- Dạo này trong dân gian có nhiều từ rất mới để ám chỉ nhiều công chức đấy.
- Nhưng từ gì vậy?
- Ông nghe từ “công chức 100” chưa?
- Chưa. Nghĩa là gì?
- Nghĩa là những người đã từng phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để chạy một suất công chức.
- À!
- Bây giờ cứ thấy một tay công chức nào đó có ý độ muốn vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp, người ta lại rỉ tai nhau rằng có lẽ đó là “công chức 100” đang muốn gỡ gạc lại vốn liếng đã đầu tư để chạy suất công chức.
- Ừ. Còn từ công chức nào nữa?
- “Công chức 30”, nghe chưa?
- Cũng chưa nghe. Là sao?
- Là để chỉ những công chức vô tích sự, có thể nằm trong nhóm 30% công chức có mặt chỉ để lĩnh lương mà chẳng làm được việc gì.
- Hay đấy!
- Giờ cứ thấy tay công chức nào lộ rõ sự yếu kém, bất tài, người ta lại kháo nhau rằng chắc đó là “công chức 30”.
- Có lý.
- Trước đây cũng đã có nhiều từ để chỉ công chức như vậy lắm.
- Kể nghe coi.
- Có từ “công chức vô cảm”.
- À, vụ này thì tôi biết. Là để chỉ những công chức thiếu trách nhiệm, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
- “Bác sĩ phong bì”.
- À, là để chỉ những bác sỹ, y tá ở các bệnh viện công chuyên ăn phong bì của bệnh nhân.
- Gần đây có cả “công chức ăn giờ”.
- Nghĩa là sao?
- Vì Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận vừa công bố về việc trong vòng 1 tuần, tổ công tác của Sở này phát hiện tới 224 công chức "ăn gian" giờ làm việc, có người "ăn gian" đến 105 phút.
- Ối giời ơi. Mới chỉ 1 tuần mà đã phát hiện tới hơn 200 vị ăn gian giờ công rồi. Nếu lắp đặt camera quan sát ở tất cả các công sở của tỉnh này, chắc còn lòi ra khối vị nữa.
- Chắc chắn thế, mà không chỉ ở Ninh Thuận, ở tất cả các tỉnh, thành phố khác, số công chức ăn gian giờ làm việc chắc chắn là không ít.
- Thôi thôi, nói chung là đụng vào giới công chức bây giờ, chắc sẽ còn khối chuyện để mà đặt ra những từ kiểu như “công chức 100” hay “công chức 30”, phải không?
- Chắc là thế!