| Hotline: 0983.970.780

Từ dưa hấu, lo tiêu thụ nông sản

Thứ Ba 01/04/2014 , 13:58 (GMT+7)

Việc dưa hấu ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) liên tiếp nhiều năm cho thấy mối lo tiêu thụ nông sản ngày càng lớn.

Trong đó nguyên nhân được các chuyên gia phân tích là lỗi trong khâu quy hoạch sản xuất và buông lỏng khâu tiêu thụ. NNVN mở diễn đàn đăng tải những nguyên nhân và giải pháp khắc phục thực trạng này.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn: Cần dự báo tốt về thị trường

nguyendoanhtuan155733130

Chúng ta có lợi thế, không chỉ dưa hấu mà một số nông sản khác. Thứ nhất, nhân công rẻ, chi phí vật tư không cao dẫn tới giá thành thấp. Thứ hai, chúng ta có lợi thế về thời vụ mà phía Trung Quốc không có được. Do đó, việc họ phải NK dưa hấu và một số nông sản khác của Việt Nam là đương nhiên.

Tuy vậy, để xảy ra sự việc ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh là việc đáng tiếc. Năm nào cũng thế, chúng ta cứ hô hào phải quy hoạch lại sản xuất, dự báo tốt về thị trường, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.

Theo tôi, ngoài việc quy hoạch thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thì trách nhiệm chính trong khâu tiêu thụ chính là Bộ Công thương. Lâu nay, chúng ta buông lỏng khâu này dẫn tới tình trạng “được mùa mất giá” nông sản diễn ra liên tục.

Phải tổ chức lại khâu tiêu thụ, trong đó dự báo thị trường là việc quan trọng nhất. Các cơ quan quản lý Nhà nước, DN, thương nhân Việt Nam chưa bao giờ thống kê, hay nắm được nhu cầu về sản lượng NK dưa hấu của phía Trung Quốc là bao nhiêu, hoặc có bao nhiêu đầu mối NK…

Một vấn đề quan trọng nữa, theo tôi, vẫn là câu chuyện liên kết tiêu thụ nông sản, trong đó vai trò của DN và nông dân là quan trọng nhất. DN cần phải có được đầu mối NK bền vững, giá cao. Ngược lại, nông dân cũng phải áp dụng KHCN để tạo ra nông sản chất lượng, kéo dài thời gian thu hoạch. Có như vậy, việc tiêu thụ dưa hấu nói riêng, nông sản nói chung mới bền vững.

Ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn: Phải xây dựng kho chứa nông sản

hoangkhanhhoa155750697

Khoảng 10 ngày trở lại đây, lực lượng Hải quan Lạng Sơn đã phải làm việc hết sức mình, mỗi ngày hơn 20 tiếng đồng hồ, để đảm bảo thông quan càng nhanh càng tốt cho hàng nghìn xe tải chở nông sản, chủ yếu là dưa hấu, sang bên kia biên giới, góp phần vào việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân miền Trung.

Tuy nhiên, năng lực thông quan, cơ sở hạ tầng kho tàng, bến bãi của cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều có hạn nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu giải phóng tất cả các xe hàng trong thời gian ngắn.

Chúng tôi cùng với các ban ngành hữu quan của tỉnh Lạng Sơn đã làm hết sức có thể, đàm phán với phía Trung Quốc để tăng cường các đầu mối NK dưa hấu, phân luồng cho các nông sản khác qua cửa khẩu Cốc Nam để giảm tải thông quan cho cửa khẩu Tân Thanh… Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng, việc đưa dưa hấu sang bên kia biên giới không thể nhanh hơn được, do các đầu mối thu mua là cố định, không thể tăng thêm.

Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị, một mặt Nhà nước, nhất là Bộ Công thương, cần đầu tư kho chứa, kho lạnh để bảo quản nông sản, tránh tình trạng thông quan chậm dẫn tới nông sản bị hỏng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng như đường sá, bến bãi cũng cần được tăng cường đầu tư.

Trong trường hợp Nhà nước không thể đầu tư xây dựng, nên có cơ chế xã hội hóa việc xây dựng này để thu hút DN tham gia. Có như thế mới đảm bảo kéo dài thời gian bảo quản nông sản, tránh không để thương nhân Trung Quốc lợi dụng ép giá.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: Bị động là thua

nguyenminhphong155802887

Hiện tượng ùn ứ dưa hấu có rất nhiều nguyên nhân như Việt Nam chưa xây dựng được các hiệp hội sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản; chưa quan tâm đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản lâu hơn, chúng ta thu hoạch đồng loạt và bán ồ ạt cùng một lúc.

Mặt khác, việc XK dưa hấu nặng lối buôn bán theo phong trào, chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên rất bấp bênh, hoàn toàn bị lệ thuộc vào chính sách biên mậu của nước bạn. Đặc biệt là thiếu hẳn sự điều tiết tầm vĩ mô về quy hoạch sản xuất hay chiến lược XK nông sản hợp lý. Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này, giá dưa sẽ càng xuống thấp và thiệt hại cuối cùng vẫn đổ lên đầu nông dân.

Câu chuyện ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh cũng như các mặt hàng nông sản khác như vải thiều, thanh long... không phải bây giờ mới xảy ra mà đã thành thông lệ, đến hẹn lại lên. Tôi cho rằng, trong “cuộc chơi” này chúng ta rất bị động. 

Cụ thể, hiện nay việc buôn bán dưa hấu và các mặt hàng nông sản khác đều theo quy trình: Đưa hàng lên, làm thủ tục thông quan xong thì chở hàng sang đất của Trung Quốc; sau đó tiểu thương Trung Quốc xem hàng và trả giá như ở chợ, dẫn tới nhiều khi tiểu thương Việt Nam bị thua thiệt. 

Thay vì làm như vậy, nay các tiểu thương Việt Nam cần thỏa thuận trước với họ về mẫu mã, lượng hàng, giá bán… rồi mới chở hàng lên cửa khẩu của Việt Nam. Có như thế chúng ta mới nắm được thế chủ động.

Ngoài ra, giải pháp lâu dài là buôn bán chính ngạch để chủ động hơn trong khâu tiêu thụ nông sản. Theo tôi, bà con nên tích cực tham gia HTX, tổ hợp tác, ngành hàng để có sức mạnh, tiếng nói quyết liệt hơn trong khâu đàm phán tiêu thụ nông sản. 

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN: Công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn yếu

nguyenquan15572653

Phải thừa nhận rằng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản chưa theo kịp trình độ và năng lực sản xuất của nông dân. Chính vì nguyên do này mà tình cảnh “được mùa, mất giá” xảy ra phổ biến.

Không phải từ câu chuyện quả vải thiều, nhãn lồng, cà phê, hồ tiêu được mùa, mất giá và hiện nay là tình trạng dưa hấu miền Trung ùn ùn chở ra cửa khẩu Tân Thanh khiến giá dưa xuống thấp… mới khiến chúng ta nhận ra điều này, mà lâu nay, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch của Việt Nam vẫn còn rất yếu.

Cơ quan quản lý Nhà nước thì chưa chú trọng, còn DN chưa thực sự có cơ chế ưu đãi tốt để đầu tư công nghệ và áp dụng tiến bộ KHKT vào khâu này.

Vì thế, thời gian tới, không nên chạy theo sản lượng, mà nên nâng cao chất lượng nông sản. Điều này buộc các nhà khoa học phải tạo ra được loại giống phù hợp, đồng thời cơ cấu lại mùa vụ, áp dụng KHCN để kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất.

Khẳng định rằng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch vô cùng quan trọng, đặc biệt là khâu chế biến, chúng ta phải đảm bảo không chỉ dưa hấu, gạo mà cả cà phê, hồ tiêu… chế biến được và có thương hiệu, chất lượng đồng đều và duy trì trong thời gian dài.

Theo Chương trình sản phẩm quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam đã lựa chọn ra một số sản phẩm kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp để tập trung đầu tư theo chuỗi công nghệ từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Trước mắt, lúa gạo, cá da trơn cũng như nấm (nấm ăn và nấm dược liệu) là 3 mặt hàng trong nông nghiệp được coi là sản phẩm quốc gia, hy vọng chúng ta sẽ có những sản phẩm thương hiệu Việt Nam từ những mặt hàng nông sản này.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.