| Hotline: 0983.970.780

Từ 1 dự án ‘treo’, người dân lấn chiếm gần 50 ha đất rừng

Thứ Năm 14/04/2022 , 07:47 (GMT+7)

Từ dự án phát triển khu du lịch sinh thái bất thành, hàng chục hộ dân ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định) lấn chiếm gần 50 ha đất rừng để trồng keo…

Dự án “treo” gần 20 năm

Theo ông Huỳnh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định), những ngày đầu tháng 4 này, Thanh tra huyện Vân Canh đã về thanh tra đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn giai đoạn từ năm 2016-2021 theo yêu cầu. UBND xã Canh Hiển đã báo cáo 10 vấn đề liên quan để phục vụ cuộc thanh tra.

Trong đó, đáng chú ý là vấn đề liên quan đến diện tích đất đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch khu du lịch Suối Cầu trước đây. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 06/2002/NQ-HĐ ngày 9/7/2002 của Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Canh Hiển tại kỳ họp lần thứ 6 HĐND xã khóa VI, trong đó có nội dung tiếp tục mở khu du lịch sinh thái Suối Cầu, HĐND xã giao UBND xã tổ chức đưa vào sử dụng.

Dự án khu du lịch sinh thái hồ Suối Cầu ở huyện Vân Canh (Bình Định) hiện đang 'tắc tị'. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án khu du lịch sinh thái hồ Suối Cầu ở huyện Vân Canh (Bình Định) hiện đang “tắc tị”. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày 16/4/2003, UBND xã Canh Hiển xây dựng phương án khu du lịch sinh thái Suối Cầu trình UBND huyện phê duyệt, đồng thời kêu gọi đầu tư để tổ chức thực hiện dự án có tổng diện tích 457 ha tại các tiểu khu 365a, 358 thuộc xã Canh Hiển và tiểu khu 363a thuộc xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh). Ngày 19/5/2003, UBND huyện Vân Canh phê duyệt phương án và chuyển UBND xã Canh Hiển tổ chức thực hiện.

Sau đó, ông H. T. S ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đến thuê đất để đầu tư xây dựng, thực hiện theo phương án và bản thuyết minh tổ chức đầu tư, quản lý sử dụng khu du lịch sinh thái Suối Cầu của UBND xã Canh Hiển giai đoạn 1.

Trong quá trình triển khai thực hiện, ông S. đã xây dựng tường rào, cổng ngõ, lán trại, ngăn hồ Suối cầu thành các ao nhỏ để nuôi cá, lắp đặt đường ống dẫn nước từ suối về; đồng thời san ủi một số diện tích để trồng keo lai, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò trong diện tích 105 ha.

Thế nhưng trong quá trình nuôi cá, một số hộ dân thôn Thanh Minh vào tự ý đánh bắt cá, dẫn đến mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và người dân. Từ đó trở đi, ông S. không tiếp tục đầu tư nữa, sau đó, những hạng mục ông S. đầu tư trước đây cũng bị hoang phế dần. Dự án phát triển khu du lịch sinh thái Suối Cầu đi vào ngõ cụt.

Con đường đi vào hồ Suối Cầu bao năm qua vẫn hoang sơ. Ảnh: V.Đ.T.

Con đường đi vào hồ Suối Cầu bao năm qua vẫn hoang sơ. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày 3/10/2005, UBND huyện vân Canh ban hành Quyết định số 465/QĐ-UBND hủy bỏ các văn bản có liên quan khu du lịch sinh thái Suối Cầu trước đây. Quyết định nói trên đã hủy bỏ thông báo số 15/TB-UB ngày 24/4/2003 của UBND huyện Vân Canh do Chánh văn phòng UBND huyện Phạm Xuân Thành ký; hủy bỏ phê duyệt do ông Nguyễn Danh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh ký ngày 19/5/2003 tại phương án tổ chức dầu tư, quản lý, sử dụng công trình khu du lịch sinh thái Suối Cầu (xã Canh Hiển).

Sau đó, UBND huyện Vân Canh giao UBND xã Canh Hiển phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thông báo cho các tổ chức kinh tế và cá nhân có nhu cầu tổ chức kinh doanh du lịch hồ Suối Cầu, tiến hành lập đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và hợp đồng thuê đất theo quy định.

Người dân lấn chiếm 50 ha đất rừng

Ông H.T.S sau đó có nhu cầu kinh doanh du lịch hồ Suối Cầu, có đơn xin thuê đất để phát triển du lịch sinh thái và được UBND xã tiếp nhận, trình UBND huyện Vân Canh đề nghị xét cho thuê đất để tổ chức quản lý khu du lịch sinh thái Suối Cầu tại tờ trình số 52/TTr-UBND ngày 21/12/2006.

Ngày 9/5/2007, UBND huyện Vân Canh ban hành Quyết định số 339/QĐ-UBND về việc cho thuê đất để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đối với ông H. T. S tại khoảnh 7, tiểu khu 358 xã Canh Hiển với diện tích 10.000m2 và Quyết định số 340/QĐ-UBND về việc cho thuê đất để trồng cây lâu năm khác tại lô 7, 8, 11 tiểu khu 358 xã Canh Hiển với diện tích 311.200m2.

Những hạng mục nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Suối Cầu giai đoạn ban đầu dần hoang phế. Ảnh: V.Đ.T.

Những hạng mục nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Suối Cầu giai đoạn ban đầu dần hoang phế. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy  nhiên, theo ông Huỳnh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, sau khi thuê đất, ông H. T. S đã không thực hiện đúng với nội dung biên bản làm việc với UBND xã, đến ngày 14/10/2007 ông S. đã tập kết cây giống và thuê công nhân trồng cây bạch đàn diện tích 3ha. Sau đó UBND xã Canh Hiển đã tiến hành kiểm tra thực địa, lập biên bản đình chỉ việc trồng rừng của ông S. vào ngày 15/10/2007. Đến nay, một số diện tích bạch đàn này đã khai thác và trồng lại keo lai, một số người dân địa phương lấn chiếm đất rừng, trồng xen kẽ keo lai trong diện tích bạch đàn còn lại.

Ngày 23/7/2007, UBND huyện Vân Canh ban hành Quyết định số 516/QĐ- UBND thu hồi đất thuê của ông H. T. S, trong đó thu hồi Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 09/5/2007 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 01400 ngày 09/5/2007 về việc cho thuê đất để trồng cây lâu năm khác. Sau đó, UBND huyện Vân Canh ban hành Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 3/12/2008 thu hồi đất sản xuất kinh doanh của ông S. và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 882351 với diện tích 10.000m2.

Từ đó đến nay, việc khai thác phát triển khu du lịch sinh thái Suối Cầu hầu như bế tắc. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch này vẫn còn thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục chờ đợi nhà đầu tư mới.

“Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007, việc khai thác, phát triển khu du lịch sinh thái Suối Cầu không mang lại hiệu quả, có khoảng 20 hộ dân ở thôn Thanh Minh tự ý lấn chiếm đất để trồng keo trái phép diện tích khoảng 50ha. Các hộ dân nói trên đã khai thác rừng trồng trên diện tích lấn chiếm qua nhiều chu kỳ, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo UBND xã đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn xử lý chưa xong”, ông Huỳnh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, cho hay.

Những diện tích đất người dân lấn chiếm để trồng rừng qua nhiều đời lãnh đạo xã Canh Hiển vẫn xử chưa xong. Ảnh: V.Đ.T.

Những diện tích đất người dân lấn chiếm để trồng rừng qua nhiều đời lãnh đạo xã Canh Hiển vẫn xử chưa xong. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Quý, đối với diện tích do ông H. T. S trồng keo lai, UBND xã đã làm việc với ông S. yêu cầu khai thác keo trả đất cho Nhà nước. Phần diện tích này hiện nay UBND huyện Vân Canh đang cho hộ gia đình thuê đất sử dụng với diện tích 3,29ha để trồng rừng sản xuất và 4,1ha đất trồng cây hàng năm.

“Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang đề xuất thu hồi lại các diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm. Sắp đến, rừng nào thuộc phòng hộ thì giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý, còn đất rừng sản xuất sẽ quy hoạch thu hút đầu tư du lịch sinh thái và nông nghiệp”, ông Lương Đình Tiên cho hay, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh chia sẻ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.