Quân đội Trung Quốc (Ảnh minh họa: Newsweek) |
SCMP đưa tin, trong bối cảnh các nước châu Á đang tăng cường vũ trang, châu Âu muốn bán nhiều trang thiết bị quân sự cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi phải duy trì sự hạn chế chuyển giao công nghệ quân sự cho Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu vũ khí của châu Âu muốn nắm bắt cơ hội và hoạt động trong khuôn khổ giới hạn chính trị, nhưng lại chưa có chiến lược rõ ràng trong việc buôn bán và kiểm soát công nghệ. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong những năm tới, trong bối cảnh các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia, đang muốn cân bằng tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc.
Sự lớn mạnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự cân bằng quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Số liệu không chính thức cho thấy, tổng số ngân sách mà Bắc Kinh chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển quân đội được cho là lớn hơn ngân sách quốc phòng của tất cả các nước Đông Nam Á.
Cơ hội của châu Âu
Sự chênh lệch này là cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Bộ Quốc phòng Australia thông báo sẽ tăng tới 80% mức chi quốc phòng vào năm 2025. Trong khi đó, Nhật Bản thông qua gói ngân sách quốc phòng cao kỷ lục (trị giá 46 tỷ USD) cho tài khóa 2018. Tokyo cũng tính sản xuất tên lửa hành trình và xem xét trang bị tàu sân bay với các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới. Ấn Độ không nằm ngoài xu hướng này, và là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trong giai đoạn 2012-2016, chiếm tới 13% tổng giao dịch vũ khí toàn cầu.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngăn cản sự can thiệp của Mỹ tại khu vực thì các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải tự mình điều chỉnh chiến lược quân sự để đối phó với Trung Quốc. Bằng cách này hay cách khác, các nước này đều không muốn có khoảng cách quá lớn về quân sự với Bắc Kinh.
Các nhà sản xuất vũ khí của châu Âu, đặc biệt là các công ty sản xuất các loại vũ khí không phải thế mạnh của Mỹ, có thể tận dụng cơ hội này. Nhiều tàu ngầm từ châu Âu đã được bán sang Australia, Ấn Độ, Malaysia và Singapore, trong khi việc hợp tác về công nghệ tàu ngầm cũng đã được triển khai giữa Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Anh và Pháp cũng bắt đầu hợp tác với Nhật Bản để phát triển các loại tên lửa không đối không và các vệ tinh do thám.
Việc xuất khẩu vũ khí không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các nhà sản xuất châu Âu mà đây còn là hành động mang nhiều tính chất chính trị. Tuy nhiên, mỗi nước châu Âu lại có chiến lược tiếp cận khác nhau và không có cách thức chung nào cho cả EU. Anh nhìn chung ủng hộ các mục tiêu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Pháp muốn định vị mình là một cường quốc ở Thái Bình Dương với những lợi ích hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế. Đức thì tập trung hợp tác với các nước có cùng hệ tư tưởng như Singapore hay Australia.
Sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, việc tiếp cận công nghệ quân sự châu Âu của Bắc Kinh đã thay đổi trong vòng 5 năm qua. Bắc Kinh từng tha thiết mong muốn châu Âu dỡ bỏ cấm vận vũ khí, vốn được áp dụng kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên giờ đây, với những tiến bộ đáng kể trong ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, vận động dỡ bỏ cấm vận không còn là nhu cầu bức thiết của nước này. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Bắc Kinh là làm chủ được các công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện để sáng tạo và dẫn đầu các thế hệ vũ khí mới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh “công nghệ là năng lực chiến đấu cốt lõi” mà Bắc Kinh cần ghi nhớ.
Trong hoàn cảnh này, việc châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc các bộ phận và thành phần riêng rẽ của các loại vũ khí không vi phạm lệnh cấm vận. Trên thực thế, hoạt động này còn mang lại cho EU nguồn thu lên tới gần 374 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển hiện nay của quân đội Trung Quốc, việc xuất khẩu như vậy đã lỗi thời. Thay vào đó, việc chuyển giao công nghệ, hợp tác và đầu tư vào các công ty công nghệ cao mới thực sự đóng vai trò quan trọng.
Châu Âu không phải một bên trung gian đối với các vấn đề tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu cũng tránh cam kết các mục tiêu chiến lược rõ ràng về chuyển giao vũ khí. Mục tiêu của châu Âu đối với Trung Quốc dường như tập trung vào việc tái cân bằng quan hệ thương mại và đầu tư song phương cũng như thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, có ý nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ các công nghệ của châu Âu trước sự dòm ngó của các nước khác.