| Hotline: 0983.970.780

Từ dự án rau an toàn tới thương hiệu Rau Lá Lành

Thứ Ba 14/06/2022 , 09:16 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Sau 6 năm thực hiện, dự án rau an toàn tại Bình Định do Chính phủ New Zealand tài trợ đã mở toang cánh cửa cho nông dân tỉnh này hướng làm ăn mới…

Lợi nhuận, lượng tiêu thụ tăng mạnh

Theo ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án Rau an toàn Bình Định, Hợp phần Rau an toàn nằm trong khuôn khổ Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định do Chính phủ New Zealand tài trợ. Chính phủ New Zealand ủy quyền cho Bộ Ngoại giao - Thương mại New Zealand và UBND tỉnh Bình Định ký kết văn kiện. Viện Nghiên cứu cây trồng và Thực phẩm New Zealand (PFR) phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định thực hiện dự án.

Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định) phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án. Ảnh: VĐT.

Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định) phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án. Ảnh: VĐT.

Dự án hướng đến mục tiêu cải thiện an toàn và tính bền vững về kinh tế và môi trường cho nông dân trồng rau và an toàn cho người tiêu dùng ở Bình Định. Nông dân tham gia dự án thực hành quản lý dịch hại, an toàn trong sử dụng thuốc BVTV, nhờ đó, môi trường và sức khỏe của người trực tiếp sản xuất rau được bảo vệ tốt hơn. Theo đó, chất lượng sản phẩm rau tươi đến với người tiêu dùng cũng được cải thiện. Người trồng rau an toàn có thu nhập ổn định nhờ sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn so với những loại rau trồng theo kiểu truyền thống và mở ra cơ hội xuất khẩu.  

Cũng theo ông Phạm Tấn Phát, qua 6 năm thực hiện (6/2016 - 5/2022), dự án đã xây dựng được 50 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP với 1.260 hộ nông dân tham gia, diện tích sản xuất hơn 106 ha. Các nhóm sản xuất rau an toàn được đào tạo, thực hành sản xuất VietGAP, cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt khi tham gia dự án, cùng với những thay đổi trong tư duy sản xuất, thu nhập của nông dân đạt cao hơn từ 10 - 15% so với canh tác theo truyền thống; người tiêu dùng bước đầu cũng đã hình thành thói quen mới trong lựa chọn các loại rau, củ cho những bữa ăn hàng ngày.

Rau súp lơ xanh trong dự án rau an toàn Bình Định. Ảnh: VĐT.

Rau súp lơ xanh trong dự án rau an toàn Bình Định. Ảnh: VĐT.

Trong thời gian qua, dự án đã củng cố và hoàn thiện hoạt động sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn). Đến nay, hoạt động của hai HTX nói trên đã dần đi vào ổn định, sản lượng rau an toàn được tiêu thụ hàng năm tăng từ 10 - 20%.

Dự án còn hỗ trợ đào tạo về sản xuất, sơ chế; cải tạo nâng cấp nhà sơ chế; hỗ trợ xe vận chuyển, máy cày cầm tay để cơ giới hóa khâu làm đất; hỗ trợ đầu tư hệ thống điện, giếng khoan, máy bơm nước; mở các quầy rau để bán tại các chợ trung tâm của huyện và tỉnh. Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ nông dân chi phí khai hoang, làm đất, giống, phân bón, hệ thống tưới cho nhóm nông dân sản xuất rau an toàn tại xã vùng cao Vĩnh Sơn thuộc huyện Vĩnh Thạnh.

Thị trường rộng mở

Trong quá trình thực hiện, dự án đã xây dựng chiến lược tiếp thị và và nhãn hiệu “Lá Lành” cho rau an toàn và tổ chức lễ ra mắt vào tháng 7/2019 tại siêu thị Big C Quy Nhơn. Hiện các nhóm sản xuất rau an toàn Nhơn Hưng, Vĩnh Sơn và HTX Phước Hiệp cùng HTX Thuận Nghĩa đang sử dụng thương hiệu Lá Lành.

Điều quan trong hơn cả của dự án là giúp nông dân thay đổi được tập quán sản xuất sang an toàn, tiếp cận với thị trường. Ảnh: VĐT.

Điều quan trong hơn cả của dự án là giúp nông dân thay đổi được tập quán sản xuất sang an toàn, tiếp cận với thị trường. Ảnh: VĐT.

Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng website "lalanh.com" để kết nối với khách hàng và cập nhật những thông tin mới nhất về thương hiệu. Tính từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, Lá Lành đã đạt gần 4.000 lượt truy cập website và gần 5.000 lượng theo dõi trên facebook.

Ngoài ra, dự án còn đầu tư quảng cáo trực tuyến thông qua các kênh giải pháp mới như: Google Ad Word, SEM, Display Ad, Facebook Click to Web, Facebook Ad nhằm tiếp thị thương hiệu và sản phẩm đến với khách hàng. Thương hiệu “Lá Lành Bình Định” và các sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của thương hiệu được giới thiệu rộng rãi trên các trang cộng đồng như Bình Định Xứ Nẫu, Bình Định Thông Tin...

Từ khi ra mắt vào tháng 7/2019 đến nay, thương hiệu Lá Lành ngày càng nâng cao uy tín, được người tiêu dùng tin cậy. Sản phẩm rau Lá Lành hiện có mặt ở các siêu thị Big C, Co.opmart Quy Nhơn, VinMart, Mega Market và chuỗi các nhà cung cấp rau rau an toàn quy mô nhỏ và các đại lý khác ở Bình Định.

Qua đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, người tham gia sản xuất đã có ý thức hơn về việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. 150 đại lý kinh doanh buôn bán thuốc BVTV nắm bắt đầy đủ các quy định của nhà nước về việc kinh doanh thuốc BVTV sử dụng trên rau.

Đến nay, các HTX tham gia dự án đã được nâng cao rõ rệt về năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: VĐT.

Đến nay, các HTX tham gia dự án đã được nâng cao rõ rệt về năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: VĐT.

Dù dự án đã kết thúc, nhưng thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn để nâng cao sản lượng rau, quản lý chất lượng nghiêm ngặt đi đôi với việc đa dạng hóa chủng loại, thực hiện luân canh, rải vụ, đảm bảo cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng.

Song song đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối rộng khắp, thuận lợi cho người tiêu dùng. Ưu tiên cung ứng cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể ở các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp.

“Thành công lớn nhất của dự án là đã tác động, lan tỏa sâu rộng trong bà con nông dân về thực hành sản xuất VietGAP, từng bước giúp nông dân ổn định cuộc sống. Nhờ được trang bị kiến thức, hỗ trợ công nghệ, cơ sở hạ tầng để hình thành hệ thống sản xuất rau an toàn bài bản nên nông dân chủ động trong sản xuất, đưa rau an toàn Bình Định nhãn hiệu Lá Lành từ nông trại tới bàn ăn đúng quy trình”, ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án Rau an toàn Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.