Ông Nguyễn Khắc Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết, hiện toàn xã có khoảng 800 ha xoài. Trước đây, vùng xoài của địa phương chủ yếu trồng giống xoài canh nông (giống xoài địa phương). Sau này, nông dân phát triển thêm các giống xoài Tứ Quý, xoài Úc, cát Hòa Lộc…
Tuy nhiên đối với xoài Canh nông hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con không cao do giá thu mua thấp. Còn các giống xoài Úc, cát Hòa Lộc thì cho năng suất thấp hơn các vùng trồng khác trong huyện nên lợi nhuận cũng không cao.
Thế nhưng xoài Tứ Quý lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu trên địa bàn nên sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất khá. Những năm qua nông dân đã tập trung phát triển mạnh giống xoài này bao gồm trồng mới và ghép cải tạo các giống xoài Canh nông, cát Hòa Lộc thay bằng giống xoài Tứ Quý.
“Hiện xoài Tứ Quý chiếm 60-70% tổng diện tích xoài của địa phương. Ưu điểm giống xoài này cho trái to, trọng lượng thu hoạch từ 0,5-1kg/trái. Mùa chính xoài này từ tháng 2-4 âm lịch. Tuy nhiên, hầu như người trồng không cho ra quả vụ này, mà chủ yếu điều khiển cho ra trái vụ thu hoạch từ 6-8 âm lịch. Lúc đó, các giống xoài như Canh nông, Úc đều đã thu hoạch xong. Nhờ vậy xoài Tứ Quý không bị cạnh tranh thị trường, giá bán ổn định, dao động từ 15-30 ngàn đ/kg. Sau khi trừ chi phí, trung bình 1 ha nông dân thu hoạch lãi 200 triệu đồng (từ 6-7 năm trở lên)”, ông Quảng cho biết.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài Tứ Quý với tổng diện tích khoảng 2.000m2 (2 sào), được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình ông Nguyễn Úc, thôn Cây Xoài, ông Quảng cho biết thêm, thời điểm này giống xoài này mới bắt đầu ra bông lác đác. Để cây ra bông được như vậy, người trồng đã chăm sóc, xử lý cách đây vài tháng trước. Ông Úc là một trong những nông dân có kinh nghiệm trong việc xử lý cho xoài ra trái vụ.
Ông Úc chia sẻ, từ đầu năm ông đã chăm sóc, cắt cành, tỉa nhánh vườn xoài của gia đình. Đây là một trong những khâu quan trọng trong quy trình xử lý cho xoài ra trái vụ. Đến cuối 2 âm lịch ông bắt đầu vô thuốc tưới gốc. Sau 30-45 ngày chăm sóc, ông bắt đầu kích tạo mầm cho ra bông. Và, từ khi xoài ra bông đến khi thu hoạch phải mất khoảng 2,5 tháng nữa. Tức thời điểm thu hoạch xoài bắt đầu từ cuối tháng 6 (âm lịch).
“Xử lý xoài trái vụ đã cho gia đình tôi có thu nhập khá. Cụ thể, với diện tích trên chỉ trồng 72 cây, vài năm trở lại đây, gia đình đều thu trên 100 triệu đồng. Riêng vụ năm ngoái, gia đình thu 9 tấn xoài, bán với giá trung bình 20 ngàn đ/kg, trừ chi phí còn lãi gần 160 triệu đồng”, ông Úc phấn khởi nói.
Tương tự, vườn xoài Tứ Quý rộng 2,5 sào được chuyển đổi ghép nêm đọt trên giống xoài Canh nông của nhà ông Vũ Tiến Lực, thôn Dầu Sơn cũng cho thu hoạch khá.
Ông Lực bộc bạch, trước đây với 2,5 sào Canh nông, mỗi vụ ông thu hoạch bán ra chẳng kiếm được bao nhiêu. Tuy nhiên hơn 10 năm nay khi chuyển đổi sang xoài Tứ Quý, gia đình thu nhập ngày càng khá hơn. Nhất là vài năm gần đây, tổng thu từ xoài Tứ Quý đều trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 80 triệu đồng.
“Giống xoài Tứ Quý rất hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, cộng với đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều giống xoài khác. Từ 2016 gia đình trồng thuần thêm 2,5 sào xoài Tứ Quý trên đất trồng dừa kém hiệu quả. Dự kiến, năm nay vườn xoài này sẽ bắt đầu cho trái bói, hứa hẹn giúp gia đình tăng thêm thu nhập”, ông Lực nói.
Theo các vựa thu mua xoài, hiện xoài Tứ Quý chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước, không có xuất khẩu. Trong đó các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... người tiêu dùng rất ưa chuộng giống xoài này trong việc dùng ăn xanh vì có độ ngọt vừa phải, giòn hoặc chế biến cùng cá cơm thành món gỏi cực kỳ ngon. Và, hiện nay chỉ có các xã Suối Tân, Suối Cát trồng nhiều giống xoài Tứ Quý. Vì vậy khi xoài này thu hoạch bán ra không “đụng chợ” với các sản phẩm xoài trong huyện.