| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/02/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 13/02/2017

Tử tù cũng sẽ có quyền kết hôn, ly hôn?

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “nam nữ có quyền kết hôn, ly hôn” (điều 36), “mọi người có quyền hiến mô, hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác...

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “nam nữ có quyền kết hôn, ly hôn” (điều 36), “mọi người có quyền hiến mô, hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của pháp luật” (điều 20)...

Như vậy, việc kết hôn, ly hôn, hiến mô, hiến xác, cho tinh trùng... là những quyền cơ bản của con người, của công dân, đã được hiến định.

Trong thực tế, những người đang chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án hay đang chờ Chủ tịch nước xét đơn xin tha tội chết... cũng là những con người, vì vậy họ cũng có những quyền dân sự đó.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự hiện chưa quy định những quyền đó. Vì vậy, để giải quyết những yêu cầu này trong cuộc sống, và để phù hợp với Hiến pháp, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, trong đó quy định rõ những quyền trên.

Như vậy, nếu được trình và được Quốc hội thông qua, thì những người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, và cả tử tù cũng sẽ có quyền kết hôn, ly hôn. Riêng với tử tù, thì ngoài những quyền trên, còn có quyền được lấy tinh trùng lưu giữ tại các cơ sở y tế nhằm mục đích duy trì nòi giống.

Thông tin này lập tức được dư luận xã hội quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết đều cho rằng đây là việc làm hết sức nhân văn, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Xã hội chủ nghĩa.

Với những người đang chấp hành án tù có thời hạn, thì việc được đăng ký kết hôn sẽ trở thành một động lực vô cùng to lớn để họ cải tạo tốt hơn, vì chỉ có cải tạo tốt thì mới được xét giảm án hoặc đặc xá, và như vậy thì sẽ sớm được về với người vợ hay người chồng đã đăng ký kết hôn với mình trong thời kỳ thi hành án.

Nhưng riêng với những tử tù, thì còn rất nhiều ý kiến thể hiện sự băn khoăn, vì hàng loạt những vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Thứ nhất, tử tù là những người đang phải chịu chế độ giam giữ đặc biệt chặt chẽ, và tâm lý đang có sự biến động khôn lường. Để đăng ký kết hôn, thì cần cả hai người phải có mặt ở nơi đăng ký.

Việc dẫn giải tử tù đến nơi đăng ký có an toàn không? Và sau khi đăng ký, thì tử tù có được sống chung với vợ hoặc chồng mình tại nơi giam giữ không? Bởi khác với những người tù có thời hạn, sự sống của tử tù chỉ còn được tính từng ngày, nếu đăng ký kết hôn rồi mà không được sống chung, thì việc đăng ký đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ còn là một việc làm hết sức hình thức.

Chính vì vậy, đã có những ý kiến nên loại bỏ quyền được đăng ký kết hôn của tử tù, chỉ giữ lại quyền được ly hôn và những quyền khác.

Nhưng, đã là những quyền của con người, thì không được dùng bất cứ lý do gì để tước bỏ, vì như vậy là vi hiến.