"Sở Thương mại Quảng Tây cam kết hợp tác, thúc đẩy thương mại của những nông sản Việt Nam như thạch đen của Lạng Sơn", ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây phát biểu trong Hội nghị trực tuyến xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ Thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021 sáng 25/9.
Theo ông Điêu, người dân Trung Quốc đã sử dụng thạch đen như một món ăn thanh nhiệt, giải độc từ hàng nghìn năm nay. Đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe, và còn được sử dụng như một loại dược liệu , giúp hạ cholesterol trong máu, chống lão hóa, hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp cao.
Có nhiều lợi ích nhưng thạch đen ở Trung Quốc hiện bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng chế biến không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Đây là lý do khiến ông Điêu tin tưởng, Quảng Tây và Lạng Sơn có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển.
"Thạch đen Lạng Sơn là nguồn nguyên liệu chất lượng cao, có triển vọng thị trường tốt để chế biến nhiều sản phẩm chất lượng. Chúng tôi hứa xây dựng bộ quy chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp phía Việt Nam về thủ tục xuất khẩu, đồng thời mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho thạch đen được lưu thông suốt, trên cơ sở đảm bảo được kiểm dịch thực vật", ông Điêu Vệ Hồng nhận xét.
Trên cơ sở hợp tác thương mại thạch đen với Lạng Sơn, ngành thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sẽ định hướng để một số doanh nghiệp liên kết, triển khai xây dựng cơ sở chế biến thạch đen ngay tại Lạng Sơn, với công suất ước khoảng hàng nghìn tấn.
Chung quan điểm với ông Điêu Vệ Hồng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Nam Ninh - Đỗ Nam Trung - cam kết liên hệ chặt chẽ với Quảng Tây, giúp thúc đẩy nhập khẩu thạch đen từ Lạng Sơn. Ông Trung cũng đề xuất với UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp sản xuất thạch đen.
Ghi nhận những phản hồi từ phía Trung Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu bày tỏ mong muốn, doanh nghiệp hai nước đến tỉnh khảo sát, nghiên cứu xây dựng nhà máy để hình thành chuỗi khép kín, nâng cao giá trị gia tăng.
"Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phát triển cả thị trường thạch đen trong nước, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm vào nhà hàng, các chuỗi siêu thị cao cấp. Tỉnh sẽ phối hợp với các công ty dược liệu, công ty chế biến uy tín để đẩy mạnh giá trị thương phẩm cho thạch đen", ông Thiệu cho biết.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Lạng Sơn, diện tích trồng thạch đen của tỉnh lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng giúp bà con vùng biên giới tăng thu nhập, giảm nghèo, đồng thời là xu hướng ưu tiên trong phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng thạch đen của tỉnh khoảng 60.000 tấn.
Theo ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, nơi trồng thạch đen nhiều nhất Lạng Sơn, diện tích trồng thạch đen của huyện năm 2021 là 2.100 ha, sản lượng dự kiến 11.200 tấn. Huyện đã được cấp 101 mã vùng trồng, với diện tích khoảng hơn 505 ha. Trong đó, riêng năm 2021, 95 mã số vùng trồng được cấp, với diện tích hơn 453 ha.