| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc nhiều thiếu sót trong phòng chống dịch tả lợn

Thứ Sáu 05/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Chính phủ Trung Quốc thừa nhận nước này có thiếu sót trong quá trình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (ASF) và tình hình vẫn phức tạp, nghiêm trọng.

Việc quản lý hoạt động vận chuyển lợn sống chưa đủ nghiêm ngặt, thiếu nguồn lực để xét nghiệm và phát hiện virus ASF tại các khâu giết mổ, chế biến và phân phối, Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 3/7 cho biết trong hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát ASF.

Bình luận trên cho thấy những thách thức nghiêm trọng Trung Quốc phải đối mặt trong bối cảnh ASF đang hoành hành ở nước này. ASF là dịch bệnh chết chóc đối với lợn nhưng không ảnh hưởng đến con người và hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa hữu hiệu.

Chính quyền địa phương và các bộ, ngành nên khuyến khích các trang trại lợn quy mô lớn và giảm số trang trại quy mô nhỏ để cải thiện mức độ an toàn sinh học trong lĩnh vực chăn nuôi, theo Quốc vụ viện Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp trợ giá sản xuất cho trang trại lợn quy mô lớn tại những vùng bị ASF ảnh hưởng nặng nề, khuyến khích các vùng tiêu thụ lớn tăng cường chăn nuôi lợn để cải thiện khả năng tự cung.
 

‘Tận thế lợn’ xuất hiện

Ngành chăn nuôi Trung Quốc gặp phải thách thức nghiêm trọng hồi tháng 8/2018, khi trường hợp nhiễm ASF đầu tiên được phát hiện tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Trung Quốc hiện đã có hơn 130 điểm bùng phát ASF tại các tỉnh, khu vực, đảo Hải Nam và Hong Kong. Người chăn nuôi địa phương, vốn đã chật vật với việc giá thức ăn gia tăng vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, lại chịu thêm áp lực từ ASF.

Một trở ngại trong quá trình kiểm soát dịch bệnh lây lan là số lượng trang trại quy mô vừa và nhỏ, có tiêu chuẩn an toàn sinh học thấp, lớn. Người chăn nuôi có thể giấu chính quyền địa phương nếu họ thấy mức tiền hỗ trợ không đủ. Trung Quốc được cho là bồi thường 1.200 nhân dân tệ (179 USD) cho mỗi con lợn bị tiêu hủy.

Những trường hợp nhiễm ASF không được thông báo khiến khó xác định thiệt hại trên thực tế. Tính đến cuối tháng 3, tổng đàn tại Trung Quốc là 375 triệu con lợn, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Số lượng lợn nái là 38 triệu con, giảm 11% so với cùng kỳ.

Bất chấp nỗ lực khuyến khích tái đàn từ chính phủ, người chăn nuôi Trung Quốc vẫn khá do dự. Giới chuyên gia cho rằng tái đàn tại những trang trại từng nhiễm ASF là điều rủi ro. Virus có thể tồn tại nhiều tuần bên ngoài vật chủ, nhất là tại những nơi không được khử trùng kỹ càng.

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hồi tháng 5 cảnh báo Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để kiểm soát được ASF. Một số nhà phân tích dự báo số lợn chết hoặc bị tiêu hủy vì ASF tại Trung Quốc trong năm nay có thể lên đến 200 triệu con, gây thiếu hụt nguồn cung thịt nội địa Trung Quốc, tác động lên ngành công nghiệp thịt lợn và chăn nuôi toàn cầu.

“Trung Quốc phải đối mặt ASF trong nhiều năm tới”, Phó tổng giám đốc OIE Matthew Stone nói với Reuters.

Theo Stone, ASF đã xuất hiện ở Việt Nam, Campuchia, Mông Cổ. Ông cảnh báo virus ASF có nguy cơ lan ra nhiều quốc gia châu Á hơn nữa.

“ASF tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á bởi chúng ta biết có một lượng thịt và sản phẩm từ thịt nhiễm ASF ẩn trong chuỗi cung ứng và những hành động như chăn nuôi bằng thức ăn bỏ đi chưa được quản lý đúng cách”, Stone nói.
 

Chật vật

“ASF còn kéo dài nhiều năm, do đó, cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển trong dài hạn và cải thiện an toàn sinh học, dịch vụ thú y trong trung - ngắn hạn là điều hoàn toàn bắt buộc”.

OIE đã triển khai một sáng kiến toàn cầu, phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO). “Mục tiêu là kiểm soát dịch bệnh, tăng cường nỗ lực phòng và chống ASF tại các quốc gia, giảm thiểu tác động lên sức khỏe, phúc lợi động vật và thương mại quốc tế”, theo thông báo từ OIE.

Việc nghiên cứu và phát triển vắc xin ASF cũng cần được chú trọng. Truyền thông Trung Quốc cuối tháng 5 đưa tin nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm một loại vắc xin trong phòng thí nghiệm. Giới khoa học Trung Quốc tin họ sắp đạt được đột phá nhưng cần nhiều thời gian để đưa vắc xin từ phòng thí nghiệm ra áp dụng trên thực địa do vướng quy trình cấp phép.

Brett Stuart, chủ tịch tổ chức Global AgriTrends, tin rằng trong điều kiện chưa có vắc xin, Trung Quốc gần như không thể đưa ngành chăn nuôi lợn về thời điểm như một năm trước, khi ASF chưa xuất hiện, bởi ba lý do: virus ASF khó tiêu diệt, cấu trúc ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc lớn và đa dạng, sự thiếu minh bạch và kiểm soát của cơ quan chính quyền.

“Vắc xin là ‘viên đạn bạc’ nhưng nhiều người cho rằng nhanh nhất cũng phải 5 năm nữa. Đây là kịch bản tốt nhất bởi nhiều nhà nghiên cứu đã cố phát triển một loại vắc xin hữu hiệu suốt hàng chục năm qua”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.