Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của chính phủ Nhật Bản về việc các nhà máy điện hạt nhân của nước này xả nước thải có chứa hàm lượng tritium cao hơn so với hàm lượng trong nước phóng xạ mà Nhật Bản dự định xả ra ngoài đại dương.
Ngày 5/7, Cơ quan quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia của Trung Quốc phản bác lại một báo cáo được trích dẫn từ tài liệu của Chính phủ Nhật Bản, đăng tải trên Nhật báo Yomiuri Shimbun.
Theo đó, báo đăng tải nội dung cho biết lượng tritium, một đồng vị phóng xạ, trong nước thải hàng năm từ các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nhiều hơn 6,5 lần lượng chất có trong nước phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc bắt đầu xả nước phóng xạ qua xử lý ra biển từ tháng 8, sau khi được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chấp thuận kế hoạch.
Bác bỏ tuyên bố của Nhật Bản, Cơ quan quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc thông tin: “Trên thực tế, có sự khác biệt cơ bản giữa nước ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản và nước thải từ các nhà máy điện hạt nhân khác trên thế giới”. Cơ quan này nói thêm rằng những nguồn và những loại chất đồng vị phóng xạ khác nhau đòi hỏi những mức độ xử lý khác nhau.
Cơ quan này nói rằng nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima có nguồn gốc từ nước dùng để làm mát lõi lò phản ứng hạt nhân sau vụ tai nạn, nước ngầm và nước mưa thấm vào lò phản ứng. Việc xử lý loại nước thải này rất phức tạp vì nó chứa nhiều loại chất đồng vị phóng xạ từ trong lõi lò phản ứng.
Trong khi đó, nước thải được tạo ra trong quá trình hoạt động bình thường tại các nhà máy điện hạt nhân chỉ chứa một số hạt nhân phân hạch, nếu được xử lý bằng các công nghệ tốt nhất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, sau đó được thải ra môi trường một cách có kế hoạch, thì lượng chất gây ô nhiễm hạt nhân sẽ ít hơn nhiều so với mức cho phép. Tuyên bố của cơ quan này cũng lưu ý đến một số vấn đề liên quan tới việc giám sát tiến trình xả thải của Nhật Bản.
Cơ quan này nói: “Việc xả thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi có liên quan đến môi trường biển toàn cầu và sức khỏe cộng đồng. Việc này nên chịu sự giám sát công khai và minh bạch của quốc tế với sự tham gia của các bên liên quan”.