Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, là một trong những quan chức gần gũi và cởi mở với báo chí, truyền thông và có sự gắn bó lâu dài với các nhà báo viết về nông nghiệp. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, Báo NNVN đã có buổi trò chuyện với ông về truyền thông đúng đắn, có trách nhiệm vì lợi ích của nông dân, vì phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.
Với cương vị Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông đã nhiều lần phải đi kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến trồng trọt ở phía Nam được phản ánh trên báo chí, truyền thông. Trong đó, có không ít vụ là truyền thông sai hoặc không phản ánh đúng bản chất của sự việc, mà gần đây nhất là chuyện chặt bỏ thanh long. Ông nghĩ sao về việc truyền thông không đúng đắn này?
Truyền thông trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng một cơ quan của Bộ NN-PTNT có thể truyền đạt thông tin đến một vài trăm người, là những người làm công tác quản lý nhà nước, công tác nghiệp vụ, nhưng truyền thông có thể giúp truyền đạt thông tin đó đến 1 triệu người.
Chính vì vậy, tôi rất tôn trọng báo chí, truyền thông cũng như các nhà báo. Tuy nhiên, tôi cho rằng, truyền thông là phải đúng, phải có trách nhiệm. Khi phản ánh một sự thật nào đó liên quan tới sản xuất nông nghiệp hay một mặt hàng nông sản, truyền thông cần phải phản ánh đúng bản chất của vấn đề, mà không nên chỉ nhìn vào hiện tượng. Tức là khi phản ánh một hiện tượng, vấn đề nào đó thì báo chí, truyền thông cần tìm hiểu bản chất thực sự của sự việc đó chứ không chỉ dừng lại ở những gì mà chúng ta nhìn thấy trước mắt.
Ví dụ như vừa qua, nhiều nông dân chặt bỏ thanh long là việc có thật, cây mít được trồng quá nhiều là có thật, nhiều nông dân đào rễ tiêu lên để bán là có thật. Tuy nhiên, đó không phải là những vấn đề mang tính bản chất của một nền sản xuất, của một ngành hàng hay ở một loại cây, mà đó chỉ là hiện tượng để giải quyết một vấn đề nào đó ở tại một địa điểm cụ thể, trong thời điểm cụ thể của người nông dân.
Ông vừa nói đến việc phải phản ánh bản chất của sự việc chứ không phải là những gì hiện hữu trước mắt. Như trong chuyện chặt thanh long mới đây, cụ thể là như thế nào?
Trong chuyện nhiều nông dân chặt bỏ thanh long, chúng ta có thể hỏi một nông dân rằng vì sao nhà ông/bà lại chặt bỏ thanh long? Họ có thể trả lời ngay là do bán không được nên chặt bỏ. Nhưng đó có phải là sự thật hay không? Đối với người nông dân, một cây trồng nào đó, dù là cây lúa, cây bắp hay cây ăn trái thì cũng đều giống như đứa con của họ, vì họ đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc ra để tạo nên vườn cây ấy, nên họ không thể chặt bỏ chỉ vì giá bán đang xuống thấp và sản phẩm đang khó tiêu thụ.
Vậy vì sao nhiều nông dân chặt bỏ thanh long hoặc một số loại cây trồng khác trong thời gian qua. Có nhiều lý do, trong đó có thể là những lý do tiêu cực nhưng cũng có nhiều lý do tích cực.
Lý do tiêu cực là nông dân tính toán sai ngay từ đầu. Sau khi trồng cái cây đó lên, họ mới thấy rằng về lâu dài, nó không thích nghi với điều kiện đất đai ở khu vườn đó vì cho năng suất thấp hơn các vườn lân cận, hoặc họ không có đủ năng lực để chăm sóc loại cây đó. Cũng có thể là do đất vườn của họ nhỏ quá nên số cây ăn trái được trồng không nhiều. Nếu tiếp tục theo đuổi và khai thác số lượng cây ăn trái ít ỏi đó thì không mang lại hiệu quả về lâu dài, do đó, hỏ đành phải chặt bỏ đi để chuyển sang loại cây trồng khác phù hợp hơn.
Còn lý do tích cực là vòng đời của vườn cây đó đã hết, nông dân phải chặt bỏ đi để trồng mới. Hoặc để thích ứng với nhu cầu mới của thị trường, nông dân chặt bỏ vườn cũ để trồng một giống mới hay một loại cây ăn trái khác. Đây là biện pháp mà ở các quốc gia trồng cây ăn trái, nông dân vẫn thường làm. Nông dân trồng cây ăn trái ở nhiều nước chỉ khai thác vòng đời một loại cây ăn trái trong khoảng 5-7 năn, rồi ngừng không khai thác nữa và chặt bỏ đi, chuyển sang trồng một giống mới hay một loại cây ăn trái khác.
Do vòng đời của cây ăn trái không dài nên ta thường dễ thấy cảnh nông dân chặt bỏ cả một vườn cây. Trong khi với cây cao su, kể cả khi giá xuống rất thấp, cũng gần như không thấy nông dân chặt bỏ vườn cao su. Đơn giản là vì vòng đời của cây cao su rất dài, tới mấy chục năm.
Truyền thông sai, thiếu trách nhiệm sẽ tác động xấu tới hình ảnh, giá trị của nông sản Việt Nam cũng như sản xuất của nông dân. Ngược lại, truyền thông đúng đắn, có trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản như thế nào, thưa ông?
Truyền thông đúng đắn, có trách nhiệm, thì mức độ làm gia tăng giá trị cho nông sản không thể đo lường được, mà chỉ có thể nói là rất lớn. Rất lớn trước hết là về phạm vi. Chẳng hạn, để nâng cao về an toàn thực phẩm cho lúa gạo, cơ quan, tổ chức nào đó có thể mở một lớp tập huấn giúp cho nông dân đạt được yêu cầu về an toàn thực phẩm trong suốt một chu kỳ canh tác của cây lúa. Tuy nhiên, phạm vi tác động chỉ trong một lớp tập huấn và khoảng 1.000-2.000 ha lúa trong một ấp, một xã.
Nhưng khi đẩy mạnh truyền thông về việc sản xuất lúa gạo đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu được sang nước này, thị trường kia, hay sẽ tiêu thụ tốt ở thị trường TP.HCM, thì hàng nghìn, hàng vạn người sản xuất sẽ biết được những yêu cầu đó một cách nhanh chóng và chủ động làm theo, kèm với sự hướng dẫn của địa phương. Khi ấy, mức độ lan tỏa rất nhanh. Nhanh về mặt thời gian và nhanh trong việc mở rộng không gian canh tác theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hay như trong việc hình thành các vùng lúa nguyên liệu, doanh nghiệp có thể làm được những vùng nguyên liệu 10 ngàn, 20 ngàn ha lúa, nhưng truyền thông có thể góp phần thúc đẩy hình thành những vùng lúa nguyên liệu với tổng diện tích lên tới cả triệu héc-ta.
Trước đây chúng ta đã từng phải nói rất nhiều tới vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất lúa gạo, tới việc phải hạn chế dùng phân, thuốc hóa học. Và để đảm bảo an toàn thực phẩm cho lúa gạo xuất khẩu, nếu chỉ dừng lại ở tập huấn của các địa phương, việc xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp thì sẽ bị hạn chế nhiều về phạm vi. Nhưng sự vào cuộc của truyền thông đã góp phần quan trọng nâng cao rất nhiều về nhận thức cho người trồng lúa.
Sau khi có những chương trình lớn về “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” và những lớp tập huấn cho nông dân thực hiện các giải pháp này, thì chính truyền thông đã làm cho những yêu cầu về giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học… có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn, thường xuyên hơn.
Đến nay, chưa có những đánh giá cụ thể về tác động của truyền thông vào sản xuất lúa gạo đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng mỗi năm, hơn 6 triệu tấn gạo xuất khẩu được xuất khẩu rất ít có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng các chất cấm khác, là bằng chứng cho thấy nhận thức của người nông dân đã được nâng lên rõ rệt thông qua hoạt động của ngành nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, doanh nghiệp và nhất là từ công tác truyền thông.
Xin cảm ơn ông!