| Hotline: 0983.970.780

Trúng độc đắc cũng không bằng!

Thứ Ba 12/08/2014 , 09:17 (GMT+7)

Đó là câu nói thật lòng của NSƯT Ngọc Đáng, tài sắc một thời trong “ngũ nữ hổ tướng” sân khấu cải lương tuồng cổ, giờ đang sống trong khu “nhà mở” dành cho các nghệ sĩ đơn thân lúc tuổi già.

Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP. HCM là khu “nhà mở” dành cho các lão nghệ sĩ - một khu nhà theo tôi là mang tính văn hóa và nhân văn cao nhất ở nước ta bây giờ.

Sau vụ “chùa Bồ Đề”, có lẽ mọi người sẽ có phần e ngại khi phải nói tới những cơ sở nuôi người già hay trẻ em từ thiện. Nhưng một "con sâu” hay “nhiều con sâu” đi nữa, vẫn không thể “làm rầu nồi canh”, khi vẫn có trong cuộc đời những “nồi canh nhân ái” lành sạch, trong trẻo.

Tôi biết, nếu không có Viện dưỡng lão nghệ sĩ này, một số nghệ sĩ đơn thân khi về già sẽ không biết tá túc vào đâu, phải đi bán vé số để kiếm miếng cơm độ nhật. Hay phải hát rong trên đường phố, nếu còn khả năng hát được.

Có Viện dưỡng lão, các cụ nghệ sĩ không phải lo cho tuổi già của mình, kể cả phần hậu sự. Đó là niềm hạnh phúc cho những người già đơn thân, không gia đình, không con cháu.

Nghề nghệ sĩ biểu diễn ngày trước là một nghề nghiệt ngã, dù hào quang của nó cũng rất lấp lánh trong khoảng thời gian nghệ sĩ còn tài năng và son trẻ. Nhưng khi đã qua “ngưỡng” tuổi tác để có thể đứng dưới ánh đèn sân khấu, họ bị “đẩy” vào bóng tối lãng quên một cách khá tàn nhẫn.

Không phải ai đẩy họ, mà chính là cuộc đời, vì thế không cách gì cưỡng lại. Họ đành chấp nhận.

Ngày trước cũng đã có hình thức Viện dưỡng lão như thế này, nhưng khá nhỏ bé và chỉ dung chứa được rất ít lão nghệ sĩ, trong khi số người có nhu cầu được vào ở hẳn trong Viện thì cao hơn rất nhiều.

Bây giờ, cũng chưa thể hết các nghệ sĩ có hoàn cảnh cần được cưu mang giúp đỡ như vậy. Vì thế, Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở TP. HCM trở thành một điểm sáng văn hóa và lòng nhân ái.

Đúng là một khi được vào ở đây, thì như lão nghệ sĩ Ngọc Đáng nói, “có trúng độc đắc cũng không bằng”. Trúng độc đắc được nhiều tiền thật, nhưng không có người thân, không bạn bè, không đồng nghiệp cảm thông và thân thiết, thì “ôm một cục tiền” như thế cũng không thể có hạnh phúc được.

Tôi nghĩ, tùy theo nhu cầu và số lượng các lão nghệ sĩ cần một “mái ấm”, mô hình “Viện dưỡng lão nghệ sĩ” cần được xã hội chung tay mở rộng với chất lượng ngày càng cao hơn.

Những người bình thường yêu nghệ thuật có thể thường xuyên bớt chút thì giờ tới viếng thăm các lão nghệ sĩ, trò chuyện vui vẻ với họ, nghe họ kể chuyện “đời nghệ sĩ”, hay nghe họ hát những tác phẩm “ruột” của mình.

 Với những người đam mê hay có ý định tìm hiểu nghiên cứu nghệ thuật dân tộc, thì “Viện dưỡng lão” đúng là “kho báu” mà họ có thể khai thác từ chính các lão nghệ sĩ. Với cầu nối nghệ thuật, tình người sẽ được nhân lên, làm đẹp thêm, và có thêm ý nghĩa.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.