| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn đã qua và khởi đầu của một nền nông nghiệp trách nhiệm

Thứ Hai 20/06/2022 , 14:27 (GMT+7)

Tôi nhớ rõ cảm giác đơn độc và ấm ức sau khi bài 'Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu' gần như bị phủ định tất cả...

Chuyện buồn đã qua

Đó là chuyện có thật ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội khi 10 năm ròng nông dân không phải dùng đến thuốc sâu bởi áp dụng kỹ thuật cấy lúa kiểu SRI. Thấy câu chuyện quá hay, tôi phỏng vấn từ nông dân đến lãnh đạo HTX, thôn, xã ở đây để lấy tư liệu và viết. Bài báo sau khi đăng tải (năm 2017) đã gây ra một sự chấn động lớn trong dư luận nhưng rồi người ta cho rằng tôi nói phóng lên vì chuyện quá khó tin.

Một số cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp đã lập tức về Đỗ Động và tôi cũng theo đoàn. Kiểm tra, thì cả xã không có cửa hàng thuốc sâu nào, hỏi nhiều nông dân đều khẳng định từ lâu không còn dùng đến thuốc sâu nữa, đi trên các cánh đồng mênh mông bới từng bụi cỏ cũng không tìm thấy một vỏ bao thuốc sâu bất kỳ.

Trước những chứng cứ thuyết phục như thế nhưng người ta sau đó vẫn khăng khăng rằng không có chuyện cả xã không dùng thuốc sâu bởi lẽ ước tính trong 1.509 hộ nông dân của Đỗ Động mới có khoảng 97 - 98% không dùng, còn 2-3% vẫn dùng.

Lạ ở chỗ lãnh đạo thôn, HTX và xã lúc đầu khẳng định với tôi chuyện đó nhưng rồi khi đoàn về thì không dám nói như thế nữa. Còn cơ quan chuyên môn nọ cũng vin vào cái cớ đó để gạt đi.

Một nông dân thảnh thơi với mô hình lúa - vịt, không dùng thuốc sâu ở Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nông dân thảnh thơi với mô hình lúa - vịt, không dùng thuốc sâu ở Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ có mỗi mình ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội hồi ấy dám đứng lên bảo vệ sự thật đó của Đỗ Động cũng như nhiều xã khác của Hà Nội khi trồng lúa theo kiểu SRI đã không phải dùng đến thuốc sâu nhưng đã bị người ta lờ đi.

Sau này, tôi nghe phong thanh chẳng rõ thực hay hư rằng sở dĩ địa phương sợ cái tiếng không dùng thuốc sâu bởi trước đó họ đã từng được hỗ trợ thuốc sâu, nếu nhận thì dễ dị nghị rằng số thuốc sâu đó đã đi đâu. Còn cơ quan chuyên môn nọ thì nếu thừa nhận là cấy lúa không thuốc trừ sâu dễ dàng như thế, cả làng, cả xã đều thực hiện được thì vai trò của họ ở đâu khi để số lượng thuốc nhập khẩu về hàng năm còn nhiều như vậy. Một cơ hội tốt để tuyên truyền, nhân rộng về một mô hình hay đã bị ngành nông nghiệp bỏ qua như thế.

Từ năm 2017 đến nay Việt Nam đã loại bỏ 14 hoạt chất, 1.706 sản phẩm thuốc và 1.265 hàm lượng không đáp ứng quy định về quản lý ra khỏi Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Đã giảm từ nhập khẩu 100.000 - 120.000 tấn thuốc sâu với giá trị 500 - 700 triệu USD/năm xuống còn 60.621 tấn với giá trị 347 triệu USD/năm. Nhưng thế vẫn là chưa thể đủ bởi so với nhiều nước, lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên một đơn vị canh tác của Việt Nam vẫn còn cao, trong đó có những hoạt chất vẫn độc.

Che nắng cho bưởi trong mô hình không thuốc sâu ở Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Che nắng cho bưởi trong mô hình không thuốc sâu ở Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng” thứ để ăn, thứ để bán vẫn diễn ra khá phổ biến chỉ trừ những lô hàng xuất khẩu hay theo đơn đặt hàng của siêu thị, cửa hàng có kiểm tra về dư lượng một cách nghiêm ngặt.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế năm 2020 tại Việt Nam có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, trung bình cứ 100.000 người thì có 159 người mắc mới và 106 người tử vong do ung thư. Bệnh ung thư gây ra bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung có 2 nhóm: Nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường, thức ăn...) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…). Trong đó môi trường ô nhiễm, thức ăn tồn dư chất độc gần đây nổi lên như một nguyên nhân đáng quan ngại mà vấn nạn dùng thuốc trừ sâu thiếu ý thức trong nông nghiệp là một phần.

Những bài báo làm căn cứ để lan tỏa mô hình hay

Mấy năm vừa qua chúng ta chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn nhưng diện tích thực hiện vẫn còn rất nhỏ bởi suất đầu tư lớn, sản phẩm làm ra đắt, ngoài tầm với của số đông. Trong khi đó thì thực tế ở một số xã, huyện, tỉnh lại sử dụng rất ít thuốc trừ sâu bằng những cách rất dễ áp dụng đại trà, giá rẻ nhưng không có cơ quan báo, đài nào phản ánh và nhất là đúc kết thành kinh nghiệm chung.

Vì vậy Báo Nông nghiệp Việt Nam đã khởi đăng loạt “Nông nghiệp trách nhiệm: Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu” gồm 9 kỳ chính. Bài 1: “Huyện có nhiều xã vắng bóng thuốc trừ sâu” kể về huyện Phú Xuyên của TP Hà Nội dùng ít thuốc trừ sâu trên một đơn vị diện tích nhất của cả nước, bằng 1/10, năm 2020 chỉ là 0,26 kg/ha/năm với những người nông dân biết sám hối. Bài 2 “Huyện nhiều xã không có cửa hàng thuốc sâu” kể về huyện Chương Mỹ của TP Hà Nội có hơn 100 cửa hàng bán vật tư nông nghiệp nhưng rất nhiều đã bỏ hẳn bán thuốc sâu, bình quân toàn huyện chỉ sử dụng 0,3 kg/ha/năm.

Cấy lúa hàng rộng hàng hẹp để giảm thiểu thuốc sâu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cấy lúa hàng rộng hàng hẹp để giảm thiểu thuốc sâu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài 3 “Khoán 100, khoán 10 và sự thay đổi của sâu bệnh trên ruộng đồng” dẫn lời chuyên gia lý giải chuyện tại sao sâu bệnh lại phát sinh nhiều sau khoán 100, khoán 10 và những góc khuất của giới kinh doanh thuốc trừ sâu đã lũng đoạn chính sách, khiến nông dân lệ thuộc vào hóa chất ra sao.

Bài 4 “Hà Nội sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật nhờ đâu?” phân tích những lý do giúp Hà Nội trở thành nơi sử dụng rất ít thuốc tính trên đơn vị diện tích.

Bài 5 “Lớp IPM của những bà góa và kỷ niệm khó quên nói” kể về chuyện các lớp học sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách ở Hải Phòng đã giúp ích gì cho thành phố thêm xanh, sạch này. Bài 6 “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên và Trạm bảo vệ thực vật chỉ có 1,5 người” và bài 7 “Để thoát cảnh sáng tươi, chiều héo, tối không khéo đổ đi” nói về kinh nghiệm của Vĩnh Phúc trong giảm thiểu thuốc trừ sâu trên lúa, rau và cây ăn quả. Bài 8, “Đêm không ngủ ở nhà khuyến nông viên và chuyện trên những đồi chè” và bài 9 “Tỉnh bị doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật… ghét nhất” nói về những kinh nghiệm giảm thiểu thuốc sâu trên cây chè, lúa, bưởi của tỉnh Phú Thọ làm cho nông dân rất thích nhưng khiến doanh nghiệp bán thuốc lại ghét. Tuyến bài còn có nhiều bài bổ trợ như phỏng vấn, ý kiến ủng hộ của những người làm trong và ngoài ngành. 

Một trang trại thanh long không thuốc sâu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một trang trại thanh long không thuốc sâu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không tuyên truyền bài trừ thuốc trừ sâu một cách chung chung, không có thực tế mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa ra các bằng chứng khoa học, những biện pháp kỹ thuật cụ thể của các địa phương để giảm hẳn lượng sử dụng mà vẫn được mùa. Bộ NN-PTNT cũng đã mở các hội nghị với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân… để nhân rộng. Đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã phát động lời hiệu triệu trong toàn ngành về nông nghiệp trách nhiệm, chuyển từ năng suất sang chất lượng, từ lợi nhuận sang nhân văn và bền vững.

Hãy là người tiêu dùng khó tính

Mấu chốt của nền nông nghiệp có trách nhiệm là phải giảm được việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, nhất là các loại nhập lậu rất độc. Nhưng một mình ngành nông nghiệp là không thể đủ lực để thực hiện điều này. Thứ nhất đó là trách nhiệm của lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường ở các cửa khẩu. Thứ nhì là trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuốc phải loại bớt những hoạt chất có hại, như chính gợi ý của Hội thuốc Bảo vệ Thực vật là nên giảm 30% số lượng thuốc đã đăng ký.   

Niềm vui ngày thu hoạch thanh long ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui ngày thu hoạch thanh long ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ ba là trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất thuốc sâu phải chọn các chủng loại bảo vệ được sức khỏe của nông dân lẫn người tiêu dùng nông sản. Thứ tư là trách nhiệm của các đại lý thuốc khi bán phải tư vấn đúng cho nông dân, không đơn thuần chạy theo lợi nhuận. Thứ năm là trách nhiệm của nông dân không được dùng những hóa chất gây độc cho cộng đồng và cho cả chính mình. Thứ sáu là trách nhiệm của những người bán nông sản không được nhập hàng không rõ nguồn gốc và chất lượng.

Cuối cùng là trách nhiệm của chính người tiêu dùng không tiếp tay một  cho việc lạm dụng thuốc sâu bằng cách mua hàng nông sản trôi nổi,  không rõ nguồn gốc, cách thức sản xuất. Khi không thể bán được hàng nông sản được sản xuất kiểu vô trách nhiệm thì sẽ là cơ hội cho nông nghiệp trách nhiệm. Chủ đề nông nghiệp trách nhiệm cũng đã được nhiều ngành, nhiều địa phương hưởng ứng nhiệt tình, và bắt tay vào bằng những hành động cụ thể. Con đường đến với nông sản sạch một cách đại trà, cho số đông vẫn còn ở xa nhưng đó là những khởi đầu cho một hành trình đầy hứa hẹn với Việt Nam.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm