Một nhân viên phun thuốc để khử trùng trang trại gia cầm ở tỉnh Giang Tô. |
Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), dịch tả lợn Châu Phi sẽ khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm ít nhất 10% trong năm 2019. Sản lượng thịt lợn giảm mạnh ở Trung Quốc sẽ khiến cho sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm nay giảm 4% so năm 2018 và đạt 115,6 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho rằng sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ giảm 4%, chỉ còn gần 108,5 triệu tấn.
Còn theo báo cáo ngành hàng thịt lợn quý 2/2019 của Rabobank, dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc có thể dẫn tới nguồn cung thế giới suy giảm. Tất cả các tỉnh thành Trung Quốc hiện đã phát hiện dịch tả lợn Châu Phi. Dự báo, nước này sẽ phải đối mặt với khả năng thâm hụt 16 triệu tấn thịt lợn vào cuối năm 2019.
Do sản xuất thịt lợn nội địa suy giảm mạnh bởi dịch tả lợn Châu Phi, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đang trên đà tăng. Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận bất chấp việc Trung Quốc áp thuế 62% đối với nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ do căng thẳng thương mại giữa 2 nước, Trung Quốc vẫn đã nhập khẩu gần 105.000 tấn thịt lợn trong tháng 3 và tháng 4/2019.
Rabobank cho rằng các nhà xuất khẩu thịt lợn toàn cầu, bao gồm EU, Canada, Brazil… có thể tái phân bổ các luồng thương mại hiện nay để chuyển hướng tới Trung Quốc. Tuy nhiên, các hạn chế về cấu trúc trong tăng trưởng sản xuất tại một số khu vực, cùng với các hạn chế về năng lực cơ sở hạ tầng và logistics, có thể khiến thế giới phải đối mặt với tình trạng thâm hụt nguồn cung và tăng cạnh tranh giữa các đối tác thương mại tiềm năng.
Do dịch tả lợn làm sản lượng thịt lợn giảm mạnh, Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng sản lượng thịt gia cầm để đáp ứng các nhu cầu protein. Rabobank cho rằng các nỗ lực để mở rộng sản xuất ngành chăn nuôi gia cầm của nước này, chủ yếu tập trung vào gà thịt và vịt, dự báo sẽ đẩy tăng trưởng nguồn cung thịt gia cầm tại nước này đạt 10% trong năm 2019.
Cũng theo Rabobank, thịt gia cầm chiếm 11% tổng sản lượng protein sản xuất tại Trung Quốc năm 2018. Trước tình trạng nguồn cung thịt lợn suy giảm, giá thịt gà nội địa đã tăng tới 76% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Rabobank nhấn mạnh rằng ngành chăn nuôi gà thịt của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với các thách thức dịch bệnh và hạn chế về nguồn con giống, khuyến khích nước này có các động thái cải thiện năng suất ngành, tái đầu tư nguồn con giống và an toàn sinh học.
Ngành sản xuất thịt gia cầm thế giới được dự báo cũng sẽ được hưởng lợi bởi nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm thay thế thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Những nước sản xuất thịt gia cầm lớn trên thế giới như Brazil, Mỹ, Thái Lan và một số nước EU sẽ nằm trong số những đối tượng được hưởng lợi.
Theo báo cáo tháng 4/2019 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt gà thế giới năm 2019 được dự báo sẽ tăng 3% so với năm 2018, lên mức kỷ lục 98,4 triệu tấn. Mỹ tiếp tục là nước sản xuất thịt gà lớn nhất thế giới với hơn 19,55 triệu tấn. Tiếp theo là Brazil, Trung Quốc và EU với sản lượng được dự báo trong năm 2019 lần lượt sẽ là 13,64 triệu tấn, 12,65 triệu tấn và 12,48 triệu tấn.
Xuất khẩu thịt gà toàn cầu được dự báo tăng 3% trong năm 2019 lên mức kỷ lục 11,6 triệu tấn. Mặc dù không phải là quốc gia sản xuất thịt gà lớn nhất thế giới nhưng Brazil lại là quốc gia xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới năm 2019, dự kiến đạt gần 3,8 triệu tấn thịt.
Trong năm 2019, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn nhất thế giới với 1,1 triệu tấn. Tiếp theo là Mexico và EU, với lượng nhập khẩu dự kiến lần lượt đạt 840 nghìn tấn và 680 nghìn tấn thịt. Đáng chú ý là nhu cầu tăng nhanh vượt xa so với sản xuất trong nước, cộng với ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn, nhập khẩu thịt gia cầm của Trung Quốc trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng tới gần 70% so với năm 2018.