“Thịt lợn thiếu do ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi (ASF) khiến giá mặt hàng này tăng. Điều đó dẫn tới việc người mua đổ dồn sang thịt gà, đây là nguyên nhân khiến thịt gà thiếu hụt và bị đẩy giá”, tờ Sina của Trung Quốc hôm 28/5 cho biết.
Báo này cũng nói việc giá thịt gà tăng cao khiến những người toan tính thay thế thịt lợn trong bữa cơm gia đình cảm thấy “thất vọng”.
Trong khi đó, giới chức tỉnh ở Sơn Đông, Trung Quốc thống kê giá trứng gà tại đây bình quân 7,85 tệ/kg (khoảng 26.000đ), tăng 4,95% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 2,75% so với tháng trước. Giá trứng, thịt gà ở Sơn Đông mỗi tuần nhích lên khoảng 0,21 tệ. Dự kiến đến tháng 6, giá thịt gà còn tiếp tục tăng.
Tờ Sina dẫn nguồn khảo sát từ 34 trang trại gà quy mô lớn nhất tỉnh Sơn Đông, cho thấy các chủ trại “rất tự tin” vào việc giá gà còn tiếp tục tăng đến hết năm nay.
Tờ South China Morning Post cũng đưa dự đoán tương tự. Báo này dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết năm ngoái nước này tung ra thị trường 4,16 tỷ con gà, trong khi sản lượng năm 2016 là 6 tỷ con. Tờ báo có trụ sở tại Hong Kong dẫn lời chuyên gia nông nghiệp dự đoán sản lượng gà Trung Quốc năm nay sẽ giảm 10% so với năm 2018.
“Việc thịt lợn khan hiếm làm người tiêu dùng có nhu cầu cao hơn bình thường với thịt gà, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu”, bài báo nhận định.
Trở ngại lớn nhất với các hộ nuôi gà Trung Quốc, là chi phí thức ăn cho gà đang tăng cao. “Chúng tôi không lạc quan cho lắm, bởi chi phí cho gà một ngày tuổi và thức ăn cho gà tăng vù vù”, người bán hàng tại trang trại gà ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết.
South China Morning Post cho biết bình quân giá gà trên toàn Trung Quốc đang ở mức 10,86 tệ/kg, tính riêng trong tháng 4. Giá này cao hơn 68% so với tháng 3/2018. Tại Bắc Kinh, khu chợ Tân Phát Địa (Xinfadi), nguồn cung lớn nhất thủ đô của Trung Quốc, gà có giá 14 tệ/kg, tăng 27% so với hồi tháng 2.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc hồi tháng 3 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dịch ASF phát sinh sau Tết Nguyên đán, nên có khả năng vào cuối năm, giá thịt lợn tại nước này tăng hơn 70%.
“Trung Quốc hiện nuôi một nửa số lợn trên thế giới, việc ASF lan rộng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cho riêng đất nước hơn một tỷ dân”, Cao Hướng, một chuyên gia phân tích thị trường của Trung Quốc, nhận xét. Cty Rabobank, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính, ước tính rằng khoảng 200 con lợn ở Trung Quốc đã bị tiêu hủy hoặc chết vì ASF, gần nửa số đàn lợn cả nước. “Có lẽ gộp toàn bộ số lợn của thế giới vào cũng không đủ lượng thâm hụt của Trung Quốc”, Rabobank bình luận. |