| Hotline: 0983.970.780

Trưởng thôn tuổi teen 'làm mẫu' cho bà con làm giàu

Thứ Bảy 29/04/2023 , 11:12 (GMT+7)

YÊN BÁI Họ là những thanh niên mới mười chín đôi mươi, nhưng đã được bà con tin tưởng bầu chức trưởng thôn và trở thành 'đầu kéo' cho bà con ấm no nhờ đồng ruộng.

Nói tới “ông trưởng thôn”, người ta hay hình dung là những người trung tuổi hoặc cán bộ nghỉ hưu đảm nhiệm. Nhưng hiện nay, có rất nhiều trưởng thôn là những thanh niên trẻ. Họ có khát vọng cống hiến, góp sức xây dựng quê hương.

Trưởng thôn trẻ "đánh thức" tiềm năng cây quế và măng tre Bát Độ

Anh Hoàng Xuân Hội sinh năm 1990 ở thôn Pá Thọoc, xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên, Yên Bái) sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái đã trở về địa phương. Năm 2015, anh đã được bà con trong thôn tín nhiệm bầu đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pá Thọoc khi mới 25 tuổi với sự đồng thuận 100% người dân.

Anh Hoàng Xuân Hội chia sẻ về mô hình trồng quế của gia đình. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Hoàng Xuân Hội chia sẻ về mô hình trồng quế của gia đình. Ảnh: Thanh Tiến.

Có được sự tín nhiệm này, Hội phải trải qua chặng đường không ít khó khăn, thử thách. Song bằng sự nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết tâm làm tròn trách nhiệm của một đảng viên trẻ, Hội đã dần khẳng định được vai trò, năng lực của mình.

Không chỉ là một trưởng thôn năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động của địa phương, giờ đây anh còn được nhiều người biết đến là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại quê hương.

Trong suốt 8 năm làm trưởng thôn đến nay, Hoàng Xuân Hội luôn tiên phong, gương mẫu tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, luôn nỗ lực phấn đấu giúp đỡ bà con trong thôn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Hội tâm niệm nằng: “Để bà con trong thôn tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hay, chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của thôn thì không chỉ nói suông mà bản thân mình và gia đình phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả, từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo”.

Chính từ đó, Hội luôn nung nấu suy nghĩ phải đi tìm hiểu, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả của người dân ở các xã trong huyện về để vận động bà con áp dụng làm theo.

Hiện nay, cây quế và tre măng Bát Độ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở các xã có nhiều đất đồi rừng và phù hợp với trình độ canh tác của bà con dân tộc thiểu số nên Hội đã lựa chọn 2 loại cây trồng này để phát triển kinh tế cho gia đình mình, sau đó tiếp tục vận động bà con trong thôn nhân rộng.

Diện tích quế của anh Hội cho thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích quế của anh Hội cho thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhận thấy nhiều diện tích đồi rừng trong thôn còn trồng cây tạp như cọ, bồ đề, trẩu và một số cây nguyên liệu giấy... cho hiệu quả kinh tế không cao, sau khi tìm hiểu, tham quan và học tập ở các địa phương khác trong huyện, trưởng thôn trẻ đã tích cực vận động bà con chuyển đổi các diện tích cây kém hiệu quả sang trồng quế và tre Bát Độ.

Bản thân Hội đã đi đầu, làm mẫu để cùng gia đình mình chuyển đổi đất đồi rừng sang trồng 5ha quế và 1ha tre Bát Độ, mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Từ đó, các hộ dân trong thôn đã học tập làm theo.

Đến nay, trong thôn đã trồng được hơn 35ha quế và gần 20ha tre Bát Độ, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2%.

Những đóng góp này đã đưa thôn Pá Thọoc trở thành thôn nông thôn (NTM) mới vào năm 2017 và hiện đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2023.

Bà Hà Thị Lộc, người dân thôn thôn Pá Thọoc nhận xét: “Là trưởng thôn trẻ và có trình độ nên Hội rất được lòng bà con trong thôn. Trong mọi công việc của thôn, anh Hội đều tích cực tham gia với sự cởi mở và nhiệt tình nên mọi người đều yêu mến. Bên cạnh đó, Hội là một đảng viên gương mẫu trong phát triển kinh tế và tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở địa phương nên người dân chúng tôi luôn tin tưởng học tập theo”.

Trưởng thôn tuổi teen vực dậy nghề dâu tằm

Anh Trần Quốc Hoàng, sinh năm 1992, trưởng thôn Lương Tàm, xã Lương Thịnh (huyện Trấn Yên, Yên Bái) cũng làm trưởng thôn khi còn rất trẻ. Năm 2011, khi chỉ mới 19 tuổi, Hoàng đã được người dân thôn Lương Tàm tin tưởng bầu làm trưởng thôn.

Trưởng thôn Trần Quốc Hoàn ở thôn Lương Tàm (xã Lương Thịnh) bên nương dâu của gia đình. Ảnh: Thanh Tiến.

Trưởng thôn Trần Quốc Hoàn ở thôn Lương Tàm (xã Lương Thịnh) bên nương dâu của gia đình. Ảnh: Thanh Tiến.

Thôn Lương Tàm có 78 hộ dân với 340 nhân khẩu, với đặc điểm là thôn miền núi, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 95%. Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng lòng xây dựng NTM tại cơ sở, anh còn luôn tích cực trong việc áp dụng, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho bà con trong thôn.

Hoàng đã thành lập nhóm zalo có đại diện tất cả hộ gia đình trong thôn tham gia. Mọi công việc đều được anh thông tin lên nhóm để mọi người nắm bắt kịp thời, ngược lại người dân có phản ánh, thắc mắc gì cũng đưa lên nhóm để trưởng thôn trả lời, xử lý.

Bên cạnh đó, Hoàng cũng tích cực hướng dẫn người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số, như tải các ứng dụng ví điện tử, thanh toán trực tuyến bằng điện thoại, thực hiện hồ sơ, thủ tục một cửa, mua bán bằng hình thức trực tuyến…

Hoàng chia sẻ: “Với suy nghĩ muốn dân hiểu, dân tin, dân làm theo, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu các phong trào ở địa phương cũng như trong phát triển kinh tế gia đình, chính vì vậy tôi luôn nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế để trở thành hộ gia đình có thu nhập cao trong thôn. Khi có thành quả thì việc tuyên truyền, vận động bà con sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc chỉ hô hào mà không có hành động cụ thể”.

Ruộng dâu xanh mướt của anh Hoàng được trồng trên đất ruộng lúa 1 vụ kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Ruộng dâu xanh mướt của anh Hoàng được trồng trên đất ruộng lúa 1 vụ kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau nhiều lần tìm hiểu trên sách báo và phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế để học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, Hoàng đã lựa chọn cây dâu tằm để vận động người dân địa phương chuyển đổi các diện tích đất bờ, bãi ven suối chỉ cấy được 1 vụ lúa hoặc cây rau màu kém hiệu quả sang trồng dâu để phát triển kinh tế.

Không chỉ tuyên truyền, vận động, Hoàng đã minh chứng bằng những việc làm cụ thể để bà con có thể thấy được hiệu quả. Năm 2019, anh đã quyết định chuyển đổi 1 mẫu ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Các năm tiếp theo, mỗi năm gia đình anh lại cải tạo đất và mở rộng thêm diện tích, đến nay, gia đình anh đã có có gần 1,5ha trồng dâu nuôi tằm.

Được sự hỗ trợ của nhà nước, Hoàng đã đầu tư xây dựng một nhà nuôi tằm rộng hơn 100m2, lắp đặt hệ thống giàn khay trượt để nuôi tằm. Hiện nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Hoàng đã trở thành mô hình điểm của xã, mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, mức thu nhập không nhỏ ở vùng quê thuần nông.

Ông Hà Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh thăm mô hình nuôi tằm của trưởng thôn trẻ Trần Quốc Hoàng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hà Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh thăm mô hình nuôi tằm của trưởng thôn trẻ Trần Quốc Hoàng. Ảnh: Thanh Tiến.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình của trưởng thôn Hoàng, một số hộ dân trong xã đã đến thăm, học tập và thực hiện theo. Đến nay, xã Lương Thịnh đã mở rộng được hơn 7,5ha dâu và đã có hơn 20 hộ dân tham gia trồng dâu nuôi tằm.

Ông Hà Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết: Diện tích đất lúa thiếu nước tưới, đất ven suối, đất đồi thấp ở Lương Thịnh tương đối nhiều. Vì vậy, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trên cơ sở đó giao cho các đoàn thể chính trị, các thôn tích cực vận động người dân trồng dâu nuôi tằm.

“Mục tiêu của chúng tôi là làm đến đâu hiệu quả đến đó và quyết tâm hình thành vùng trồng dâu tập trung theo hướng hàng hóa, gắn với chuỗi liên kết. Chính sự năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của trưởng thôn trẻ Trần Quốc Hoàng đã làm “đầu tàu” tiếp thêm động lực cho các hộ dân trong xã tin tưởng làm theo, góp phần giúp địa phương mở rộng diện tích dâu trên địa bàn”.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất