Hiện nay, số người từ 60 tuổi trở lên với nam và 55 tuổi trở lên với nữ, được hưởng gói an sinh xã hội từ nguồn lương hưu rất ít. Số còn lại, một khi tuổi già ập đến, sức khỏe suy giảm, thường gặp rất nhiều khó khăn, do không có tích lũy, nên không biết trông vào đâu. Đa số chỉ biết trông chờ vào sự cưu mang của con cái. Nhưng nếu không may mà những người con đó cũng rất nghèo, thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đa số người không có lương hưu ấy, là những người lao động tự do, họ là những người nông dân, ngư dân, và đông nhất là những người làm thuê ở các thành thị. Theo các nghiên cứu về lao động xã hội thì số người làm thuê này chiếm tới 55%, đa số không có nghề nghiệp, ai thuê gì làm nấy, gặp gì làm nấy, không có hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Họ tạo nên một nền kinh tế phi kết cấu, dù họ đóng góp từ 20 đến 30% GDP cho nền kinh tế. Nhưng phúc lợi và an sinh xã hội đối với họ thì chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Họ cũng là lớp người dễ bị tổn thương nhất mỗi khi đất nước xẩy ra thiên tai, dịch bệnh, mà đợt dịch Covid-19 vừa bùng phát mới đây là một minh chứng rõ nhất.
Trẻ không dành dụm, già sống bằng gì? Ai cũng biết điều đó, nhưng dành dụm bằng cách nào, dành dụm bằng cách “dùng tiền bỏ ống” ư? Đó là điều cực kỳ khó đối với những lao động tự do, bởi “làm ngày nào ăn ngày đó, ráo mồ hôi là hết tiền”.
Cách tốt nhất là đóng bảo hiểm xã hội để lúc già có một khoản lương hưu. Nhưng, những lao động tự do sẽ đóng bảo hiểm xã hội ở đâu? Hiện tại, tuy đã có chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng mới có rất ít lao động tự do tham gia. Theo thống kê, cả nước mới có 1,12 triệu lao động tự do tham gia hình thức bảo hiểm xã hội này, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề xuất với Chính phủ cho nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo lên 50%, cho người cận nghèo từ 25-30% và từ 10 đến 20% đối với số người còn lại. Đây là một đề xuất rất đáng chú ý. Nếu đề xuất trên biến thành hiện thực, thì số lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tăng lên rất nhiều.
Chúng ta đang có chủ trương bảo hiểm y tế cho toàn dân, thì tại sao lại không đặt ra mục tiêu bảo hiểm xã hội cho toàn dân, một khi toàn dân đã tham gia bảo hiểm xã hội, thì vấn đề an sinh xã hội cho người già sẽ được giải quyết triệt để. Ai về già cũng có nguồn thu nhập ổn định mà không phải phụ thuộc hay dựa dẫm vào con cái. Muốn vậy, cần một chiến lược toàn diện và những chính sách cụ thể, thiết thực.