| Hotline: 0983.970.780

Từ thủ phủ cây ăn quả miền Bắc, đến khát vọng 'cởi trói' chính sách giữ đất lúa

Thứ Tư 08/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Bắc Giang phê duyệt năm 2014 đưa ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ chuyển 1.500ha đất lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi. Song thực tế diện tích chuyển đổi này đã tăng lên rất nhiều. Hầu hết diện tích được chuyển đổi đều có thu nhập cao; đặc biệt là cây ăn quả có múi hiện cho thu nhập tăng gấp 27 – 28 lần so với trồng lúa.

LTS: Không ít nơi ở miền Bắc sản xuất lúa không hiệu quả do diện tích canh tác nhỏ, manh mún, chi phí cao, giá trị sản xuất thấp.

Trong khi người nông dân miền Bắc, nhất là ở đồng bằng sông Hồng, trình độ cao, linh hoạt trong tính toán làm ăn, đủ sức, đủ vốn để chuyển đổi nuôi trồng cây con khác phù hợp, hiệu quả hơn nhiều so cấy lúa. Do vướng mắc chính sách giữ đất lúa, nhiều nơi, từ chính quyền địa phương đến người dân phải lách bằng nhiều cách, có nơi chuyển đổi chui rất bi hài!

Loạt bài này, nhóm PV NNVN ghi nhận thực tế tại một số tỉnh về những mong muốn "cởi trói" cho đất lúa, về sự "bung ra" trong sản xuất nông nghiệp... 

 

* Cây ăn quả có múi cho thu nhập gấp 27 – 28 lần so trồng lúa
 

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Bắc Giang phê duyệt năm 2014 đưa ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ chuyển 1.500ha đất lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi. Song thực tế diện tích chuyển đổi này đã tăng lên rất nhiều. Hầu hết diện tích được chuyển đổi đều có thu nhập cao; đặc biệt là cây ăn quả có múi hiện cho thu nhập tăng gấp 27 – 28 lần so với trồng lúa.
 

Huyện chuyển đổi gần 3.000ha đất lúa

Huyện Lục Ngạn, trước năm 2010 quy hoạch diện tích trồng lúa là 5.300ha, sau 6 năm toàn huyện đã có gần 3.000ha đất lúa chuyển sang trồng cây ăn quả, chủ yếu cây có múi.


Mùa thu hoạch cam của nông dân xã Tân Mộc
 

Ông Trình Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho biết, toàn xã có 400ha đất lúa. Hiện người dân đã tự chuyển 180ha sang trồng cam và 200ha trồng vải. Còn lại 20ha đất 1 vụ lúa nữa mà thôi.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ông từng làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Chánh VP UBND tỉnh, trực tiếp tham mưu giúp việc cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông nghiệp nên rất thấu hiểu khát vọng của nông dân.

“Chúng ta nói nhiều về trồng cây gì, nuôi con gì nhưng theo tôi hãy để nông dân được quyết định làm giàu chính đáng trên mảnh đất của họ. Việc giữ đất lúa, chính sách của chúng ta chưa linh hoạt, còn cứng nhắc. Theo tôi, chúng ta cần thẳng thắn đánh giá thực trạng ở từng vùng để có một quy hoạch xác đáng cho đất lúa”, ông Bình mở đầu câu chuyện.

Theo ông Bình, nếu cứng nhắc giữ nhiều đất lúa, ngay cả vùng đồi núi, phụ thuộc nước trời và vùng đồng trũng tốn bao nhiêu chi phí cho bơm tiêu thì đó là cách làm không khoa học. Tại sao vùng đồi núi có điều kiện thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, vùng trũng thuận lợi cho phát triển thủy sản chúng ta lại không mạnh dạn chuyển đổi? Cái này, theo tôi phải từ tư duy khoa học và bằng hành động quyết liệt, quyết đoán.


Ông Vũ Duy Giáp (giữa) Chủ tịch UBND xã và ông Bùi Xuân Chỉnh (ngoài) Chủ tịch MTTQ xã Tân Mộc khẳng định 1 sào lúa cho thu nhập 3,6 triệu đồng còn 1 sào cam cho thu nhập 90 triệu đồng
 

“Chúng ta đừng cứng nhắc gọi đất lúa mà chỉ nên xác định đó là đất sản xuất nông nghiệp để thuận cho việc chuyển đổi trong những điều kiện thực tế đặt ra hợp lý. Đó là cách tốt nhất giúp dân làm giàu”, ông Bình mạnh dạn đề xuất.

Như nắng hạn gặp mưa, khi nghe PV đặt vấn đề chuyển đổi sao cho hiệu quả, ông Chủ tịch huyện Lục Ngạn tiếp tục nói: Nếu các đồng chí chưa tin thì hãy đến đây, về tận các xã Hồng Giang, Tân Mộc, Quý Sơn, Phi Điền, Tân Quang, Nam Dương… của Lục Ngạn để thấy rõ điều đó.

Huyện Lục Ngạn chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng trung du và vùng núi phía Bắc, có một tiểu vùng khí hậu mang nhiều nét đặc trưng của vùng miền núi. Về đặc điểm thổ nhưỡng, đất nông nghiệp huyện Lục Ngạn hầu hết là đất Ferralit nâu vàng phát triển trên phù sa cổ, đất Ferralit nâu tím phát triển trên phiến thạch sét, rất phù hợp phát triển cây ăn quả.

Các anh hãy vào tận từng cánh đồng, gặp từng hộ dân, ăn ở, gắn bó với người dân một thời gian sẽ hiểu vì sao người dân họ thông minh và quả quyết đến thế. Chính tôi cũng phải thay đổi cách nghĩ từ những việc làm thông minh của người nông dân nơi đây. Tôi tin không lâu nữa Lục Ngạn sẽ là thủ phủ cây ăn quả miền Bắc.
 

Khó kiếm một nắm rơm, rạ

Xã Hồng Giang được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề án xây dựng xã nông thôn mới mang đặc trưng vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.

Trong đó đặc trưng thứ nhất được xem là đột phá của Hồng Giang: Toàn xã chuyên canh trồng cây ăn quả (không có diện tích trồng cây lương thực) trong đó tập trung vào 3 loại cây chính gồm vải thiều, cam, bưởi với hàng trăm ha đất lúa được chuyển sang.

Đến nay, Hồng Giang xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các vùng sản xuất an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (gồm 38 hộ, diện tích 15ha, đã được cấp Giấy chứng nhận), tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ (gồm 109 hộ chia thành 6 nhóm, diện tích 60ha, đã được cấp mã vùng), tiêu chuẩn VietGAP (gồm 1.323 hộ, diện tích 398ha, đã được cấp Giấy chứng nhận) và 5 vùng sản xuất cây có múi an toàn ở các thôn Lường, Chính, Kép 2B, Hiệp Tân, Hăng, Ngọt, Nguộn Trong.


Từ xa nhìn ra cánh đồng hàng trăm ha đất lúa của xã Hồng Giang nay được phủ xanh bởi cây ăn quả có múi
 

Ông Trịnh Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn Lường dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng cam, bưởi của thôn rộng 150 mẫu. Ông nói, trước khi đề án xây dựng nông thôn mới được tỉnh phê duyệt thì toàn xã đã tự chuyển đổi hết 60% diện tích rồi. “Đến bây giờ, kiếm một nắm rơm ở cả xã này cũng khó”, ông Sỹ ví von.

Theo ông Sỹ, khi cấp trên chưa phê duyệt đề án chuyển đổi, nhân dân tự phát làm chui. Có thời điểm tiếng máy cày, máy bừa làm đất ầm ầm sáng rực cả cánh đồng hàng trăm mẫu. Mọi nhà lao ra làm đêm, chỉ sau một đêm cả cánh đồng đất lúa rộng hàng chục mẫu đã làm nên hình hài từng luống với những hàng cây cam, bưởi.

"Làm chui như thế mà không bị nhắc nhở hay lập biên bản sao?", PV hỏi.

Ông Sỹ trả lời, chúng tôi là những cán bộ, đảng viên vẫn làm những việc về sách vở thì không đúng nhưng thực tiễn nó đặt ra như thế!

“Làm lúa, dân miền núi chúng tôi sẽ khó khăn, không thể giàu lên được. Nhờ việc chuyển đổi này mà trong thôn hiện có 30 chiếc xe ô tô hạng sang. Cả thôn có 200 hộ thì hiện chỉ có 2 hộ nghèo, còn lại là giàu có và khá giả. Họ giàu là nhờ một sào cây ăn quả cho thu nhập 90 triệu đồng chứ không phải từ một sào lúa cho năng suất kịch trần 3 tạ được 1,8 triệu đồng đâu PV báo Nông nghiệp ơi”, ông Bí thư Chi bộ trải lòng và khẳng định nếu không cho chuyển thì cũng khó lòng can ngăn người dân làm giàu chính đáng.

Việc chuyển đổi đất lúa không ăn chắc từ năm 1990 ở Lục Ngạn đã triển khai khá mạnh bạo, chính vì thế gần 30 năm qua vải thiều đã làm nên thương hiệu đặc trưng riêng cho vùng đất này.
"Quy hoạch của huyện còn 5.300ha đất lúa. Trong tương lai, việc có chuyển đổi hết đất lúa cũng không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trên địa bàn huyện cũng như của tỉnh Bắc Giang. Nếu vùng này, không trồng lúa mà giá trị thu nhập của người dân tăng cao gấp mấy chục lần, tại sao không? Mạnh dạn chuyển đổi ở vùng này để tăng giá lúa cao lên ở vùng khác, tốt chứ sao?”, PCT huyện Lục Ngạn Lê Bá Thành suy nghĩ.

Tìm đến xã Tân Mộc cách Hồng Giang không xa, ông Vũ Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã cho hay, trước năm 2010, diện tích trồng lúa của xã là 800ha, đến 2013 giảm xuống còn 400ha và nay trong các báo cáo của xã vẫn phải ghi là 270ha đất lúa nhưng thực tế hết năm nay chắc không còn một ha trồng lúa nữa.

Hỏi ông Giáp, đâu là lý do để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng? Không chần chừ, ông đáp: Do giá trị thu nhập của trồng cây ăn quả cao gấp 27 – 28 lần trồng lúa.

Nói rồi, ông chỉ sang ông Bùi Xuân Chỉnh, Chủ tịch MTTQ xã, ông Chỉnh bảo, lấy ví dụ để thấy được vì sao người dân họ mạnh dạn chuyển đổi.

“Xin được tối ưu hóa giá trị thu nhập của 1 sào canh tác. Một sào lúa 2 vụ với năng suất 3 tạ/vụ nhân với giá 6.000 đ/kg thì được 3,6 triệu đồng; trong khi đó 1 sào cam thu được 3 tấn với giá 30.000 đ/kg thì được 90 triệu đồng. Năm 2014, giá cam vùng này là 65 – 70 ngàn/kg, còn năm ngoái là 35 – 40 ngàn/kg nhưng người dân vẫn có thu nhập khá cao”, ông Chỉnh làm phép tính.

Ông Chỉnh bảo rằng, thôn Đồng Quýt xã Tân Mộc hiện có nhiều gia đình có thu nhập 1,1 – 1,3 tỷ đồng/ha/năm từ trồng cam. Năm ngoái, ông Chỉnh có 3ha cam thu 100 tấn bán 30 ngàn/kg được 3 tỷ đồng. Thu nhập tốt và ổn định như thế thì thử hỏi, tại sao chúng ta lại chần chừ trong khi khí hậu, đất đai đang rất thuận cho phát triển cây ăn quả, nhất là vùng núi Lục Ngạn?

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Lê Bá Thành chia sẻ, năm ngoái huyện tổ chức lễ hội trái cây thu hút được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Đây là tín hiệu rất tốt cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Thành, thực tế nhiều loại trái cây trồng trên đất Lục Ngạn đều có nguồn gốc xuất xứ ở các vùng đất khác như cam đường Canh, cam Vinh, cam V2, bưởi Diễn, bưởi da xanh… Song khí hậu, thổ nhưỡng của vùng này đã khiến những sản phẩm này vượt trội lên mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân Lục Ngạn.

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...