Phản ánh của người dân phường Hương Long, TP. Huế, nhiều năm nay, ở địa phương này đã diễn ra tình trạng máy gặt “cát cứ” trên cánh đồng, khiến việc thu hoạch lúa của người dân gặp rất nhiều khó khăn, chi phí lại cao.
Tình trạng độc quyền này cũng đã diễn ra ở vụ đông xuân 2019-2020, trong khi đó, do ảnh hưởng những đợt mưa gió vào giữa và cuối tháng 4 vừa qua, khiến hàng trăm ha lúa đông xuân ở phường Hương Long bị đổ rạp. Sau khi chờ "đỏ mắt" mà cũng không có máy gặt, nhằm cứu lấy lúa đổ, nhiều người đã liên hệ 3 máy gặt ngoài địa phương, nhưng khi máy gặt mới chạm đến bờ ruộng thì cán bộ HTX chạy đến đánh phí 1 triệu đồng. Chủ máy đành phải cho máy quay về, khiến người dân rất bất bình.
Vụ đông xuân này, hộ gia đình ông T.Đ.P. trú ở phường Hương Long có gần 3 sào lúa bị đổ rạp, do việc thu hoạch chậm trễ đã khiến nhiều diện tích lúa của gia đình ông hư hại.
Cùng hoàn cảnh, nhiều hộ nông dân khác ở phường Hương Long đã bất bình trước việc máy gặt do HTX liên hệ, độc chiếm đồng ruộng gây khó khăn cho bà con trong việc thu hoạch lúa.
Theo những người dân nơi đây, chi phí gặt ở địa phương cũng cao, bình quân 110.000 đồng/sào đối với lúa đứng, 130 - 150.000 đồng/sào lúa bị đổ, trong khi đó, thời gian vừa qua giá xăng, dầu liên tục giảm.
“Lúc đó, chỉ muốn đưa được lúa về nhà sớm lúc nào hay lúc đó, chứ cũng không kể chi phí cao thấp. Nhưng thường ở đây giá cao hơn nơi khác 1 - 2 chục ngàn vì máy nó độc quyền. Máy HTX mà đã xuống đồng gặt 5 -7 sào, thì có để đó cũng không còn ai dám tới gặt. Từ lâu, người dân chúng tôi rất bất bình về việc này” ông P. bức xúc.
Trao đổi với NNVN, ông Thái Văn Dinh, Giám đốc HTX NN Hương Long thừa nhận, có một số thành viên HTX đã phản ánh khó khăn trong việc gặt hái lúa vụ đông xuân, do thiếu máy gặt.
Theo ông Dinh, trước đó, HTX NN Hương Long có hợp đồng mùa vụ với 8 chiếc máy gặt, nhưng sau đó, các thành viên HTX phản đối nên từ năm 2016 đến nay HTX không còn tiến hành việc hiệp đồng nữa, mà chỉ đứng trung gian gọi máy về cho xã viên thuê.
Đồng thời, ông Dinh cũng thừa nhận, việc HTX đã đứng ra thu tiền máy gặt và việc thu này là theo văn bản của Hội đồng quản trị HTX và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
“Việc thu tiền đã thực hiện nhiều năm nay rồi, máy ở địa phương 500 ngàn đồng, máy ngoài địa phương thì 1 triệu đồng/vụ. Tiền sau khi thu được, HTX đã dùng vào việc sửa chữa đường giao thông và kênh mương nội đồng” ông Dinh cho hay.
Còn việc người dân tố do độc quyền máy gặt nên chi phí gặt máy ở địa phương cao, ông Dinh cho rằng: HTX chỉ đứng trung gian và đưa ra giá như thế, còn bao nhiêu thì giữa xã viên và chủ máy thỏa thuận.
Ông Võ Quý Tiến, Chủ tịch UBND phường Hương Long cho hay, sáng 4/5, sau khi nghe phản ánh của người dân, ông Tiến và Bí thư Đảng ủy phường Hương Long đã trực tiếp chạy ra đồng để xem tình hình. Sau đó, đã chỉ đạo cho HTX phải điều động thêm máy gặt để khẩn trương thu hoạch lúa cho bà con. Đến ngày 6/5, thì toàn bộ diện tích lúa đông xuân ở phường Hương Long đã được thu hoạch xong, chậm 1 ngày so với lịch thời vụ là ngày 5/5.
Cũng theo ông Tiến, sở dĩ người dân bức xúc do vụ đông xuân năm nay ảnh hưởng các đợt mưa gió nên máy gặt xuống đồng chậm, hơn nữa, lúa bị đổ nhiều khiến bà con nông dân nôn nóng nhanh gặt để đưa về nhà. T
khi đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều máy gặt ở Bình Định không ra được, HTX NN Hương Long chỉ gọi được một số máy chủ yếu máy ở trên địa phương.
“Người dân phản ảnh bắt đóng phí, cái này quy định từ trước đến nay rồi, máy vào phải có phí tu sửa nội đồng, hư hỏng mương máng. Nhưng chúng tôi đã chỉ đạo HTX không được thu nữa. Cần lắm lấy tiền từ quỹ phúc lợi của HTX ra mà làm. Còn bà con nông dân ai kêu máy về cứ kêu” ông Tiến nói.
Được biết, năm 2016, nhiều thành viên HTX NN Hương Long cũng đã đứng ra phản đối và đã yêu cầu lãnh dọa HTX hủy việc kí hợp đồng mùa vụ với nhiều máy gặt sau thời gian đầu làm ăn không hiệu quả.