Hàng trăm hộ dân ở đây sống được cũng nhờ trồng và làm thuê các công việc thu hoạch, sơ chế... măng mạnh tông.
Về Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) những ngày này mới thấy hết không khí tất bật khi bước vào vụ thu măng Mạnh Tông của người dân vùng này. Tre Mạnh Tông là loại tre to, mọc khỏe, măng ngon. Loại này rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của núi rừng, không cần phân bón mà vẫn xanh tốt, cho măng to từ 3 – 5kg.
Nếu như những năm trước vào đầu mùa mưa khoảng tháng 4 đến tháng 5 âm lịch là có măng bán, thì năm nay thời tiết khắc nghiệt khiến măng trễ có hơn so với mọi năm. Chính vì vậy năm nay măng Mạnh Tông bắt đầu có từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch.
Anh Phạm Thanh Tuấn, quê ở Bình Dương xuống đây buôn bán măng Mạnh Tông nhiều năm cho biết: Thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch rộ măng tre Mạnh Tông. Giá bán dao động từ 5.000 – 7.000đ/kg (còn nguyên vỏ). Hàng trăm hộ dân ở đây sống được cũng nhờ trồng và làm thuê các công việc thu hoạch, sơ chế... măng.
“Măng này làm được nhiều món ngon, mang đậm hương vị núi rừng An Giang. Cứ cách hai ngày là tôi chuyển về Bình Dương 10 tấn măng tươi, số còn lại tôi bào ra làm măng chua bán lai rai. Nhờ nghề này mà từ vài năm nay xuống đây lập nghiệp cuộc sống khá lắm” – anh Tuấn vui vẻ nói.
Theo anh Bùi Văn Đen, chủ vựa trái cây Đen – Thảo ở khu vực Lâm Viên – núi Cấm cho biết, khu vực này có 6 điểm thu mua măng Mạnh Tông. Hàng ngày thu mua được trên 60 tấn. Riêng cơ sở anh thu mua 15 tấn măng/ngày. Sau đó anh chuyển đi Bình Dương và các tỉnh lân cận.
Nếu bán trong tỉnh thì anh để nguyên vỏ, còn bán ngoài tỉnh cho công nhân lột vỏ đóng vào bao bì vận chuyển. Măng được lột vỏ bán với giá 15.000đ/kg. Riêng hàng chục công nhân bào măng để làm măng chua bán, khoảng 8 tấn/ngày.
“Năm nay sản lượng và giá cả măng cao hơn mọi năm, khoảng 2.000đ/kg nên người dân phấn khởi. Đây là đặc sản của vùng Bảy Núi. Loại tre này trồng ở đây cho măng có hương vị ngon, ngọt hơn các vùng khác", anh Đen nói. Được biết, hiện cơ sở của anh có 20 người làm thuê, lương mỗi người 5 triệu đồng/tháng, ăn uống anh lo hết.
Theo anh Phan Thanh Tài, Chủ tịch UBND xã An Hảo (huyện Tịnh Biên), ở Núi Cấm có 4 ấp: Vồ Thiên Tuế, Vồ Bồ Hong, Vồ Đầu, Vồ Chư Thần. Hiện có trên 50% số hộ nông dân trồng tre lấy măng. Hộ trồng ít nhất cũng vài ba chục bụi, nhiều nhất đến cả vài ha. Một ha đất rừng có thể trồng xen được 1.000 bụi tre lấy măng.
Sau 2 năm trồng, cây bắt đầu cho măng, bình quân mỗi bụi (trên 4 năm tuổi) cho từ 50 - 80 kg/năm. Tre mạnh tông ngoài việc khai thác lấy măng, nhà vuờn còn bán cây cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc các cửa hàng vật liệu xây dựng rất được giá.
“Đa số những hộ trên núi đều trồng tre lấy măng và các loại cây trái khác kiếm sống. Loại măng này nhanh cho thu hoạch và chăm sóc dễ hơn”, anh Tài nói.
Tiềm năng phát triển trồng tre lấy măng dưới tán ở khu vực núi Cấm còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng triệu tấn măng tươi mỗi năm. Nhưng, điều nông dân lo ngại nhất vẫn là giá cả và thị trường tiêu thụ.