| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc nhập khẩu trái cây mỗi năm trên 14 tỷ USD từ những nước nào?

Thứ Năm 02/06/2022 , 17:03 (GMT+7)

Mặc dù có nhiều mặt hàng trái cây có thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ đứng ở vị trí thứ 3 (sau Thái Lan và Chile).

Việt Nam có nhiều mặt hàng trái cây có thế mạnh xuất khẩu

Sáng 2/6, Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các hiệp định EVFTA và RCEP được Văn phòng SPS tổ chức tại Lâm Đồng.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2021 thương mại nông sản nước này đạt 304 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 84,3 tỷ USD, nhập khẩu gần 220 tỷ USD, nhập siêu ở mức 135,5 tỷ USD (tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước).

Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các hiệp định EVFTA và RCEP được Văn phòng SPS tổ chức tại Lâm Đồng sáng 2/6. Ảnh: Minh Hậu.

Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các hiệp định EVFTA và RCEP được Văn phòng SPS tổ chức tại Lâm Đồng sáng 2/6. Ảnh: Minh Hậu.

Trong nhóm hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, có 7 nhóm mặt hàng với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên đến trên 10 tỷ USD, như thủy sản (14,4 tỷ USD), trái cây (15,2 tỷ USD), sữa và sản phẩm sữa (13,8 tỷ USD), thịt các loại (32,1 tỷ USD), dầu ăn (12,7 tỷ USD), ngũ cốc (gạo, ngô, lúa mạch, 20 tỷ USD), đậu nành (53,5 tỷ USD).

“Việt Nam có nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như các loại trái cây nhiệt đới, thủy sản, gạo và nhiều sản phẩm nông sản khác. Không ít sản phẩm nằm trong tốp đầu trong phân khúc hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc”, ông Lai nói.

Theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021 - 2030, năm 2020 tổng diện tích trồng trái cây lâu năm của Trung Quốc khoảng 12,5 triệu ha, với các loại trái cây chủ yếu như táo, cam, quýt, lê, nho..., ngoài ra, diện tích vườn trồng trái cây ngắn ngày (dưa hấu, dưa lê,...) ước khoảng 2,2 triệu ha, tổng sản lượng trái cây ước đạt 279 triệu tấn.

Lượng tiêu thụ trái cây của Trung Quốc ước khoảng 270 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trái cây tươi (tiêu dùng trực tiếp) khoảng 126 triệu tấn và tiêu thụ trái cây qua chế biến (nước trái cây...) khoảng 35,8 triệu tấn.

Ở chiều nhập khẩu, trái cây và sản phẩm trái cây nhập khẩu năm 2021 của Trung Quốc lên đến 7,4 triệu tấn, với giá trị khoảng 14,2 tỷ USD (tăng 31,5% so với năm 2020).

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tập huấn, tham quan mô hình rau thủy canh xuất khẩu của Công ty Trang trại Trường Phúc (tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tập huấn, tham quan mô hình rau thủy canh xuất khẩu của Công ty Trang trại Trường Phúc (tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Về đối tác xuất khẩu chính, 10 nước xuất khẩu trái cây và sản phẩm trái cây nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc (theo tỷ trọng kim ngạch giảm dần): là Thái Lan, Chile, Việt Nam, Philippines, New Zealand, Peru, Úc, Nam Phi, Indonesia và Campuchia. Kim ngạch xuất khẩu của 10 nước này chiếm hơn 89% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây của Trung Quốc.

Các loại trái cây nhập khẩu nhiều nhất là sầu riêng, cherry, chuối, măng cụt, nhãn, nho, thanh long. Giá trị của 7 loại trái cây trên chiếm gần 70% (9,7 tỷ USD) tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trái cây của Trung Quốc.

Quý I/2022, xuất khẩu trái cây, sản phẩm trái cây sang Trung Quốc đạt 461 triệu USD

Ông Nông Đức Lai cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu trái cây lớn thứ 3 vào thị trường Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 7,15% thị phần giá trị nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây của Trung Quốc. Quý I/2022 giá trị xuất khẩu đạt 461 triệu USD, tăng 73,7%, chiếm gần 10,4% thị phần.

Đối với 9 loại trái cây Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai cho biết, diện tích trồng vải của Trung Quốc hiện nay khoảng 530 nghìn ha, giảm nhẹ so với vài năm trước đây, sản lượng đạt từ 2,5 triệu - 2,8 triệu tấn, trong đó diện tích trồng của 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây chiếm 88,5%. Tuy nhiên, do thời vụ thu hoạch trái vải có sự chênh lệch nên hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khẩu vải, chủ yếu từ Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc có diện tích trồng nhãn lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 50% diện tích), tuy nhiên hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khẩu nhãn từ nhiều nước, chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan. Năm 2021, nước này nhập khẩu 469 nghìn tấn nhãn, giá trị nhập khẩu đạt 705 triệu USD.

Chuối cũng là mặt hàng được thị trường 1,4 tỷ dân ưa chuộng. "Cây chuối tại Trung Quốc có tổng diện tích trồng khoảng 330 nghìn ha, nhiều nhất là Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam. Sản lượng chuối tiêu khoảng 10-11 triệu tấn/năm”, ông Nông Đức Lai cho hay.

Chuối tươi Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Chuối tươi Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 1,86 triệu tấn, kim ngạch là 1,03 tỷ USD, nhập khẩu chủ yếu từ các nước Philippines, Campuchia, Việt Nam, Ecuador. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam 354 nghìn tấn, giá trị 160 triệu USD.

Dưa hấu cũng là một trong những loại trái cây hút hàng tại Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu ngành nghề Hoa Kinh, diện tích trồng dưa hấu của nước này trong mấy năm nay duy trì ở mức hơn 1,5 triệu ha, sản lượng đạt từ 60-63 triệu tấn/năm. Lượng tiêu thụ hàng năm từ 61-63 triệu tấn.

Từ năm 2013 - 2019, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu dưa hấu đạt trên 200 nghìn tấn, năm 2020 - 2021 khối lượng nhập khẩu giảm, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 60.000 tấn.

Không thể không kể đến trái thanh long. Diện tích trồng thanh long của Trung Quốc tăng lên trong vài năm gần đây, đến năm 2020 tổng diện tích trồng cây thanh long của Trung Quốc lên hơn 35,5 nghìn ha, riêng diện tích tại 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông chiếm trên 50%. Tiêu thụ thanh long của Trung Quốc tăng hàng năm, dự báo năm 2021 lên đến 2 triệu tấn.

Về nhập khẩu, theo số liệu Hải quan Trung Quốc, năm 2021 nước này nhập khẩu thanh long tươi (HS: 08109080) đạt 587,6 nghìn tấn với giá trị đạt 526 triệu USD, hầu hết nhập khẩu từ Việt Nam.

Đối với chôm chôm, trong 2 năm qua nhập khẩu trái chôm chôm của Trung Quốc giảm mạnh, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan.

Tiêu thụ thanh long của Trung Quốc tăng hàng năm.

Tiêu thụ thanh long của Trung Quốc tăng hàng năm.

Theo ông Nông Đức Lai, Trung Quốc cũng là một trong những nước quốc gia có diện tích và sản lượng xoài lớn nhất thế giới, đến năm 2020 tổng diện tích trồng xoài lên gần 349 nghìn ha, sản lượng đạt 3,3 triệu tấn. Do khí hậu các vùng khác nhau nên thời vụ thu hoạch xoài tại Trung Quốc cũng khác nhau, từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm.

Gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc xuất khẩu xoài (xoài tươi, và khô, mã HS: 08045020) nhiều hơn nhập khẩu (chỉ riêng năm 2020 nhập khẩu cao hơn với khối lượng 84 nghìn tấn, giá trị 76 triệu USD, trong đó Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 80% khối lượng và 66% kim ngạch).

Ngoài ra, năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu măng cụt gần 250 nghìn tấn với kim ngạch đạt 769 triệu USD, Thái Lan chiếm 90% giá trị.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh chia sẻ, do đặc tính của cây cà phê đòi hỏi phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu nên Trung Quốc chủ yếu sản xuất cà phê tại tỉnh Vân Nam, chiếm trên 95% diện tích trồng và sản lượng cà phê của Trung Quốc.

Thị hiếu tiêu dùng cà phê của Trung Quốc tập trung vào 3 loại: cà phê hòa tan (trên 70%), cà phê pha tại chỗ (gần 20% và đang tăng lên hàng năm), còn lại là cà phê uống liền (10%).

Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ, giá trị 45 triệu USD. Ảnh: Hoàng Anh Khanh.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ, giá trị 45 triệu USD. Ảnh: Hoàng Anh Khanh.

Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cà phê và sản phẩm từ cà phê đạt 166 nghìn tấn, với kim ngạch đạt 836 triệu USD, tăng lần lượt là 49,8% và 53,5%.

10 nước xuất khẩu cà phê hàng đầu vào Trung Quốc gồm (thứ tự từ cao đến thấp): Malaysia, Việt Nam (125 triệu USD, chiếm 15%), Nhật Bản, Guatemala, Colombia, Ethiopia, Brazil, Ý, Thụy Sỹ, Indonesia. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ, giá trị 45 triệu USD.

Một mặt hàng nông sản Trung Quốc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu là hạt điều. Tại Trung Quốc, điều được trồng chủ yếu tại đảo Hải Nam và rải rác tại một số địa phương như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến, tuy nhiên do điều kiện khí hậu nên không thể phát triển mạnh loại cây trồng này, sản lượng điều rất thấp. Tuy nhiên, hạt điều của ta xuất khẩu sang Trung Quốc lại bị cảnh báo do có những tiêu chuẩn ATTP vượt quá ngưỡng cho phép.

Ông Nông Đức Lai lưu ý, khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu đối với hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu và tuân thủ các quy định, yêu cầu đó (tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc).

Doanh nghiệp cần có bộ phận hoặc đội ngũ cán bộ chuyên trách về thị trường và am hiểu ngoại ngữ của thị trường đó.

Đồng thời phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản  đông lạnh.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.