| Hotline: 0983.970.780

Tù mù quanh việc giao đất và thu hồi đất ở TP. Lào Cai

Thứ Năm 24/05/2012 , 10:54 (GMT+7)

Trong việc thu hồi và giao đất ở TP. Lào Cai có quá nhiều chuyện tù mù, trong bài viết này chúng tôi chỉ nêu vài trường hợp đặc biệt.

Việc thu hồi và giao đất ở TP. Lào Cai luôn luôn là chuyện thời sự, nhiều quan chức dính vào chuyện đất đai đã bị kỷ luật, cách chức. Bởi trong việc thu hồi và giao đất ở TP. Lào Cai có quá nhiều chuyện tù mù, trong bài viết này chúng tôi chỉ nêu vài trường hợp để thấy vì sao nhiều hộ dân đêm ngày đội đơn đi đòi công lý…

Đất của người này cấp sổ đỏ cho người khác

Ông Nguyễn Xuân Thước trú tại đội 5, thôn Củm Hạ, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai từ năm 1997 đến nay đội đơn đến gõ cửa nhiều cơ quan công quyền của tỉnh Lào Cai về việc đất của gia đình ông bị bố con ông Vũ Văn Nhắm, Vũ Văn An chiếm đoạt. Mặc dù mảnh đất đang có sự tranh chấp, bất chấp các quy định của pháp luật UBND TP. Lào Cai vẫn cứ bưng tai, nhắm mắt cấp số đỏ cho ông Vũ Văn An. Trước máy ghi âm của chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thước trình bày như sau:

Ngày 02/10/1996 ông Đặng Văn Chỉ đã nhượng lại cho ông Nguyễn Xuân Thước lô đất gồm 2 mảnh, ngày 05/10/1996 UBND xã Đồng Tuyển xác nhận với nội dung: "Nhất trí cho phép ông Nguyễn Xuân Thước mua lại thổ cư của ông Đặng Văn Chỉ để làm trang trại sau khi có đủ giấy tờ hợp pháp". Tháng 3/1997 gia đình ông Thước chưa kịp canh tác trên mảnh đất thứ hai thì ông Vũ Văn An tới chiếm đoạt tiến hành trồng sắn trên mảnh đất đó. Ông Thước ngăn cản và có đơn gửi lên UBND xã Đồng Tuyển đề nghị giải quyết. Khi vụ việc chưa được giải quyết ông còn thấy một số người lạ mặt tới đo đạc mảnh đất đó, ông tới hỏi thì những người này vác máy bỏ chạy.


Ông Nguyễn Xuân Thước trước mảnh đất bị bố con ông Vũ Văn Nhắm, Vũ Văn An chiếm đoạt đã hợp thực hoá thủ tục

Ông Thước đâu có ngờ việc chiếm đoạt đất bất hợp pháp của gia đình ông Vũ Văn An đang được ai đó trong chính quyền giúp sức, tiến hành đo đạc bí mật để hợp pháp hoá mảnh đất. Với lý do mưa lũ gây sạt lở đất, tháng 9/2003 ông Vũ Văn An đã tổ chức san gạt và dựng nhà trên mảnh đất của ông Nguyễn Xuân Thước đã mua lại của ông Đặng Văn Chỉ. Trong quá trình san gạt và dựng nhà ông Thước còn thấy ông Lâm Hoài Vũ, nguyên Phó chủ tịch xã Đồng Tuyển là anh vợ của ông Vũ Văn An tham gia.

Trong tập hồ sơ mà ông Nguyễn Xuân Thước cung cấp cho báo Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi thấy có nhiều điểm mờ ám trong việc giải quyết vụ tranh chấp đất này. Công văn số 11/CV-UB ngày 20/7/2004 của UBND xã Đồng Tuyển gửi ông Nguyễn Xuân Thước do ông Vi Văn Lìm ký viện dẫn "Hiện tại lô đất đã được cấp GCNQSDĐ số 00077 ngày 31/12/1998 cho ông Vũ Văn Nhắm", nhưng đã thừa nhận: "Hộ gia đình ông đã làm giấy chứng nhận hoa màu năm 1996 và được UBND xã chứng thực ngày 05/10/1996. Năm 1998 cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới tiến hành các thủ tục giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên toàn xã. Thời điểm đó gia đình ông không có ý kiến gì về việc giao đất cho ông Vũ Văn Nhắm. Đồng thời từ năm 1996 đến nay gia đình ông cũng không quản lý sử dụng lô đất trên".

Với kiểu trả lời "cãi chày cãi cối", cố cãi lấy được của UBND xã Đồng Tuyển, một mặt thừa nhận mảnh đất mua bán có nguồn gốc hợp pháp, mặt khác lại cho rằng gia đình không quản lý, sử dụng thì giao cho người khác. Ông Thước bác lại rằng: Khi cơ quan có thẩm quyền lấy đất của tôi giao cho người khác có hỏi ý kiến tôi đâu mà tôi có ý kiến. UBND xã Đồng Tuyển nói rằng tôi không quản lý, sử dụng lô đất trên là không đúng. Vì lô đất được chuyển nhượng tháng 10/1996 thì tháng 3/1997 bố con ông Vũ Văn Nhắm, Vũ Văn An đã chiếm đoạt lô đất, tôi làm đơn khiếu nại nhưng xã không giải quyết thì gia đình tôi làm thế nào để quản lý và sử dụng được?

Mặc dù mảnh đất đang trong quá trình tranh chấp thì ngày 27/12/2005 UBND TP. Lào Cai lại ký cấp GCNQSDĐ cho ông Vũ Văn An với diện tích 5.463 m2 trên chính lô đất của gia đình ông Nguyễn Xuân Thước mua lại của gia đình ông Đặng Văn Chỉ. Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 ghi: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có các loại giấy tờ sau đây thì được cấp GCNQSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất". Mảnh đất này đang tranh chấp, việc UBND TP. Lào Cai cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Vũ Văn An là trái với Luật Đất đai năm 2003.

Năm 2009 tỉnh Lào Cai phê duyệt việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để khai thác tận thu quặng Apatit tại khai trường 21 Đồng Tuyển, lô đất gia đình ông Nguyễn Xuân Thước đang tranh chấp với gia đình ông Vũ Văn An nằm trong diện phải thu hồi.

Ngày 20/12/2010 tại Quyết định số 2567/QĐ-UBND do ông Nguyễn Ngọc Khải - Phó chủ tịch UBND TP. Lào Cai ký, điều 2 ghi: "Hộ ông Vũ Văn An được bồi thường hỗ trợ tái định cư theo các quy định hiện hành. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố Lào Cai thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho ông Nguyễn Xuân Thước theo quyết định đã được phê duyệt…".


Điều 2 của Quyết định thu hồi đất do ông Nguyễn Ngọc Khải ký rất lạ lùng

Một chuyện nực cười chỉ có ở TP. Lào Cai, lô đất của ông Vũ Văn An đã được cấp GCNQSDĐ là hợp pháp thì cớ sao ông An lại phải hỗ trợ cho ông Nguyễn Xuân Thước sau khi nhận xong tiền bồi thường? Điều đó ngầm thừa nhận mảnh đất của ông An chính là đất của ông Thước mà ông An đã chiếm đoạt rồi hợp thức hoá giấy tờ. Vậy ông An phải hỗ trợ cho ông Thước theo quyết định phê duyệt nào? Hay chính là quyết định phê duyệt cho ông Vũ Văn An?

Tù mù việc thu hồi đất

Trong đơn của bà Lù Thị Kim Dung còn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Khải quan liêu, trình độ năng lực yếu kém, không am hiểu pháp luật, cố ý làm sai, lợi dụng việc thu hồi đất để cấp cho những hộ không có mặt tại tổ 21 "nhảy dù" vào, trong khi đó người có hộ khẩu tại tổ 21, phường Duyên Hải bị thu hồi đất lại không được cấp đất tái định cư. Vậy có điều gì khuất tất ở đây?
Bà Lù Thị Kim Dung ở tổ 21, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai đã gửi đơn cho báo NNVN trình bày như sau: 01/10/1991 sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập, gia đình bà trở lại Lào Cai về lại mảnh đất hương hỏa của cha ông đã ở trước khi chiến tranh biên giới tháng 2/1979 nổ ra. Tổng diện tích đất bố mẹ bà cho thừa kế là 1.044m2 đã được cấp GCNQSDĐ. Khi mở đường T1 qua khu đất của gia đình nhà bà đang quản lý, sử dụng, bà đã tự nguyện tháo dỡ các công trình kiến trúc, nhà cửa giao đất cho Ban quản lý dự án và được thưởng 300.000đ. Sau khi hoàn thành đường T1, bà Dung thấy nhiều điều tù mù về cách giải quyết khó hiểu của UBND TP. Lào Cai như sau:

Hồi 15h30 phút ngày 13/10/2011 gia đình bà mới nhận được Quyết định thu hồi đất bản photocopy số 806/QĐ-UBND ngày 08/6/2009 do ông Đặng Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND TP. Lào Cai ký thu hồi 1.044m2 đất.


Bà Lù Thị Kim Dung chỉ phần đất mà UBND TP. Lào Cai thu vượt khi chưa đền bù

Như vậy, sau hơn 2 năm hành trình của bản quyết định thu hồi đất phải chăng đã vòng qua châu Mỹ mới đến được tay gia đình bà Dung? Có điều gì khuất tất ở đây khi chỉ giao cho gia đình bà Dung bản photocopy? Tại sao dự án chỉ đường T1 chỉ sử dụng 660m2 đất của nhà bà, nhưng lại thu hồi 1.044m2, vượt 384m2 sau đó chia lô bán nền. Bà không chấp nhận, vì việc thu hồi đất của gia đình bà không phải để xây dựng các công trình công cộng.

Bên cạnh đó quyết định đền bù, hỗ trợ tái định cư gia đình bà Dung vẫn chưa nhận được. Thực tế gia đình bà mới chỉ nhận được tiền bồi thường 82.214.825đ còn một số cây ăn quả và 2 căn nhà của hai con bà và 120m2 đường do gia đình bà khai phá lấy lối đi chưa được thanh toán. Mặc dù chưa bồi thường nhưng vườn cây, ao cá của gia đình bà đã bị san lấp. Cho đến nay đường T1 đã hoàn thành, nhưng hai con bà Dung là Luân Hải Âu và Luân Hải Yến chưa được UBND TP. Lào Cai bố trí tái định cư.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm