Thanh tra 3 nội dung tại dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội
Theo Thanh tra Hà Nội, việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành tại dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội được thực hiện theo chỉ đạo tại văn bản số 5774 ngày 17/6/2022 của UBND TP. Hà Nội.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố kết quả kiểm toán tại Thông báo số 485/TB-KTNN ngày 29/12/2020.
Nội dung thanh tra gồm: Thanh tra việc sử dụng tiêu chí đánh giá chi tiết hơn so với tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu đã được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu (Gói thầu do nhà thầu Posco trúng thầu); việc ký hợp đồng với nhà thầu khi chưa GPMB theo đúng tiến độ, chưa xác định được kế hoạch bàn giao mặt bằng, di chuyển chướng ngại vật nhưng không thương thảo để điều chỉnh kế hoạch bàn giao mặt bằng (Gói thầu CP-01, CP-02, CP - 03); việc giám sát, sử dụng các nhà thầu phụ tham gia thực hiện tại Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Gói thầu CP-01, CP-02).
Thanh tra Thành phố kết luận: Chủ đầu tư chưa thực hiện việc lập dự toán điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, hệ số điều chỉnh hoặc phương pháp điều chỉnh bằng chỉ số giá xây dựng (theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP; Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010; Thông tư số 08/2010/TT-BXD ngày 29/7/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng) dẫn tới việc thanh toán, quyết toán gói thầu CP01, CP02 chưa chính xác khi giám sát, sử dụng các nhà thầu phụ tham gia thực hiện tại Dự án, tại thời điểm điều chỉnh giá gói thầu CP01 và gói thầu PC02.
Việc ký hợp đồng với nhà thầu khi chưa GPMB theo đúng tiến độ, chưa xác định được kế hoạch bàn giao mặt bằng, di chuyển chướng ngại vật nhưng không thương thảo để điều chỉnh kế hoạch bàn giao mặt bằng (Gói thầu CP-01, CP-02, CP - 03).
Về tiến độ thời gian GPMB, UBND quận Đống Đa ban hành thông báo thu hồi đất năm 2012 và bàn giao mặt bằng (Ga S10, 11) từ năm 2016 - 2022 mới xong; UBND quận Hoàn Kiếm ban hành thông báo thu hồi đất năm 2013 và bàn giao mặt bằng (Ga S12) từ năm 2017 - 2019 mới xong; UBND quận Ba Đình ban hành thông báo thu hồi đất năm 2013 và bàn giao mặt bằng (Ga S9) từ năm 2016 – 2022.
Như vậy, GPMG chưa thực hiện đúng về thời gian theo quy định tại Điều 67, Điều 68, Điều 69, Điều 70, Điều 93 Luật Đất Đai năm 2013; Khoản 2, Điều 108 Luật Xây Dựng số 50/2014/QH132; chưa thực hiện đúng tiến độ GPMB theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, công tác di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật của Dự án vẫn chưa thực hiện xong dẫn đến Dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội bị kéo dài.
Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân
Thanh tra Thành phố kiến nghị Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân để xảy ra các tồn tại nêu tại phần kết luận tham mưu UBND Thành phố xử lý theo quy định.
Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức kiểm tra rà soát lại các đơn giá áp dụng trong việc lập, thẩm định phê duyệt dự toán ban đầu đối với gói thầu số CP01, CP02 làm căn cứ để thực hiện việc điều chỉnh giá theo quy định đối với nhà thầu thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu CP02, trên cơ sở kiểm tra, rà soát làm căn cứ để thanh toán, quyết toán với đơn vị thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu CP02 được nêu tại phần 2 Kết luận; Khẩn trương thực hiện di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện Dự án.
Thời điểm tháng 7/2023, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội với thời gian hoàn thành vào năm 2027.
Ngoài ra, dự án này cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 34.800 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hơn 32.900 tỷ đồng theo Quyết định số 4007 ngày 28/6/2013 của UBND TP.Hà Nội.
Trong đó, chi phí xây dựng tăng từ hơn 11.489 tỷ đồng lên hơn 13.800 tỷ đồng; Chi phí thiết bị tăng từ hơn 9.350 tỷ đồng lên hơn 12.554 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm cả di chuyển công trình ngầm nổi) tăng từ 974 tỷ đồng lên hơn 1.356 tỷ đồng; Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng điều chỉnh từ gần 1.800 tỷ đồng lên hơn 3.357 tỷ đồng.
Riêng hạng mục chi phí khác điều chỉnh giảm từ hơn 3.534 tỷ đồng xuống hơn 2.000 tỷ đồng; Chi phí dự phòng giảm từ hơn 5.384 tỷ đồng xuống 1.328 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án cũng có sự thay đổi so với cơ cấu được duyệt tại Quyết định số 4036 ngày 26/7/2019 của UBND TP.Hà Nội.
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách được điều chỉnh từ hơn 6.148 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ODA giảm từ hơn 26.761 tỷ đồng xuống hơn 24.782 tỷ đồng.