắt. Giá nhiên liệu giảm đã giúp mỗi chuyến biển của ngư dân giảm 25 - 30% chi phí.

Bên cạnh đó, các chi phí khác kèm theo như nước đá, vận tải, nhu yếu phẩm… cũng giảm theo. Từ đó, giúp ngư dân hăng hái bám biển, đảm bảo năng suất khai thác và duy trì ổn định. Đây là yếu tố thuận lợi trong khoảng thời gian giao mùa trong hoạt động khai thác trên địa bàn.

“Hiện nay sau 2 tuần bám biển, mỗi tàu trung bình đánh bắt sản lượng từ 8 - 10 tấn cá nổi các loại, với giá bán trung bình khoảng 35 ngàn đ/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu lãi từ 100 - 150 triệu. Cá biệt có vài tàu đánh bắt lãi đến 300 triệu đồng/chuyến”, ông Huy chia sẻ.

Tương tự, tại Ninh Thuận, những ngày gần đây nhiều tàu hành nghề lưới vây, pha xúc cũng trúng đậm cá nổi như cá nục, cá cơm. Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, cho biết, từ ngày 29/3 đến 4/4, tổng sản lượng đánh bắt đạt khoảng 5.000 tấn cá, chủ yếu cá nục, cá cơm.

Tại Ninh Thuận nhiều tàu đánh bắt được cá cơm. Ảnh: Minh Hậu.

Tại Ninh Thuận nhiều tàu đánh bắt được cá cơm. Ảnh: Minh Hậu.

Trong đó, tại khu vực cá Thuận Nam có 150 tàu đánh bắt với sản lượng cá cơm khoảng hơn 4.000 tấn. Với giá bán cá tại cảng khoảng 300 ngàn đ/giỏ (mỗi giỏ 17 kg).  Tính ra, tổng doanh thu bình quân mỗi tàu từ 300 – 400 triệu.

Còn tại khu vực Ninh Hải có khoảng 100 tàu tham gia khai thác, với tổng sản lượng đạt gần 1.000 tấn. Với giá bán cá tại cảng từ 22 – 35 ngàn đ/kg (tùy loại), bình quân mỗi tàu thu khoảng  280 – 300 triệu.

Tại Khánh Hòa đối với các tàu hành nghề lưới rê (lưới cảng) vài chuyến gần đây được cơ quan chức năng đánh giá hiệu quả nhất so với các nghề khác.

Hiện các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở Khánh Hòa có lãi nhờ bán giá cá chợ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở Khánh Hòa có lãi nhờ bán giá cá chợ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Ghi nhận PV tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang mấy ngày gần đây, nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, cũng như lưới rê liên tục cập cảng.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết, đối với các tàu lưới rê dù chuyến biển này sản lượng có giảm hơn chuyến trước, nhưng vẫn có lãi.

Cụ thể, đối với tàu lưới rê đường dài (bám biển xa bờ) trung bình đánh bắt được khoảng 5 tấn, chủ yếu cá sọc dưa sau 12 - 15 ngày bám biển. Còn tàu lưới rê đánh bắt trong vùng lộng, sản lượng trung bình khoảng 2 tấn sau khoảng 1 tuần bám biển.

Nhờ cá sọc dưa bán chợ với giá cao, dao động từ 25 - 50 ngàn đ/kg (tùy loại), nên sau khi trừ chi phí trung bình các tàu lãi từ 30 - 50 triệu đồng/chuyến.

Ghi nhận của chúng tôi tại cảng cá Hòn Rớ vào sáng 9/4, một số tàu lưới rê đánh bắt xa bờ cập cảng đánh bắt được sản lượng từ 8 - 10 tấn, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa. Cụ thể, như tàu KH 99876 TS, KH 87179 TS đều ở TP Nha Trang. Nhờ các tàu bán được cá chợ khoảng 50% tổng sản lượng, nên mức lãi trên dưới 100 triệu đồng.

Anh Lê Văn Tiến, thuyền trưởng tàu KH 99876 TS, ở Vĩnh Phước (TP nha Trang) cho biết, tàu anh có công suất 480 CV, với 11 lao động đánh bắt tại tại ngư trường Trường Sa. Chuyến này cập cảng được khoảng 8 tấn cá, doanh thu khoảng 250 triệu đồng, trong khi chi phí mất từ 160 - 170 triệu đồng.

Theo BQL cảng cá Hòn Rớ, các tàu nghề lưới rê trên địa bàn có hướng đi mới, chú trọng chất lượng cá, thay vì số lượng như trước đây. Tức là, trước đây các tàu bám biển kéo dài trên 15 ngày/chuyến, với sản lượng đánh bắt được từ chục tấn cá cho đến 20 tấn cá.

Nhưng do điều kiện các tàu bảo quản không tốt, nên cá bị xây xát, chất lượng thấp và bán giá thấp. Nay chuyến biển của các tàu lưới rê chỉ đi từ 7 - 12 ngày.

Dù sản lượng đánh bắt ít hơn, song nhờ chất lượng cá bảo quản tốt nên bán được “cá chợ” với giá cao hơn. Hơn nữa, các tàu còn chia nhau lai rai vào cảng.

Cụ thể, mỗi ngày chỉ vài lượt tàu cập cảng. Điều này tránh được tình trạng cá vào ồ ạt, sản lượng nhiều, khiến giá cá rớt thấp.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.