| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc lo đối phó khủng hoảng thiếu rau củ

Chủ Nhật 31/10/2021 , 10:26 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc yêu cầu chính quyền các địa phương phải đảm bảo nguồn cung sản xuất ổn định và không để giá leo thang từ nay đến cuối năm.

Nhiệm vụ quan trọng

Theo đó, ngành nông nghiệp Trung Quốc coi việc đảm bảo nguồn cung rau củ là nhiệm vụ chính trước mắt, đặc biệt là trong dịp tết sắp tới và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Nhân viên siêu thị ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang) bên kệ rau bắp cải trước thời điểm giá rau tăng phi mã ở Trung Quốc. Ảnh: THX

Nhân viên siêu thị ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang) bên kệ rau bắp cải trước thời điểm giá rau tăng phi mã ở Trung Quốc. Ảnh: THX

Từ cuối tháng 9, hàng loạt các biến cố như thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu vào sản xuất và vận chuyển tăng cao, dịch bệnh và tình trạng cúp điện trên diện rộng đã đẩy giá các loại rau tại thị trường trong nước tăng chóng mặt, trái ngược hoàn toàn với giá thịt lợn.

Nhằm đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định, tại cuộc họp khẩn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc yêu cầu các chính quyền địa phương trên cả nước điều phối và điều chỉnh các khâu sản xuất, lưu thông và tiêu thụ để đảm bảo ổn định giá cả, nhất là ở các thành phố lớn.

Bộ cũng yêu cầu xây dựng các kế hoạch khẩn cấp để phòng chống thiên tai và sụt giảm sản lượng rau trong thời gian sớm nhất. Các chuyên gia bảo vệ thực vật cũng đồng thời cảnh báo, hiện tượng thời tiết thay đổi và hiện tượng La Nina sắp tới diễn biến phức tạp, có thể sẽ gây ra tình trạng lạnh giá khắc nghiệt hơn so với các mùa đông mọi năm.

Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc cũng ban hành chính sách “luồng kênh xanh” trong vận chuyển nông sản tươi sống sẽ được thực hiện và phối hợp đồng bộ hơn nữa để nâng cao hiệu quả hoạt động vận chuyển và phân phối rau củ quả.

“Nguyên nhân giá rau xanh tăng mạnh được giải thích là do nguồn cung thắt chặt trong thời gian gần đây đã tác động đến một số thị trường đầu mối. Một thương nhân kinh doanh rau xanh tại chợ đầu mối Tân Địa Phát ở thủ đô Bắc Kinh, chợ bán buôn nông sản lớn nhất ở châu Á, nói với báo chí rằng nguồn cung rau hàng ngày hiện nay ở đây là khoảng 15.000 tấn, thấp hơn 3.000 tấn so với thời điểm trước đại dịch”, tờ China Economic Weekly đưa tin hôm 30/10.

Hiện giá hành lá bán buôn tại một số chợ ở Bắc Kinh tiếp tục ở mức 7,4 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 26,5 ngàn đồng), tăng hơn gấp đôi so với mức 3 nhân dân tệ cách nay hai tháng.

Các chuyên gia cho biết, mưa lũ ở một số khu vực miền Bắc Trung Quốc cùng với một yếu tố quan trọng khác là  giá xăng và dầu diesel tăng mạnh gần đây cũng khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao.

Bà Hong Tao, Giám đốc Viện Kinh tế tại Đại học Công nghệ và Kinh doanh Bắc Kinh nói: Mùa thu vẫn thường là mùa xuất hiện tình trạng thiếu hụt rau xanh tương đối, tuy nhiên sự thiếu hụt năm nay càng trở nên trầm trọng hơn do sự phục hồi tiêu dùng. Bà Hong dự báo, tình trạng tăng giá rau sẽ không kéo dài lâu khi chính phủ có sự hỗ trợ về chính sách và mở rộng nguồn cung, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất thêm nhiều loại rau nhà kính để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngành nông nghiệp trước nhiều rủi ro 

Lượng mưa lớn xảy ra vừa qua ở các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc, Thiểm Tây và Sơn Đông- những vùng sản xuất lương thực và rau củ quả chính của quốc gia đông dân số nhất thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường. Ngoài ra, việc tăng giá hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu càng làm tăng chi phí sản xuất rau và tác động thẳng vào giá bán lẻ.

Người tiêu dùng chọn mua rau củ tại siêu thị ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ảnh: CND

Người tiêu dùng chọn mua rau củ tại siêu thị ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ảnh: CND

Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, một số người cho rằng khi bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới, sự thiếu hụt nguồn cung rau sẽ sớm được hóa giải và giá rau sẽ giảm theo.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý rằng tình hình thực tế hiện nay đã rất khác, khi kết hợp cả các hiện tượng thời tiết cực đoan và giá cả vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp đều tăng cao, và dự báo sẽ còn kéo dài và gối lên nhau như ngầm xác định một đặc điểm “bình thường mới” mà người nông dân sẽ phải sống chung.

Ngoài ra, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon cũng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn luôn là khu vực tiêu thụ lớn tài nguyên và năng lượng.

Những thay đổi này có nghĩa là cơ sở hạ tầng nông nghiệp của đất nước phần lớn được xây dựng từ trước khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên quá thường xuyên và việc cắt giảm phát thải đã trở thành điều bắt buộc trở nên lỗi thời. Do vậy, các cơ quan quản lý nông nghiệp cần rút ra bài học từ việc giá rau tăng phi mã hiện nay và đề phòng tác động của biến đổi khí hậu lên giá lương thực.

Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và khâu giống, đồng thời giảm thuế và phí cho các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu và màng phủ nông nghiệp để giúp nông dân nâng cao khả năng chống chọi với tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và lạm phát. Những yếu tố đầu vào này liên quan trực tiếp đến an ninh lương thực quốc gia, sinh kế của người dân, và cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong danh mục những việc cần làm của chính phủ.

"Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp cũng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ngành nông nghiệp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ nông dân địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp càng sớm càng tốt thông qua việc cung cấp cho họ các khoản trợ cấp và tư liệu sản xuất thiết yếu khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra. Nếu không, cả nước có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả kéo dài của thiên tai”, tờ Chinadaily dẫn lời các chuyên gia.

(Global Times; Chinadaily)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.