| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/05/2023 , 17:16 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:16 - 08/05/2023

Truy xuất nguồn gốc để kiểm soát tài sản tham nhũng

Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 32,5% là con số thống kê từ kết quả giám sát vừa được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra.

Tài sản tham nhũng vẫn rất khó thu hồi, dù các đại án được đẩy mạnh điều tra và xét xử. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 32,5% là con số thống kê từ kết quả giám sát vừa được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra. Điều ấy đồng nghĩa công tác kiểm soát tài sản tham nhũng còn tồn tại không ít bất cập.

Một dữ liệu khác do Bộ Công an cung cấp, từ đầu năm 2018 đến hết năm 2022, qua 418 vụ án bị khởi tố, tài sản tham nhũng mà các đối tượng phạm tội giao nộp khoảng 730,2 tỷ đồng. Dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực không ngừng, nhưng tài sản tham nhũng 10 đồng chỉ thu hồi được 3 đồng. Thử hỏi, 7 đồng kia cất giấu ở đâu? Rõ ràng, cần phải có giải pháp hiệu quả hơn để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị thực hiện kê khai tài sản của những người có chức vụ tại nơi cư trú. Đây là động thái cần thiết, vì tai mắt nhân dân đủ sức phát hiện mọi dấu hiệu bất minh. Kẻ trộm bao giờ cũng sợ đèn sáng. Chính sự công khai và sự minh bạch sẽ góp phần làm hạn chế tệ nạn tham nhũng ở mức độ nhất định. Cho nên, một website để công bố tài sản quan chức sẽ giúp xã hội tiếp cận dễ dàng và tố giác nhanh chóng các hành vi gian dối của những người thuộc diện bắt buộc kê khai tài sản.

Một khi quan chức chấp nhận kê khai tài sản giữa thanh thiên bạch nhật thì họ cũng chứng minh sự trong sáng trong khát vọng phục vụ sự nghiệp chung. Tuy nhiên, con đường lắt léo của tài sản tham nhũng không đơn giản cho khả năng hình dung của đám đông quần chúng.

Đặc biệt là những tài sản được ẩn nấp dưới các hình thức đầu tư vào thị trường chứng khoán, hoặc đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Vì vậy, không thể không có thêm trách nhiệm lực lượng thanh tra phải tiến hành thẩm định thật cụ thể về tài sản được kê khai sao cho đủ và đúng.

Ngoài vai trò của kiểm toán viên cần được phát huy nhằm ngăn chặn tẩu tán tài sản trước và sau khi khởi tố vụ án tham nhũng, thì cũng đòi hỏi cơ chế khởi kiện đối với cá nhân, tổ chức gây thất thoát tài sản nhà nước để yêu cầu bồi thường. Thậm chí, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn yêu cầu hình sự hóa việc làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự.

Kinh nghiệm chống tham nhũng từ Trung Quốc cho thấy, có một giải pháp cốt lõi để đẩy lùi tệ nạn tham nhũng là tăng cường quản lý tiền tệ, hoàn thiện quy trình kiểm tra định kỳ và giám sát nội bộ các đơn vị quản lý tiền tệ. Trong đó, quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc tài sản.

Những khoản thu nhập bất thường như lợi tức kinh doanh, mua bán đồ cổ hoặc trúng số độc đắc, đều phải được trải qua sự xác minh khắt khe trước khi cho phép quan chức kê khai tài sản hợp pháp. Nếu tài sản không có nguồn gốc đáng tin cậy thì lập tức bị thu hồi, để phòng chống tham nhũng ngay từ giai đoạn manh nha.