| Hotline: 0983.970.780

Trùng tu di tích - Yêu mà không biết yêu

Thứ Tư 16/03/2011 , 10:00 (GMT+7)

* Ốp Tam bảo bằng gạch men Trung Quốc

Thời gian gần đây, một lần nữa dư luận lại rộ lên một số di tích quan trọng “có vấn đề” trong quản lý và trùng tu. Vì sao việc trùng tu di tích cứ mãi vấp phải phản ứng từ dư luận dù các nhà trùng tu đều thực hiện với mong muốn di tích tránh xuống cấp, bền vững hơn? Ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam sẽ lý giải điều này với NNVN.

Thưa ông, không thể phủ nhận rằng việc tu bổ, tôn tạo di tích trong những năm qua đã cứu không ít di tích có giá trị lịch sử, văn hóa. Thế nhưng, việc quản lý, trùng tu di tích cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập khiến dư luận phải lên án. Ông có thể cắt nghĩa những bất cập nói trên?

Có thể dư luận ít để ý nhưng những sai sót thường xảy ra với các di tích cấp tỉnh nhiều hơn. Bởi, đối với Di tích cấp quốc gia, sau khi hạ giải, bao giờ cũng phải cũng phải có sự giám sát, xem xét tại chỗ của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành. Đối với di tích cấp tỉnh và những di tích chưa được xếp hạng thì không có quy trình này.

Trong khi đó, các di tích cấp tỉnh thường gắn với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương, do các vị sư trụ trì hoặc cộng đồng dân cư quản lý nên khi tu sửa, người dân luôn muốn di tích của mình mới, to lớn, hoành tráng hơn. Thứ nữa là người dân đến di tích ngày càng đông nên việc “mở rộng” di tích là điều khó tránh khỏi. Không những thế, do nhận thức lệch lạc, có những người cứ tưởng rằng mang những vật liệu mới vào trùng tu di tích cho nó sáng bóng lên là đẹp, như việc ốp Tam bảo bằng gạch men Trung Quốc chẳng hạn.

Xét ở một khía cạnh nào, di tích phải sống trong lòng thời đại, có giá trị đáp ứng được yêu cầu của thời đại, cho nên di tích sau khi trùng tu có phần nào không giống hoàn toàn với di tích gốc cũng là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên, trùng tu đến mức làm thay đổi, biến dạng hoặc “sáng tác” thêm những chi tiết mới cho di tích là điều không thể chấp nhận. Cũng từ thực tế quản lý, tư vấn tu bổ di tích, tôi nhận thấy rằng người dân đang ngày càng nhận thức đúng đắn giá trị, ý nghĩa của di tích đối với đời sống xã hội, ngày càng yêu di tích, tiếc rằng họ yêu mà không biết đường yêu sao cho đúng, cho hay.

Như vậy có nghĩa là nguyên nhân của những bất cập trong quản lý, trùng tu di tích hiện nay do cả người quản lý, đơn vị trùng tu và dư luận không nắm đúng vấn đề,  thưa ông?

Đúng vậy. Nếu tất cả các bên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm thì đã không xảy ra tình trạng dự án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây vẫn được tiến hành trong khi các cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại; không để mất phần mảng lớn đồi Cá Chuối (Phú Thọ) rồi các nhà quản lý mới tá hỏa thành lập đoàn kiểm tra, càng không thể có chuyện khu vực hồ trước đình Tình Quang (Hà Nội) thuộc khu vực bảo vệ bị lấp đi gần hết…Mặc dù vậy, xét cho đến cùng, trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về các nhà quản lý trực tiếp.

Cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ quản lý cấp vĩ mô nhưng sự quản lý đó là bằng quy chế, quy trình pháp luật chứ có “ba đầu sáu tay” đâu mà quản lý hết được hàng vạn di tích trên cả nước, cho nên sự quản lý trực tiếp vẫn phải trông vào cấp xã, cấp huyện, sai sót ở cấp nào, cấp đó phải chịu trách nhiệm. Nhiều lần tôi thấy đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VH -TT - DL về tình trạng thương mại hóa ở những lễ hội cụ thể. Trong trường hợp này, đại biểu đó phải chất vấn tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh có lễ hội, mà trực tiếp là ông phó chủ tịch phụ trách văn xã sao không thực hiện nghiêm quy chế của Bộ, chứ không thể chất vấn Bộ trưởng trong khi Bộ đã có quy chế quản lý lễ hội. Di tích cũng vậy thôi.

Như ông vừa nói, lễ hội hiện đã có quy chế quản lý, nhưng hình như việc trùng tu di tích vẫn chưa có quy chuẩn. Vậy, căn cứ vào tiêu chí nào để đánh giá di tích này được trùng tu đúng, di tích kia sai, thưa ông?

Trước đây, Chính phủ đã ban hành một nghị định về tu bổ, tôn tạo di tích với vai trò là ngành khoa học đặc thù, nhưng có thời gian nó bị coi là ngành khoa học cơ bản, dẫn đến những sai sót không mong muốn. Hiện, các cơ quan chức năng đang xây dựng bộ quy chuẩn về trùng tu di tích nhưng là kiến trúc gỗ, còn kiến trúc gạch, đá, khảo cổ học vẫn chưa có.

Ngoài việc chưa có quy chuẩn để trùng tu, cái chúng ta còn yếu hiện nay là nguồn nhân lực mỏng. Những năm vừa qua, chúng ta thường học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn. Sự tiến bộ của cán bộ làm công tác quản lý, trùng tu di tích ở Quảng Ninh, Huế, Hội An…đã chứng minh điều đó. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc đưa cán bộ trẻ ra nước ngoài đào tạo nhưng không ai đủ tiêu chuẩn do hạn chế về vốn ngoại ngữ. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.