| Hotline: 0983.970.780

Ngày đầu Trung Quốc nới lỏng chống dịch: Làn sóng hồi hương, thông thương nhộn nhịp

Chủ Nhật 08/01/2023 , 17:56 (GMT+7)

Các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh của Lạng Sơn thông thương nhộn nhịp hơn sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ sáng 8/1.

Empty

Dòng người Trung Quốc xếp hàng chờ hồi hương tại cổng xuất cảnh của cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị bắt đầu cho phép người Trung Quốc tại Việt Nam xuất cảnh về nước, cùng với đó là thay đổi trong thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại đây và cửa khẩu Tân Thanh.

Hiện nay Trung Quốc mới chỉ cho phép công dân Việt Nam và Trung Quốc xuất, nhập cảnh qua lại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), còn đối với công dân nước thứ ba nhập cảnh vào Trung Quốc tạm thời chưa có chính sách điều chỉnh (chưa thể nhập cảnh Trung Quốc).

Tăng cường hỗ trợ thông quan

Theo Trung tâm Quản lý cửa khẩu (Quan Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn), hiện nay phía Trung Quốc chưa hoàn thiện hệ thống trang thiết bị và công tác chuẩn bị nên chưa thể khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh qua cổng cửa khẩu khu vực Mốc 1090 từ ngày 8/1.

Do vậy, trước mắt hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ thực hiện song song 2 phương thức giao nhận hàng hoá. Thứ nhất, phương thức sử dụng đầu kéo chuyên trách và lái xe chuyên trách của Công ty Cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên.

Thứ hai, các phương tiện qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể xuất nhập cảnh trực tiếp và lái xe, người đi cùng xe qua biên giới của hai bên được điều khiển phương tiện chở hàng hoá vào thẳng bến bãi của nước đối diện để giao nhận hàng hóa.

Cơ quan chức năng hai bên khuyến khích doanh nghiệp hai bên áp dụng phương thức “xe hàng sang - xe hàng về” (tận dụng các phương tiện đã giao xong hàng để nhận hàng xuất khẩu của nước đối diện).

Trường hợp các lái xe và người đi cùng không giao được hàng hoá trong ngày mà phải để lại phương tiện bên phía Trung Quốc thì đến cuối ngày phía Trung Quốc sẽ bố trí phương tiện để đưa lái xe về khu vực Km0 đường chuyên dụng vận tải hàng hoá để làm thủ tục nhập cảnh. Ngày hôm sau, phía Trung Quốc sẽ bố trí phương tiện đón tại địa điểm nêu trên (chi phí lái xe chi trả).

Ngoài ra, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức không thể thực hiện kịp các thủ tục để xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu thì có thể thuê dịch vụ của Công ty Cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên.

Empty

Việc khai báo bằng giấy được triển khai tại cửa khẩu Tân Thanh để giải quyết khó khăn trước mắt về kỹ thuật trong khai báo y tế trên phần mềm của Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo quy định, lái xe và người đi cùng, trước khi nhập cảnh vào Trung Quốc cần phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR âm tính trong vòng 48 giờ và điền kết quả xét nghiệm vào Phiếu khai báo sức khỏe theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc. Cá nhân tự khai, tự chịu trách nhiệm về thông tin khai báo.

Thuận lợi trước mắt của phương án này là các lái xe đường dài cũng có thể chủ động được thủ tục để đưa xe hàng sang Trung Quốc rồi quay về, không phụ thuộc vào lực lượng lái xe chuyên trách như trước đây. Bên cạnh đó, người qua lại biên giới cũng không cần mặc đồ bảo hộ toàn thân mà chỉ cần đeo khẩu trang chuẩn N95.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam sáng 8/1 tại khu vực xuất nhập khẩu của cửa khẩu Tân Thanh, việc khai báo y tế trên phần mềm của Trung Quốc khiến một số lái xe gặp khó khăn.

Nguyên nhân được cho là do hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh của lái xe cũng như hạ tầng mạng tại khu vực cửa khẩu còn hạn chế, sóng 4G không đủ mạnh để nhập ảnh.

Để giải quyết vấn đề này, ngay trong sáng 8/1, các lực lượng chức năng như Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hải quan tỉnh đã có mặt tại cửa khẩu để đưa ra các phương án hỗ trợ.

Empty

Các xe hàng của Việt Nam được phun khử khuẩn trước khi tiến sang phía Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn cho biết: "Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thông quan sau khi có thay đổi từ phía Trung Quốc, chúng tôi đã bố trí cán bộ trực tại khu vực cửa khẩu, giúp các tài xế khai báo y tế cũng như đang phối hợp với các lực lượng bổ sung hạ tầng mạng internet cho khu vực này".

Trước mắt, để giải quyết nhanh vấn đề phát sinh trong sáng 8/1, ông Lê Văn Thắng nói phía Ban đã trao đổi với chính quyền Bằng Tường để thực hiện khai báo trên giấy, giảm thời gian chờ đợi trong khi đang khắc phục khó khăn về mạng internet.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác hội đàm, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất về xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu hàng hóa, gỡ bỏ các điều kiện về xét nghiệm; kéo dài thời gian làm việc tại các cửa khẩu, sớm khôi phục lại hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Tân Thanh mốc 1090 trong thời gian sớm nhất". Bên cạnh đó, Lạng Sơn và phía Bằng Tường sẽ nghiên cứu, khôi phục lại các cửa khẩu phụ khác khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện để nâng cao năng lực thông quan thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, góp phần nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).

Empty

Người Trung Quốc phấn khởi hồi hương sau khi chính quyền nước này có thay đổi về chính sách chống dịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Chờ đợi 3 năm để hồi hương

Trong gần 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc Trung Quốc thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh để phòng dịch khiến nhiều công dân nước này sang làm việc tại Việt Nam gần 3 năm  qua chưa thể trở về nước. Vì vậy khi có thông tin hoạt động xuất nhập cảnh đã được khôi phục trở lại, ngay trong sáng 8/1, rất nhiều công dân Trung Quốc đến làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Ông Thịnh Bình Siêu, người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc sang làm việc tại khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai gần 3 năm qua chia sẻ: “Tôi chờ gần 3 năm rồi bây giờ mới được về Trung Quốc. Mặc dù mới ngày đầu tiên hoạt động xuất nhập cảnh khôi phục trở lại nhưng tôi thấy thủ tục xuất cảnh tại Việt Nam rất dễ dàng, thuận tiện, cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình".

Thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: "Ngay từ 5h30 sáng 8/1 đã có hơn 1.000 công dân Trung Quốc có mặt tại cửa khẩu để chờ làm thủ tục về nước. Từ thời điểm đó, lực lượng bộ đội biên phòng đã triển khai tại các vị trí trọng điểm, hướng dẫn khách xuất cảnh người Trung Quốc vào khu vực làm thủ tục. Đồng thời tăng cường nhân lực để giải quyết thủ tục cho khách một cách nhanh nhất".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vi Nhân Đạo, Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho biết: "Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực hiện hội đàm với các cơ quan chức năng của Quảng Tây, Trung Quốc để thống nhất các phương án triển khai khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, cũng như khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động họp, bàn và thống nhất với các lực lượng tại cửa khẩu nên việc triển khai nên công việc ngay trong ngày 8/1 diễn ra rất thuận lợi".

Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh đã được khôi phục trở lại bình thường, nhưng vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục trao đổi để tháo gỡ. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác hội đàm, trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc để “nới lỏng” hơn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ví dụ như, thay đổi phương thức xét nghiệm, kéo dài thời hạn giá trị xét nghiệm, khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh đối với các thương nhân, cư dân biên giới, khôi phục hoặc kéo dài thời gian làm việc tại các cửa khẩu và khôi phục lại hoạt động tại các cửa khẩu phụ khác khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện để nâng cao năng lực thông quan.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.