| Hotline: 0983.970.780

Tư Sáng - nhà sáng chế chân đất

Thứ Hai 02/09/2013 , 15:31 (GMT+7)

Các loại máy móc nông cụ mang thương hiệu “Tư Sáng” ngay từ khi có mặt trên thị trường đã được nông dân tín nhiệm, có những thời điểm làm không kịp đáp ứng đơn đặt hàng.

Là nông dân chính hiệu, chưa từng qua trường lớp đào tạo cơ khí nào nhưng lão nông Nguyễn Văn Sáng (Tư Sáng, 63 tuổi, ở phường I, TP Vị Thanh, Hậu Giang) đã tự mày mò chế tạo ra nhiều loại máy giúp nông dân cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động lên gấp 3, 4 lần.

Các loại máy móc nông cụ mang thương hiệu “Tư Sáng” ngay từ khi có mặt trên thị trường đã được nông dân tín nhiệm, có những thời điểm làm không kịp đáp ứng đơn đặt hàng.

Từ vất vả nghề nông

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 người con (4 trai, 4 gái) bên dòng kênh xáng Xà No hiền hòa, quanh năm nước ngọt phù sa, Tư Sáng không có điều kiện học hành nhiều nên đã sớm chọn nghề nông để khởi nghiệp.


Lão nông Tư Sáng giới thiệu về máy xúc lúa

Thời trai tráng, ngoài chuyện đồng áng gia đình, Tư Sáng còn đi lái máy cày, máy xới thuê để kiếm thêm thu nhập. Sau khi lập gia đình, được cha mẹ hai bên chia cho một số đất ra riêng, Tư Sáng vừa làm ruộng vừa tích lũy mua thêm. Khi đã có trong tay diện tích đất khá khá, Tư Sáng vừa mừng lại vừa lo.

Tư Sáng tâm sự: “Trước đây làm lúa rất vất vả, không có máy móc nhiều nên phải làm thủ công, nhất là khâu thu hoạch. Từ cắt, gom lại cho đến mang về nhà phơi, nông dân đều phải tự tay làm hết”. Vụ đông xuân thời tiết khô ráo còn đỡ, chứ vụ hè thu, trời mưa rề rề, cắt được bông lúa mang từ ruộng về đã khó, canh cho trời nắng để phơi khô hạt lúa lại càng khó hơn.

Không ít lần cả nhà vừa cào lúa ra phơi thì cơn mưa ập tới, lại phải cuống cuồng kéo lại để che đậy cho khỏi ướt. Mệt muốn đứt hơi nhưng cũng phải làm. Nhưng cũng có khi chạy không kịp, lúa bị ướt lên mộng, giảm phẩm chất nên phải bán rẻ bèo. Thế là lỗ nặng. Những lần như vậy tui luôn mơ ước có một chiếc máy cào lúa, chạy bằng động cơ thì nông dân đỡ khổ”.

Nhưng mơ ước của Tư Sáng vẫn chỉ là ước mơ. Vì trên thị trường chẳng có nơi nào bán loại máy này. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, lò sấy lúa ra đời đã giúp nông dân thoát được cảnh “trông mưa, trông nắng” để phơi lúa mỗi khi thu hoạch. Tuy nhiên, khâu cào lúa và đóng lúa vào bao thì nông dân vẫn phải làm thủ công giống như phơi lúa trên sân. Thậm chí còn vất vả hơn cả trước đây.

“Nhiều khi lò sấy vừa tắt máy, lúa còn nóng hừng hực nhưng nông dân vẫn phải lên cào kéo lúa xuống để còn tranh thủ sấy mẻ khác cho kịp thời vụ. Lúa sấy thường bám theo tro bụi, cả người xúc lẫn người hứng bao đều bị ho sặc sụa. Chứng kiến cảnh này, tôi lại ước gì có chiếc máy xúc lúa vào bao để giảm sức lao động chân tay cho nhà nông”, Tư Sáng trăn trở.

Đến nhà sáng chế

Mơ ước, ấp ủ ý tưởng, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ nhưng Tư Sáng đành “lực bất tòng tâm” vì bản thân có biết gì về cơ khí đâu mà chế tạo. Vốn liếng duy nhất mà lão nông này có được chỉ là chút kiến thức của gã “thợ vườn” về làm cửa sắt mới học trong lúc nông nhàn vào năm 2004.

Không nản chí, Tư Sáng tự khăn gói lên đường tìm đến những nơi chuyên làm máy suốt, máy gặt đập liên hợp để tầm sư học đạo. Nhưng đi đến đâu ông cũng nhận được cái lắc đầu vì chẳng ai biết cái máy xúc lúa ra làm sao.

“Thị trường không có mẫu, cũng chẳng có nơi nào dạy làm, thất vọng muốn bỏ cuộc nhưng hình ảnh người nông dân trên lò sấy nóng hực, khói bụi mù mịt mà phải cào đảo lúa, xúc lúa vô bao lại thôi thúc tôi phải làm cho bằng được”, Tư Sáng nhớ lại những khó khăn của những ngày đầu sáng chế.

Những ngày rong ruổi khắp nơi tuy không tìm được thầy học đạo những cũng giúp Tư Sáng có được những “sàng khôn”. Hình ảnh “chiếc khoan” nhả lúa vào miệng bao trên máy suốt lúa, máy gặt đập liên hợp đã cho ông ý tưởng về chiếc máy xúc lúa.

 Về nhà, Tư Sáng tự mày mò thiết kế mẫu rồi cưa, cắt sắt để hàn khung, bộ phận xúc lúa là một mũi khoan bự đặt trong ống tròn, lấy lúa từ dưới lên theo hình xoắn ốc khi trục khoan quay.

“Nghe đơn giản vậy những cũng phải qua nhiều lần thất bại, hàn xong rồi lại phải cắt ra, chỉnh sửa, nghiên cứu chế tạo mãi từ tháng 6/2007 đến tháng 2/2008 chiếc máy đầu tiên mới hoàn thành. Máy được làm bằng sắt và tôn, gắn mô tơ điện 3 mã lực, công suất xúc lúa vào bao 10-12 tấn/giờ”, Tư Sáng cho biết.

Chiếc máy ra đời đã được nhà nông nhiệt tình đón nhận. Vì có nó nông dân không còn cảnh vất vả cặm cụi xúc lúa vào bao. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ những khiếm khuyết như bụi bay nhiều, người đứng cạnh chịu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Vậy là Tư Sáng liền thiết kế thêm máy hút bụi, không cho phát tán ra môi trường. Chiếc máy thế hệ thứ 2, thứ 3 ngày càng hoàn thiện, được gắn thêm bốn bánh xe cho dễ di chuyển, có bộ phận điều chỉnh cao thấp đề xúc lúa từ mặt sân hay lúa gom thành đống, hai bên có thêm bộ phận khoan để gom lúa vào cho dễ xúc…


Nhà sáng chế nông dân Tư Sáng đang giới thiệu máy cào lúa cho khách

Đánh giá về chiếc máy của mình, Tư Sáng phấn khởi: “Trước đây, xúc bằng thủ công phải cần tới 4 người, làm việc trong 5 giờ cho một mẻ sấy 10-12 tấn. Còn với máy xúc chỉ cần 2 người vận hành, làm việc trong 1 giờ là xong, tiêu tốn chỉ 3Kw điện”.

Các chủ lò khắp nơi trong vùng tìm đến đặt hàng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tính đến nay đã có trên 80 máy xúc lúa được bán đi khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, giúp giải phóng sức lao động của nhà nông.

Sau thành công của chiếc máy xúc lúa đóng bao, Tư Sáng lại bắt tay nghiên cứu máy cào lúa. Nhờ những kinh nghiệm đã có được nên chiếc máy cào lúa đầu tiên chỉ mất 2 tháng để hoàn thành. Máy sử dụng mô tơ điện 3 mã lực để thay thế sức người kéo, có gắn thêm bộ phận điều khiển để dễ dàng vận hành tới lui, điều chỉnh chuyển hướng…

Máy cào lúa chỉ cần 1 người điều khiển nhưng năng suất lao động bằng 4 người làm thủ công. Điều quan trọng là giúp cho chủ lò giải quyết được tình trạng thiếu lao động, giảm được chi phí lao động.

Những thành công này đã giúp Tư Sáng trở thành “Sao Thần nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng vào năm 2009 và được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba một năm sau đó.


Tư Sáng đang giới thiệu về máy xúc lúa cho khách

Tiếp tục nghiên cứu

Trao đổi với chúng tôi, Tư Sáng cho biết đang “thai nghén” để tiếp tục cho ra đời chiếc máy sạ lúa. “Hiện nay trên thị trường đã có máy sạ hàng nhưng vận hành tốn nhiều thời gian nên nông dân vẫn chọn giải pháp sạ lan là chính. Vì vậy, tôi đang nghiên cứu để làm ra chiếc máy sử dụng khí động học để thổi hạt lúa bay ra giống như cầm tay vãi.

Nông dân chỉ cần ngồi trên máy điều khiển chứ không phải lội ruộng để kéo như máy sạ hàng. Cái khó nhất hiện nay là làm sao cho hạt lúa giống bay ra được đều. Nếu giải quyết được vấn đề này thì chỉ một thời gian ngắn chiếc máy sẽ rà đời”, Tư Sáng khẳng định chắc nịch.

Theo mô tả của Tư Sáng thì chiếc máy này có thể gieo sạ được 200 công ruộng/ngày, rất phù hợp cho mô hình cánh đồng mẫu lớn, những hợp tác xã hay những nông dân làm trang trại. Hy vọng với những quyết tâm sáng chế vì nông dân, thì không bao lâu nữa chiếc máy giẹo sạ lúa mang thương hiệu “Tư Sáng” sẽ có mặt trên những cánh đồng bạt ngàn ở ĐBSCL.

Khi được hỏi về nhà sáng chế nông dân Nguyễn Văn Sáng, ông Nguyễn Thái Hòa, Phòng Sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ, Sở KH-CN Hậu Giang đánh giá, những sáng chế của lão nông Tư Sáng đều có tính ứng dụng cao, được nông dân nhiệt tình ủng hộ. Đặc biệt là giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế hộ ở nông thôn. Dù đã lớn tuổi nhưng Tư Sáng vẫn miệt mài nghiên cứu để cho ra đời những máy móc nông cụ có tính ứng dụng cao.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Vị Thanh, Lê Minh Thông cho biết, hộ ông Nguyễn Văn Sáng là nông dân SXKD giỏi các cấp nhiều năm liền. Năm 2009, Tư Sáng được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tặng bằng khen “Nông dân SX lúa sáng tạo toàn quốc”.

Cũng trong năm này, ông được bình chọn là 1 trong 50 nông dân sáng tạo tiêu biểu về sản xuất lúa toàn quốc và được chọn đi Hà Nội để đi báo cáo điển hình.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.