| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc công bố kết quả điều tra dân số sau vài lần trì hoãn

Thứ Ba 11/05/2021 , 10:21 (GMT+7)

Trung Quốc đã chính thức công bố kết quả tổng điều tra dân số từ năm ngoái là 1,412 tỷ người, sau vài lần trì hoãn vì nhiều vấn đề nhạy cảm.

Mặc dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách dân số từ năm 2015 nhưng có báo cáo cho rằng tỷ lệ sinh tại nước này đã sụt giảm hơn 2 triệu ca vào năm 2020. Ảnh: Finacial Times

Mặc dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách dân số từ năm 2015 nhưng có báo cáo cho rằng tỷ lệ sinh tại nước này đã sụt giảm hơn 2 triệu ca vào năm 2020. Ảnh: Finacial Times

Theo đó, cuộc tổng điều tra dân số lần thứ bảy của Trung Quốc đã được hoàn thành vào đầu tháng 12/2020 nhưng mãi đến tháng 3/2021, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) mới cho biết, kết quả cuộc tổng điều tra dân số sẽ được công bố vào đầu tháng 4.

Tuy nhiên vào ngày 16/4, NBS đã thông báo rằng “để cung cấp các thông tin chi tiết, cần có thêm sự chuẩn bị”. Rồi sau đó đến ngày 29/4, NBS lại ra thông báo ngắn gọn với nội dung: “Vào năm 2020, dân số Trung Quốc tiếp tục tăng và dữ liệu cụ thể sẽ được công bố trong Bản tin điều tra dân số quốc gia lần thứ 7”.

Việc liên tục trì hoãn công bố kết quả cuộc tổng điều tra dân số khiến các chuyên gia phân tích hoài nghi về số liệu thực tế có thể không đúng với báo cáo của giới chức Bắc Kinh.

Điều này là do quốc gia đông dân số nhất thế giới lo mất vị thế vào tay Ấn Độ, bởi tỷ lệ sinh ở nhiều địa phương đã giảm 10 -30% cùng với số người chết trong đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu 1,4 tỷ dân vào năm 2020 theo như dự kiến ​​trong Kế hoạch phát triển dân số quốc gia 2016- 2030.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm nay dẫn số liệu chính thức từ NBS cho biết, dân số Trung Quốc đại lục đã tăng vào năm ngoái, lên 1,412 tỷ người so với mức 1,400 tỷ người một năm trước đó. Dự kiến Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc sẽ chính thức con số này tại một cuộc họp báo sắp diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh.

Vào cuối tháng trước, NBS đã bác số liệu của tờ Financial Times cho rằng dân số của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm vào năm ngoái, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1961- điều được cho là phản ánh tính nhạy cảm chính trị của vấn đề.

Kết quả tổng điều tra dân số lần thứ bảy tại Trung Quốc vừa được công bố sau nhiều lần trì hoãn. Đồ họa: Global Times

Kết quả tổng điều tra dân số lần thứ bảy tại Trung Quốc vừa được công bố sau nhiều lần trì hoãn. Đồ họa: Global Times

Tuy nhiên các nhà nhân khẩu học vẫn tin rằng, dân số Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới có thể gây thêm áp lực giảm đối với tăng trưởng kinh tế, sau khi tăng lên mốc 1,4 tỷ người vào năm 2019 từ 1,39 tỷ người một năm trước đó.

Bắc Kinh đã thực thi chính sách một con nhằm giới hạn sinh đẻ nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số kể từ năm 1980, tuy nhiên bất chấp chính sách nới lỏng sinh đẻ từ năm 2015, nước này đã chứng kiến sự sụt giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp cùng với tình trạng già hóa dân số nhanh là những mối nguy lớn nhất đối với tương lai đất nước. 

Giới phân tích nhận định, dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh và giảm theo xu hướng ở Hàn Quốc, Nhật Bản và các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á. Tuy nhiên sự suy giảm của Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu ngay từ trước khi nó đạt đến mức thu nhập của các nước trên do dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp.

Các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong một báo cáo vào tháng 3 cho rằng, để ngăn chặn tình trạng thiếu lao động chính phủ cần phải có chính sách mới như giảm giá, phí nuôi dạy trẻ em.

Theo số liệu của chính phủ, dân số lao động tiềm năng ở độ tuổi từ 15 đến 59 của Trung Quốc đã giảm so với mức cao nhất năm 2011 là 925 triệu người. Bộ Nhân lực và An sinh xã hội cho biết vào năm 2016 rằng, nhóm này có thể giảm xuống chỉ còn 700 triệu vào năm 2050.

“Nếu dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh, điều đó có thể không thay đổi nhiều về triển vọng trong thập kỷ này, nhưng nó có thể có những tác động kinh tế lớn hơn nữa ở phía trước”, Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, cho biết trong một báo cáo.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đạt 8,4% trong năm nay sau sự phục hồi từ đại dịch Covid-19. Và Trung Quốc vẫn đang trên đà vượt qua Ấn Độ trước năm 2025 để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên với mô hình nhân khẩu học hiện nay thì dự báo, đến năm 2035 khoảng cách lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ nhiều hơn Trung Quốc khoảng 120 triệu người, và tiếp tục sẽ tăng lên 270 triệu lao động vào năm 2050.

(SCMP; Financial Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.