Các nhà khí tượng học cho biết đây có thể là kết quả của một cơn bão sắp xảy ra trên Biển Đông, do địa hình phức tạp của khu vực, cùng với các yếu tố khác.
Tổng cục khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết, hoàn lưu khí quyển ổn định đã góp phần gây ra lượng mưa kéo dài ở các khu vực miền Trung và phía Tây của Hà Nam.
Sự ổn định của Áp cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương trên biển Nhật Bản và áp cao lục địa ở khu vực phía Tây Bắc Trung Quốc, khiến hệ thống thời tiết áp thấp giữa hai vùng áp cao này đứng nguyên và khó có thể di chuyển trong khu vực Hoàng Hoài của Trung Quốc, CMA giải thích.
Các nhà khí tượng học của CMA lưu ý rằng cơn bão In-Fa, hình thành vào ngày 18/7 và tiến đến khu vực Biển Đông giáp với tỉnh Phúc Kiến, cũng gây ra một số ảnh hưởng đến tỉnh Hà Nam ngay cả khi đang ở xa. Lý do là cơn bão này cung cấp nguồn hơi nước dồi dào tạo ra lượng mưa kéo dài ở Hà Nam, ngay cả trước khi nó đổ bộ vào khu vực.
Thời báo Hoàn cầu đưa tin từ Trung tâm Dự báo Môi trường Biển Quốc gia (NMEFC), trực thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc, vào sáng 21/7 rằng bão In-Fa có khả năng đổ bộ khu vực Biển Đông giáp với các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, vào sáng 25/7.
Và do ảnh hưởng của cơn bão, khu vực Biển Đông đã xuất hiện những đợt sóng cao từ 6-10 mét, khiến NMEFC phải bật cảnh báo màu cam về sóng và cảnh báo màu xanh về nước dâng do bão vào chiều ngày 21/7.
Cảnh quan độc đáo do sự kết hợp địa hình của núi Taihang và núi Funiu trong tỉnh Hà Nam đã khiến lượng mưa lớn duy trì ổn định trong khu vực và đọng lại ở các vùng gần núi, Trung tâm NMEFC nói.
Giống như khi một đoàn tàu có nhiều khoang đi qua, các dòng đối lưu nhỏ và vừa "mang theo mưa bão" di chuyển dọc theo tuyến đường bao quanh Trịnh Châu, dẫn đến mưa bão khá nghiêm trọng và kéo dài ở thủ phủ Hà Nam, thậm chí có lượng mưa cực lớn ở một số vùng.
Theo Tổng cục khí tượng Trung Quốc, CMA đã bắt đầu ứng phó khẩn cấp với những thảm họa thời tiết khắc nghiệt như vậy ngay từ ngày 16/7 và các nhà chức trách khí tượng của tỉnh Hà Nam đã đưa ra 1.427 cảnh báo sớm và 162 cảnh báo đỏ về mưa bão kể từ ngày 17/7.
Tổng cộng 120 triệu tin nhắn tức thì chứa cảnh báo thời tiết khắc nghiệt như vậy đã được gửi đến người dân địa phương và khoảng 540.000 cảnh báo tương tự được gửi đến nhân viên ứng cứu khẩn cấp địa phương, CMA cho biết trong tuyên bố.
Theo dự báo của CMA, lượng mưa sẽ giảm bớt bắt đầu từ hôm nay, thứ Năm ngày 22/7.
Chen Tao, phụ trách dự báo của Tổng cục Khí tượng Trung Quốc CMA, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 21/7 rằng vấn đề phổ biến mà cộng đồng khoa học toàn cầu phải đối mặt vẫn là làm sao để dự đoán hiệu quả tình hình thời tiết khắc nghiệt, khi có nhiều cơ chế phát triển thời tiết vừa và nhỏ đồng thời xảy ra.
Ông cho rằng dự báo về mưa bão cực lớn, nhiệt độ cực cao, đường đi và cường độ của siêu bão cần cả thế giới cùng giải quyết. Cơ chế khoa học của những sự kiện cực đoan như vậy rất phức tạp. Hiện nay, các quy luật khoa học về sự xuất hiện, phát triển và diễn biến thời tiết vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Đây là vấn đề mà giới khoa học khí quyển đã nỗ lực trong một thời gian dài để khắc phục.