Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: China Daily) |
SCMP dẫn nhận định của các nhà khoa học chủ trì chương trình radar "Vượt đường chân trời" (OTH) cho biết, hệ thống radar nâng cấp trang bị cho hạm đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ cho phép hải quân nước này phát hiện các mối đe dọa từ tàu, máy bay và tên lửa của đối phương sớm hơn nhiều so với công nghệ hiện thời.
Chương trình radar mới của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận hôm 8/1 khi nhà khoa học hàng đầu của chương trình này, ông Liu Yongtan, được Chủ tịch Tập Cận Bình trao thưởng trong một buổi lễ vinh danh các công trình nghiên cứu khoa học hàng đầu. Ông Liu hiện là giáo sư ngành kỹ sư thông tin và điện tử tại Viện Công nghệ Harbin Trung Quốc.
Qian Qihu, một nhà khoa học quân sự khác, cũng được vinh danh trong buổi lễ diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm qua vì những đóng góp của ông này cho các cơ sở bảo vệ hạt nhân dưới lòng đất.
Phát biểu với truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Liu cho biết hệ thống radar OTH đặt trên mặt đất đã mở rộng đáng kể phạm vi giám sát của quân đội Trung Quốc.
"Nếu dựa vào công nghệ truyền thống, hệ thống theo dõi và giám sát của chúng tôi chỉ có thể xử lý được 20% lãnh thổ trên biển. Nhưng với hệ thống mới, chúng tôi có thể giám sát toàn bộ lãnh thổ", ông Liu nói với Tân Hoa Xã.
Hiện thiết kế của hệ thống radar Trung Quốc vẫn chưa được tiết lộ.
Radar OTH đặt trên mặt đất được Mỹ và Liên Xô phát triển đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hệ thống này cho phép hai nước giám sát vùng lãnh thổ rộng tới hàng nghìn km bằng cách phát sóng radar vào tầng điện ly khí quyển và quay ngược trở lại mặt đất.
Tuy nhiên nhiều cơ sở lắp đặt radar OTH trên mặt đất sau đó đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động do nguy cơ dễ bị tấn công. Radar OTH tiêu thụ lượng điện khổng lồ và phải được xây dựng trên địa hình bằng phẳng và thoáng đãng.
Do nằm cố định nên hệ thống radar OTH rất dễ bị tấn công. Điều này khiến nhiều nhà hoạch định quân sự chuyển hướng quan tâm sang các hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không.
Liu Yongtan, nhà khoa học dẫn đầu chương trình phát triển radar OTH của Trung Quốc. (Ảnh: Weibo) |
Một thành viên cấp cao trong nhóm của giáo sư Liu cho biết hệ thống radar OTH mới sẽ được trang bị trên tàu. Nguồn tin giấu tên này mạnh miệng tuyên bố hệ thống radar nổi "sẽ tăng cường năng lực thu thập thông tin của hải quân Trung Quốc tại những vùng biển quan trọng" như Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phát triển công nghệ radar này. Raytheon, nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ, đã được cấp bằng sáng chế hồi năm 2016 cho việc phát triển hệ thống radar tương tự.
Hệ thống radar của Raytheon bao gồm một tàu phát sóng và một số tàu tiếp sóng với ăng ten gắn trên boong tàu. Sóng radar được phát trực tiếp lên khí quyển bởi thiết bị phát sóng trước khi được các tàu tiếp sóng thu nhận, sau đó chuyển tín hiệu cho các tàu sân bay thông qua vệ tinh hoặc chuyển tiếp trên không.
Việc triển khai công nghệ radar trên biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khắc phục nhiều thách thức, bao gồm điều chỉnh tần số radar, khử cực và định hướng để đảm bảo phù hợp khoảng cách của mục tiêu và các điều kiện của tầng điện ly.
Theo Raytheon, hệ thống radar OTH trên biển có tầm giám sát lên tới hơn 1.000 km và có thể bao phủ khu vực rộng hơn 3,4 triệu km2, tương đương diện tích của Ấn Độ. So sánh giữa các hệ thống radar cho thấy, radar của một tàu khu trục hải quân Mỹ có tầm hoạt động khoảng 300 km, trong khi radar của máy bay Boeing E-3 Sentry khoảng 600 km.